Sự kiện hot
13 năm trước

“Khủng hoảng”… thịt heo

Bộ NN-PTNT không tìm ra lời giải cho vấn đề: Người nuôi heo giảm nhưng sản lượng thịt tăng, giá cả cũng tăng chóng mặt

Bộ NN-PTNT không tìm ra lời giải cho vấn đề: Người nuôi heo giảm nhưng sản lượng thịt tăng, giá cả cũng tăng chóng mặt

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN - PTNT, ngày 13-7, các đơn vị chức năng của bộ đã chia thành nhiều đoàn đi kiểm tra việc sản xuất và cung ứng thực phẩm, rau xanh ở một số tỉnh phía Bắc.

Mộ hộ nuôi heo ở Đông Anh - Hà Nội

Tăng nhanh hơn… giá vàng

Chiều 13-7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết gần 1 năm qua, trong khi giá vàng tăng khoảng 33%-35% thì giá thịt heo đã tăng 100%. Ông Tưởng ví giá thịt heo ở Hà Nội tăng cao hơn giá vàng khi tăng từ 37.000 đồng/kg (năm 2010) lên hơn 72.000 đồng/kg. Giải mã tình trạng này, ông Nguyễn Huy Tưởng cho rằng thức ăn chăn nuôi phần lớn nhập từ bên ngoài nên khi giá đầu vào thế giới tăng, có ảnh hưởng rất lớn tới nội địa. Bên cạnh đó, khi có dịch lan rộng, số lượng đàn heo sẽ giảm, cung không đáp ứng được cầu. Ngoài ra, hiện nay, giá cả tại Trung Quốc cũng tăng cao nên rất nhiều thương lái Trung Quốc sang thu mua nhiều loại thực phẩm, trong đó có thịt heo làm giá heo hơi tăng mạnh.

Theo ông Đào Duy Tậm, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội, hiện Hà Nội còn 1,5 triệu con heo, giảm 200.000 con so với năm trước. Nguyên nhân người dân bỏ trống chuồng vì thiếu vốn sản xuất.

Ông Phạm Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi- Bộ NN - PTNT, cho biết bình quân từ tháng 6 - 2010 đến tháng 6 năm nay, giá thức ăn chăn nuôi, thực phẩm tăng 30%-60%. Thịt heo hơi công nghiệp dao động từ 62.000 đồng đến 67.000 đồng/kg, trong khi đó ở các nước Đông Nam Á chỉ khoảng 60.000 đồng/kg. Ông Dương thừa nhận: “Cung - cầu về thực phẩm trong nước đang có vấn đề, 50%-60% các hộ gia đình hiện không nuôi heo do cuộc sống khó khăn”.

Sản lượng không giảm vì heo to!

Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu gần 2.600 tấn thịt heo, trong đó chủ yếu là Malaysia và Hồng Kông, còn lượng thịt xuất sang Trung Quốc chỉ có 96 tấn (chiếm 3,7%). Cũng theo cơ quan này, trong 3 tháng gần đây, hầu như thịt heo không xuất đi Trung Quốc.

Cục Chăn nuôi thừa nhận hiện số hộ chăn nuôi heo đã giảm từ 8 triệu hộ xuống 3 triệu hộ (giảm khoảng 10 triệu con heo). Thế nhưng, cơ quan này luôn khẳng định tổng số đàn heo có giảm nhưng tổng sản lượng thịt tăng vì heo xuất chuồng có trọng lượng lớn hơn so với trước (!?). Tuy nhiên, nhận định này của Cục Chăn nuôi gặp đã sự phản ứng từ người nuôi bởi với chi phí lớn như hiện nay, người nuôi không thể xuất chuồng heo có trọng lượng quá lớn trong khi đang rất cần vốn để quay vòng. Về sự “lạ” này, ông Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN - PTNT), đặt nghi vấn: “Cần có số liệu thống kê chính xác, vì sao số đầu heo giảm 1,1 triệu con nhưng sản lượng thịt vẫn tăng?”.

Trước giải trình khó tin này, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát bày tỏ sự không đồng tình và yêu cầu Cục Chăn nuôi phải tìm ra nguyên nhân. Theo chỉ đạo của ông Cao Đức Phát, từ ngày 13-7, các đơn vị chức năng của bộ dẹp toàn bộ công việc khác để đi xác minh rõ nguồn cung thực phẩm và rau xanh thiếu hụt đến đâu. “Tổng đàn heo, trâu, bò giảm nhưng lượng thịt xuất ra thị trường lại tăng. Vì thế, cần bằng chứng khoa học để chứng minh thực tế này. Biết cái gì thiếu, cái gì dư thì mới điều hòa thị trường” – ông Phát bức xúc.

Thế Dũng
Theo NLD

Từ khóa: