Sự kiện hot
11 năm trước

Kinh tế khó khăn, vàng mã càng sôi động

Dantin - Giáp Tết Quý Tỵ, trái ngược với không khí ảm đạm bao trùm nhiều mặt hàng tiêu dùng, thị trường vàng mã vẫn tấp nập người bán kẻ mua. Theo lý giải của những người trong nghề, năm nào kinh tế càng khó khăn thì vàng mã càng được giá.

Dantin - Giáp Tết Quý Tỵ, trái ngược với không khí ảm đạm bao trùm nhiều mặt hàng tiêu dùng, thị trường vàng mã vẫn tấp nập người bán kẻ mua. Theo lý  giải của những người trong nghề, năm nào kinh tế càng khó khăn thì vàng mã càng được giá. Bởi đó là lúc mọi người cần đến sự trợ giúp của cõi Âm nhất.

Vào thời điểm giáp Tết, người dân hai làng làm vàng mã truyền thống là Phúc Am và Duyên Trường (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) hầu như không có ngày nghỉ. Mọi nhân lực, vật lực đều được huy động hết công suất làm nghề để vừa phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, vừa chuẩn bị hàng cho mùa lễ hội đầu năm mới sắp tới gần. Anh Nguyễn Văn Tâm, chủ một cơ sở vàng mã ở Phúc Am cho biết: So với mọi năm, chủng loại mặt hàng này không có nhiều biến động, vẫn là những đồ cúng thường ngày xuất hiện trên ban thờ của các gia đình như tiền, vàng, quần áo cho người cõi âm. Ngoài ra, một số đồ “cao cấp” cũng vẫn được tăng cường sản xuất.

“Những mặt hàng này được tiêu thụ nhiều nhất vào dịp đầu năm, vì người đi đền, chùa làm lễ giải hạn, cầu an rất nhiều”, anh Tâm nói. Riêng những loại hàng mã “thời thượng” như ô tô đời mới, xe máy, điện thoại di động... năm nay vẫn được sản xuất nhưng hạn chế về số lượng vì sau một thời gian xuất hiện, gây sốt thị trường, hiện nay nhu cầu về loại mặt hàng này đã giảm nhiệt.

Cổng làng Duyên Trường, xã Duyên Thái chất đầy hàng mã.

Hiện toàn xã Duyên Thái có khoảng hơn 200 hộ làm vàng mã. Thị trường chính chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và một số thành phố lớn ở miền Bắc. Tuy nhiên, vào lúc cao điểm, đặc biệt là thời gian giáp Tết, người người, nhà nhà ở Duyên Thái đều được huy động vào làm nghề. Về Duyên Thái vào những ngày này, không khí nhộn nhịp làm đồ vàng mã diễn ra ở khắp các đường làng, ngõ xóm. Mọi công việc thường ngày đều phải gác lại nhường chỗ cho vàng mã. Các chủ cơ sở nhận đơn đặt hàng rồi chia cho các hộ trong làng làm theo hình thức khoán sản phẩm. Một nhân công làm hết công suất, một ngày có thể thu nhập từ 200-300 ngàn đồng.

Theo khảo sát của PV Đời sống& Tiêu dùng, thị trường vàng mã ở Hà Nội năm nay không có nhiều biến động về giá cả so với các năm trước. Tại phố Hàng Mã, giá một bộ đồ ông Táo gồm 3 chiếc mũ, 3 bộ quần áo, 3 đôi giày, giá khoảng 40.000 - 60.000 đồng. Những mặt hàng khác như ôtô, xe máy, điện thoại di động cũng chỉ giao động từ 30.000 – 1,5 triệu đồng/sản phẩm, tùy theo kích cỡ và chủng loại. Một số mặt hàng phổ biến khác như tiền, vàng, quần áo... giá bán không có sự biến động đáng kể. Chị Hoa, chủ một cửa hiệu vàng mã ở phố Hàng Mã cho biết: “Thường thì mỗi năm giá đều tăng lên từ 10-15% so với năm trước. Năm nay chúng tôi cũng không phá vỡ quy luật đó. Được cái dù kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu vàng mã của mọi người vẫn cao nên chúng tôi vẫn làm ăn được. Thậm chí năm nay nhu cầu thị trường còn tăng hơn năm trước. Đó là quy luật tâm lý, lúc khó khăn người ta càng phải chăm cúng làm lễ với mong muốn năm mới sẽ thuận lợi, tốt đẹp hơn”.

Bài và ảnh Hòa Thắng

Từ khóa: