Sự kiện hot
10 năm trước

Kim Sơn, Ninh Bình: Quyết định của huyện vội vàng - người dân "sửng sốt"

Dantin - Quyết định theo kiểu “Buổi sớm nắng nóng, buổi chiều giông bão” của UBND huyện Kim Sơn đã khiến cho cuộc sống của hàng trăm gia đình nghèo phải lao đao, dưới cái nắng như thiêu như đốt, họ kéo nhau lên UBND tỉnh đòi quyền lợi và sự công bằng.

Quyết định “sớm nắng, chiều mưa” đưa người dân vào mối lo mất “cần câu cơm”

Theo nội dung đơn thư kêu cứu của những người dân, chúng tôi tìm về khu vực đầm bãi bồi ở đê Bình Minh 2 và Bình Minh 3 thuộc địa bàn xã Kim Hải (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), nơi những người nông dân vẫn ngày đêm oằn mình giữa cái nắng nực vì miếng cơm manh áo. Sự việc bà con nơi đây kéo nhau lên UBND tỉnh tìm câu trả lời cho chân lý đang là chủ đề “nóng ran” trên địa bàn trong những ngày qua.

Năm 1991, UBND huyện Kim Sơn thực hiện kế hoạch “Khoanh vùng khai thác thủy, hải sản vùng đất bồi ven biển huyện Kim Sơn” với các điều khoản tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa hai bên. Việc quy hoạch cánh đồng nuôi thủy hải sản trên địa bàn huyện Kim Sơn, đã thu hút với sự tham gia của hơn 1000 hộ dân (vùng bãi bồi nằm trên địa phận các xã Kim Hải, xã Kim Chung, Kim Đông…). Việc quy hoạch vùng nuôi trổng thủy, hải sản ngoài đê BM2, BM3 này sẽ phần nào giúp cho người dân công việc và thu nhập thường xuyên, cao hơn với làm nông nghiệp. Tạo điều kiện để người nông dân thoát nghèo và có cơ hội đi lên làm giàu.

Tuy nhiên, niềm vui khi cơ hội thoát nghèo vào tay chưa được bao lâu thì đã bị lãnh đạo huyện nhà sử dụng nhiều “chiêu trò” hòng lấy trắng công sức người nông dân “một nắng hai sương”. Dù rằng trong quá trình khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, người nông dân ở đây đều thực hiện thuế và nghĩa vụ đầy đủ. Ngày 22/4/ 2010, phía UBND huyện Kim Sơn ra thông báo số 36/ TB- UBND “Về việc tạm dừng ký hợp đồng nuôi trồng thủy sản cho các hộ gia đình từ đê BM2 đến đê BM3 để xây dựng dự án nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp” mà không có giải thích và thông tin về việc hỗ trợ gì và như thế nào?.

Theo đó, UBND huyện Kim Sơn yêu cầu tại thời điểm này trở đi “Các tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng từ các năm trước đến nay hết thời gian hợp đồng không được nuôi thả thủy sản mà chỉ đánh bắt tận thu hải sản tự nhiên trong khu vực trên. UBND huyện Kim Sơn không giải quyết đền bù, hỗ trợ con giống và các sản phẩm khác, các dụng cụ, ngư cụ khai thác thủy sản khi thực hiện dự án.

Trái ngược lại với tinh thần, chủ trương của những ngày đầu “mở” dự án, để lòng dân “nở hoa” mà dốc hết tài sản, sức lực cống hiến hàng chục năm trời với hy vọng đời sau sẽ khá…!

Tại Điều 4 của bản hợp đồng ký vào ngày 21/10/1991, giữa Ban kinh tế mới (UBND huyện Kim Sơn) với đại diện cho các hộ gia đình (là ông Trần Thanh Cầu; Trần Văn Sửu; Trần Văn Cửu), khoanh vùng khai thác thủy, hải sản trên vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn với diện tích là 7,6ha. Có giao trách nhiệm cho từng bên khi tham gia hợp đồng có nêu rõ tại phần cam kết chung “Hết thời hạn hợp đồng, hai bên phải cùng nhau thanh lý hợp đồng. Nếu bên A có nhu cầu thu lại các đầm nuôi tôm, hoặc ký hợp đồng mới với chủ thầu khác, phải thanh toán lại từ 80% đến 85 % tổng giá trị còn lại của các công trình do bên B đầu tư vốn. Hai bên phải thường xuyên trao đổi về việc thực hiện hợp đồng tại trụ sở ban kinh tế mới của huyện. Hai bên cam kết thực hiện nghiêm túc hợp đồng này, nếu bên nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhà nước. Bên kia sẽ không chịu trách nhiệm về thiệt hại kinh tế.

Chưa dừng lại ở đó, “hành động mạnh tay hơn” là việc ban hành văn bản theo kiểu “sớm nắng, chiều mưa” của UBND huyện. Trong khi người nông dân ít học vẫn đang lần mò, chưa hiểu chuyện gì xảy ra, thì đến ngày 15/4/2013, phía UBND huyện Kim Sơn bất ngờ ra thông báo “Về việc thực hiện ký hợp đồng NTTS vùng bãi bồi ven biển huyện Kim sơn năm 2014” và ngày 12/2/2014, UBND huyện Kim Sơn tiếp tục ra thông báo số 12/ TB-UBND “Về việc đẩy mạnh ký hợp đồng NTTS vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn năm 2014”. Thông báo này không được người dân tiếp nhận, vì có quá nhiều điều bất lợi đối với họ, trong lúc đang đắn đo suy nghĩ và hội ý, chưa biết nên làm gì ngoài việc kiến nghị lên lãnh đạo các cấp xem xét giải quyết “hợp tình, hợp lý”. Thì bất ngờ vào ngày 14/5/2014, UBND huyện Kim Sơn ra thông báo số 49/TB- UBND khiến lòng dân “ngã ngửa” với nội dung: 1. Đối với các hộ không ký hợp đồng sản xuất năm 2014, yêu cầu các hộ không được thả giống mới, tận thu hết thủy hải sản, tháo dỡ lều, lán và di chuyển mọi tài sản ra khỏi mặt bằng cho UBND các xã quản lý (theo ủy quyền của UBND huyện), thời gian trả lại mặt bằng xong trước ngày 30/6/2014; 2. UBND các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải chủ trì, phối hợp với các nghành chức năng có liên quan trực tiếp quản lý toàn bộ diện tích đất các hộ không ký hợp đồng trong khu vực được giao theo công văn số 87/UBND ngày 20/2/2013 của UBND huyện…

Bà Trần Thị Mai (57 tuổi người xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn) một chủ đầm tôm bức xúc “Việc UBND huyện Kim Sơn ra nhiều thông báo, khiến bà con chúng tôi hoang mang. Cứ hết ngừng rồi lại ký, lại đẩy mạnh, khiến chúng tôi chạy “chóng cả mặt” mà không còn tâm trí tập trung làm ăn, hơn nữa hành động của việc ra thông báo số 49/ TB-UBND ngày 14/5/2014, khác nào ép người dân chúng tôi phủi bỏ toàn bộ công sức, tiền bạc hàng chục năm trời của bà con chúng tôi…?”

Để thông tin khách quan sự việc, Phóng viên đã đến đặt lịch làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND huyện Kim Sơn, tuy nhiên vì lý do bận họp, nên lãnh đạo huyện này vẫn chưa thể có buổi làm việc và có câu trả lời thấu đáo trước báo chí về vấn đề này.

Nguyện vọng của người nông dân là sớm được ổn định yên tâm sản xuất

Ông Phạm Văn Diệm (52 tuổi, người xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) là một chủ đầm tôm ở đây cho biết: Vợ chồng ông có 6 người con, nhưng mới chỉ lập gia đình cho một người, cuộc sống của cả nhà nhìn cả vào nghề nuôi tôm, cua để trang trải cuộc sống. Năm 2005, gia đình ông có mua lại 1ha diện ích mặt nước để nuôi tôm, cua của gia đình ông Thủy- là người địa phương. Sau khi mua lại số diện tích mặt nước nôi trồng trên, hàng năm ông Diệm thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, trung bình mỗi năm nộp 1,5 triệu tiền thuế, trừ chi phí, trung bình cho thu nhập 40 triệu đồng/ năm. Số tiền trên cũng giúp ông phần nào lo chi phí sinh hoạt cho cả nhà và tiền học hành của các con ông. Cũng như những hộ gia đình khác trên địa bàn, ngoài việc giành hết thời gian và tâm huyết vào với nghề nuôi trồng thủy hải sản ở đầm thì họ không còn làm gì cả. Đơn giãn cũng bởi vì, công việc này chiếm mất nhiều thời gian và đầm thủy, hải sản là tất cả những gì họ có, vốn liếng, sức lực… đều đã trút hết xuống đầm.

“Việc UBND huyện Kim Sơn sau một thời gian không tiến hành thu thuế, rồi đột ngột ra thông báo tiếp tục ký hợp đồng đến hết ngày 31/12/ 2014, khi hết thời hạn hợp đồng, không được ký tiếp thì chúng tôi sẽ bị thu hồi mặt bằng mà không được hỗ trợ, bồi thường về đất và tài sản trên đất. Nhân thấy sự vô lý trên, nên chúng tôi đã không đồng ý ký vào biên bản hợp đồng. Thì chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin, nếu không ký thì hạn đến ngày 30/6/ 2014, chúng tôi phải hoàn trả mặt bằng và cũng không có hỗ trợ hay đền bù bất cứ thứ gì. Đây là điều hết sức vô lý, thông báo thu hồi diện ích mặt nước nuôi trồng thủy hải sản, nơi mà bà con chúng tôi đã vắt kiệt sức lực để bảo vệ và khai thác bấy lâu nay mà không hề có hỗ trợ. Khác nào là bỗng dưng ép khó chùng tôi để lấy đi cái cần câu cơm bấy lâu của bà con? hơn nữa khi lấy đi diện tích nuôi trồng thủy hải sản của chúng tôi mà không hề có kinh phí hỗ trợ để chúng tôi tái sản xuất, hoặc đi tìm kiếm cơ hội và việc làm mới thì về sau này cuộc sống của chúng tôi sẽ ra sao? Nhiều trường hợp đã quá tuổi lao động sẽ lấy gì để sống khi mà với họ đã hàng chục năm nay chỉ biết đến con tôm, con cua…” ông Diệm tỏa ra bức xúc.

Qua công tác tìm hiểu, được biết: Bà con ở đây đều mong muốn rằng được chính quyền địa phương hết sức quan tâm tạo điều kiện để được tiếp tục ký hợp đồng kéo dài thời hạn, để người dân yên tâm tham gia hoạt động sản xuất, ổn định cuộc sống. Họ sẵn sàng trả lại mặt bằng khi nhà nước cần, để phục vụ cho các công trình Quốc Gia, nhưng mong rằng sẽ được hỗ trợ, đền bù hợp lý để bà con có kinh phí chuyển giao nghề nghiệp, đảm bảo cuộc sống, dù biết là có khó khăn vất vả…

Ông Ngô Viết Thảo (CVP sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình) cho hay: Diện tích mặt nước ở đây khá phù hợp cho vấn đề nuôi trồng thủy, hải sản, tuy nhiên vẫn cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn ở từng mức độ về điều kiện và con giống phù hợp để cho hiệu quả cao…

Nhóm Phóng Viên

Từ khóa: