Sự kiện hot
10 năm trước

Kinh dị công nghệ làm bóng bì lợn giáp Tết

Dantin - Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán. Đây cũng là thời điểm những lò chế biến bóng bì lợn ở thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên bắt đầu “tăng tốc”. Suốt bao năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm của làng nghề truyền thống này luôn là tâm điểm phản ánh của các cơ quan báo chí, thông tấn. Nhưng xem ra, hiện nay tình trạng này đâu vẫn cứ vào đó.


Cho bì lợn vào lò nướng

Cho bì lợn vào lò nướng.

Nghề chế biến bóng bì lợn ở Bình Lương hầu như hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, chính vụ lại chỉ diễn ra trong khoảng 3 tháng cuối năm âm lịch - thời điểm giáp Tết Nguyên Đán. Bởi đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ bóng bì lợn trên thị trường tăng cao nhất. Phóng viên báo Đời sống & Tiêu dùng đã thực hiện một chuyến khảo sát thực tế về làng Bình Lương để chứng kiến và mô tả cận cảnh công nghệ chế biến bóng bì lợn “kinh dị” nơi đây.

Rùng mình công nghệ làm sạch bì lợn

Phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới thuyết phục được Hà, một xe ôm ở cổng chợ Đồng Xuân giới thiệu về Bình Lương để làm… công nhân. Hà vốn là người gốc ở đây, trước kia cũng từng “nối nghiệp” thuộc bì lợn của gia đình nhưng vì không chịu được cảnh sống chung với ô nhiễm nên đã bỏ quê lên Hà Nội chạy xe ôm. “Cái nghề đó độc hại lắm. Suốt ngày tiếp xúc với chất tẩy trắng. Chúng tôi tránh còn không được sao các ông còn thích chui vào làm gì” – Hà thắc mắc như thế khi tôi đặt vấn đề. Chỉ đến khi nghe được lời giải thích có vẻ rất “hợp tình hợp lý” của tôi rằng “muốn về học “bí kíp” nghề để về quê làm riêng” Hà mới gật đầu đồng ý.


Bóng lợn thành phẩm bày la liệt khắp nơi.

Hà giới thiệu tôi vào làm công nhân “tập sự” cho xưởng chế biến bóng bì lợn của ông Đặng Văn T. – một trong những xưởng có quy mô lớn nhất ở Bình Lương. Theo lời Hà xưởng của ông T. lúc nào cũng có gần chục công nhân làm, trung bình mỗi tháng lò chế biến này có thể “biến” 3-4 tấn bì lợn tươi sống thành bóng lợn bán ra thị trường. “Thử việc 3 ngày không lương. Nếu làm được việc thì tôi nhận vào luôn. Mỗi tháng trả cậu 1,5 triệu đồng”, vừa nói ông T. vừa dẫn tôi ra đằng sau nhà, nơi đang có 5 công nhân khác đang hối hả làm việc. Cả một khoảnh sân lớn phơi đầy những miếng da lợn đã qua sơ chế. Từ trong sân ra đến bờ ao chỗ nào cũng chất đầy những đống bì lợn, mùi mỡ lợn ôi thiu bốc lên nhức mũi. Tôi được xếp vào làm công đoạn sơ chế bì lợn cùng 2 công nhân khác. Một bao tải đựng bì lợn thối được đổ ra khoảng sân rộng gần giếng nước, mỗi người chúng tôi được giao xỏ chân vào đôi ủng cao su cứ thế nhảy vào giữa đống bì lợn giẫm, đạp thật lực. Xong xuôi, có một người khác cầm vòi nước hút từ dưới ao xối thẳng vào đống bì lợn đó. Số bì lợn này sẽ chuyển tiếp cho một nhóm công nhân khác trong bếp để lọc hết mỡ thừa trước khi đổ vào một thùng nhựa lớn chứa sẵn dung dịch sủi bọt trắng toát. Sau 3-4 tiếng ngâm trong thùng dung dịch, bì lợn vớt ra như được “lột xác”, trắng tinh và hoàn toàn không còn mùi hôi thối nữa.

Anh H., một công nhân làm trong xưởng nhà ông T. “bật mí” cho tôi biết thứ hóa chất dùng để ngâm sạch bì lợn đó là một loại hóa chất tẩy rửa cực mạnh được mua từ trên biên giới Lạng Sơn về và tất cả các cơ sở làm bóng bì lợn ở Bình Lương đều phải sử dụng loại hóa chất này. “Mọi người vẫn quen gọi đó là ô xy già vì nó có bọt sủi màu trắng giống hệt ô xy già được sử dụng trong bệnh viện. Chúng tôi cũng chỉ biết gọi như thế còn thực chất nó là thứ gì thì không ai biết bởi ngoài vỏ các thùng lúc mới mua về toàn chữ Trung Quốc thôi”, anh H. nói. Cũng theo anh H. thứ hóa chất này có giá bán khoảng 15 ngàn đồng/lít, mỗi lít có thể tẩy trắng được 3-4 tạ bì lợn. Công dụng đặc biệt của hóa chất này tinh diệu ở chỗ, không chỉ tẩy trắng, xóa vết thâm đen trên bì lợn mà còn giúp khử toàn bộ mùi hôi thối của những đống bì lợn để ôi thiu hàng mấy ngày trời. “Ông mới vào nên chưa phải làm công đoạn này. Nhưng mấy ngày nữa quen việc, kiểu gì ông chủ cũng bắt ông phải làm đấy. Nhớ là khi tiếp xúc với hóa chất phải đeo găng tay cao su thật cẩn thận. Nếu để nó dính vào da là ngứa lắm, thậm chí bị “ăn” mòn cả da tay đấy”, anh H. cảnh báo.


Nhiều lô bì lợn đã bị ôi thiu.

Đánh lừa thị giác

Sau khi được tẩy trắng và loại bỏ hết mỡ tạp, bì lợn được đưa ra phơi nắng cho thật khô. Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ tại cơ sở của ông T. mà hầu như tất cả những hộ làm nghề ở Bình Lương đều thiếu chỗ phơi nghiêm trọng. Do đó, họ tìm cách tận dụng bất kỳ chỗ nào có thể để làm sân phơi. Từ bờ ao, sân kho, đường đi… thậm chí các mương thoát nước thải vốn đen ngòm và bốc mùi hôi nồng nặc cũng có thể làm nơi phơi bì lợn chỉ với vài chiếc sào tre bắc ngang cùng mấy tấm phên đan vội. Về Bình Lương những ngày này, đi đâu cũng thấy bì lợn. Mùi hôi của mỡ lợn thối và mùi hắc của hóa chất tẩy trắng đậm đặc trong không khí đến mức, tôi đã cố tình đeo một chiếc khẩu trang dày vẫn không tránh khỏi sự “tấn công” của những xú khí này.


“Nhà xưởng” chế biến bóng bì lợn.

Bì lợn phơi xong được đưa vào lò nướng cho nổ thành những miếng bóng trông vô cùng đẹp mắt. Với cái mã như thế, khi đến tay người tiêu dùng đố ai có thể tưởng tượng được đó lại là thành quả của một dây chuyền sản xuất mất vệ sinh đến vậy. Chỉ có những công nhân ở Bình Lương, những người trực tiếp tham gia vào quá trình làm bóng bì lợn mới hiểu rõ được điều này. Khi được hỏi về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của những túi bóng lợn ở Bình Lương, anh H. thẳng thắn: Đó chỉ là sản phẩm của một công nghệ đánh lừa thị giác một cách tinh vi. Là người trực tiếp tham gia vào quá trình làm bóng bì lợn, anh H. thừa hiểu độ an toàn của những sản phẩm mình làm ra đến đâu. “Thực sự tôi làm ở đây bao nhiêu năm rồi mà chưa năm nào dám cầm mấy miếng bóng lợn về biếu gia đình hay người thân. Tôi không rõ công nghệ làm bóng lợn thuở khai sinh như thế nào nhưng bây giờ thấy ở đâu cũng lôm côm như vậy. Vẫn phải đi ủng vào đạp, vẫn phải dùng hóa chất tẩy trắng. Biết là không an toàn nhưng còn cách nào khác đâu”, anh H. nói.

Theo thống kê của UBND xã Tân Quang, hiện cả thôn Bình Lương có khoảng 150 hộ làm nghề thu gom và chế biến bì lợn thành bóng bán ra thị trường. Trong đó, thị phần chiếm đa số vẫn là Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc. Ông Nguyễn Huy Lập, Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết, dù vẫn được biết đến với tên gọi “làng nghề truyền thống” nhưng toàn bộ các cơ sở chế biến bóng bì lợn ở Bình Lương đều mang tính chất tư nhân tự phát và không hề có giấy phép kinh doanh. Đó cũng là lý do khiến cho nghề chế biến bóng bì lợn dù đã xuất hiện và tồn tại ở Bình Lương suốt một thời gian dài mà vẫn không được công nhận là làng nghề truyền thống. “Các hộ nhập bì lợn ở nhiều nơi nên khó kiểm soát được nguyên liệu đầu vào. Muốn đảm bảo chất lượng của bóng bì lợn thì trước hết các cơ quan chức năng phải xiết chặt việc buôn bán, vận chuyển bì lợn trên thị trường. Nơi nào không đảm bảo chất lượng thì kiên quyết không cho hoạt động, lưu hành”, ông Lập nói.

Hòa Thắng

Từ khóa: