Sự kiện hot
7 năm trước

Kon Tum: Khai thác cát trái phép trên sông Đắk Bla, cơ quan chức năng “bất lực”?

Nhiều tàu hút cát hàng trăm khối từ tỉnh Gia Lai tới khu vực sông Đắk Bla TP. Kon Tum khai thác cát trái phép nhưng cơ quan chức năng địa phương “lúng túng” trong xử lý vi phạm hay “bất lực” nhìn tài nguyên “chảy”?

Sông Đắk Bla bị “đục khoét”

Nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng khai thác cát trái phép ngang nhiên hoạt động tại thành phố Kon Tum, cuối tháng 3 vừa qua phóng viên đã trực tiếp mục sở thị cảnh khai thác cát trái phép vận chuyển ra khỏi địa bàn.

Có mặt tại trạm bơm nước thủy lợi thuộc thôn Trung Nghĩa, xã Kroong, thành phố Kon Tum vào khoảng 11h30, lúc này trời rất nắng nóng, phóng viên chứng kiến cảnh một tàu, sơn màu đỏ đi từ phía hạ nguồn từ thủy điện Yaly sang thành phố Kon Tum trên sông Đắk Bla, theo quan sát của phóng viên chiếc tàu có trọng tải khoảng 200m3, có 2 chiếc máy nổ thả 2 vòi rồng xuống lòng sông hút cát lên tàu. Trong vòng khoảng 30 phút máy nổ hoạt động hết công suất và bơm đầy cát vào khoang tàu. Sau đó, những người trên tàu nhanh chóng thu vòi rồng hút cát lên tàu và xoay đầu chạy về phía hạ nguồn.


Sạt lở 2 bên bờ sông Đắk Bla do khai thác cát?

Theo quan sát của phóng viên và người dân địa phương cho biết: vào khoảng 4 đến 5 giờ sáng tàu hút cát từ hạ nguồn chạy lên khu vực này “ăn cát” đến gần trưa lại trở lại một lần nữa để “ăn cát”, tối lại thêm một chuyến. Ngày nhiều thì có tới 3 -4 tàu cùng đi “ăn cát” ngày ít thì cũng có vài tàu lên đây hút cát. Chỉ có những hôm nào “động” – (có cơ quan chức năng kiểm tra – P/V) thì tàu mới không lên hút cát.

Hai bên bờ sông Đắk Bla, khu vực các xã KRoong, xã Đắk Năng và xã Ngọk Bay TP. Kon Tum nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Người dân địa phương cho rằng một phần do mưa lũ, nhưng phần lớn là do hút cát trái phép sát bờ sông ?

Những bãi tập kết cát bên bờ đập thủy điện Yaly

Lần theo thông tin bạn đọc, nhóm phóng viên tìm đến bên chân đập thủy điện Yaly, xã Yaly, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Bên cánh tả đập thủy điện có tới có 4 bãi tập kết cát. Trên thực tế 3 bãi tập kết đang hoạt động suốt ngày, còn một bãi thì đang “hoàn tất thủ tục” để đi vào hoạt động.

Theo quan sát của phóng viên, để vào 4 bãi tập kết cát có một con đường đất khá kiên cố, phương tiện đi lại thành lối mòn sâu , phương tiện xe tải vào “ăn cát” liên tục từ các bãi tập kết cát này. Một tài xế cho biết “mỗi khối cát ở đây có giá khoảng 130 nghìn đồng, mỗi xe chở từ 6 đến 10 khối, có xe chở 15 khối”.

Điều đặc biệt là theo tìm hiểu của phóng viên, tại khu vực thượng nguồn đập thủy điện Yaly trên địa bàn tỉnh Gia Lai không hề có mỏ cát nào. Vậy cát ở đâu ra, để 4 bãi tập kết cát có cát để bán ra thị trường?

Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lê Xuân Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Chư Pak, ông Dũng cho biết: tại xã Yaly có 3 bãi tập kết cát đang hoạt động, sắp tới có một bãi nữa hoạt động. Việc này (cát khai thác về không phải từ mỏ cát mà hút cát lậu trên sông ĐắkBla, tỉnh Kon Tum, về bãi tập kết cát- PV), huyện đã làm việc rất nhiều lần, ra nhiều văn bản với các cơ quan chức năng địa phương, kiểm tra tính hợp pháp của nguồn cát. Về việc khai thác, vận chuyển cát trong lòng hồ thủy điện Yaly thì công ty thủy điện Yaly cho phép hoạt động. Về thực tế không ảnh hưởng đến khu vực lòng hồ. Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum tăng cường công tác kiểm tra, xử lý trên địa bàn, tránh việc khai thác cát trái phép vận chuyển về các bãi tập kết cát ở Yaly.

Cũng theo ông Dũng, để được cấp phép bãi tập kết cát, các công ty có văn bản thỏa thuận, mua bán với các mỏ cát trên địa bàn và các mỏ cát ở tỉnh Kon Tum nên họ được phép hoạt động, còn việc họ khai thác, vận chuyển cát từ mỏ hay khai thác trái phép ngoài địa bàn huyện, nên rất khó khăn trong việc kiểm tra xử lý.

Cơ quan chức năng “bất lực”?

Liên quan đến việc tàu, thuyền khai thác cát trái phép trên địa bàn xã KRoong, TP. Kon Tum, ngày 27/3, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đức, chủ tịch UBND xã Kroong. Ông Đức Thẳng thắn chia sẻ: Trên sông Đắk Bla, đoạn đi qua thôn Trung Nghĩa, xã Kroong có tàu hút cát trái phép, những chiếc tàu này lúc ẩn lúc hiện, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, chúng tôi ở trong này thôi (đứng trên bờ - PV) chứ không có phương tiện để tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Tuần trước 3 xã Kroong, xã Đắk Năng và Ngọk Bay, có kiểm tra nhưng không phát hiện khai thác cát trái phép. Nếu kiểm tra thế thì không thể bắt được. Một mình mình không làm được. Đề nghị sớm tổ chức đấu giá mỏ cát, để vừa có nguồn thu cho địa phương (thành phố Kon Tum) và xã cũng dễ quản lý. Để xảy ra khai thác cát trái phép xã có một phần trách nhiệm. Rất khó xử lý vì khi tới bắt thì họ đã ra khỏi khu vực mất rồi.


Khai thác cát trái phép trên sông Đắk Bla, cơ quan chức năng “bất lực”?

Ngày 28/3, trao đổi về vấn đề “cát tặc” trên sông Đắk Bla, ông Nguyễn Quốc Vương, Chánh văn phòng UBND TP. Kon Tum cho hay: Để xảy ra khai thác cát trái phép trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, xã, tôi sẽ báo Chủ tịch UBND Thành phố, cho anh em kiểm tra lại. Cấp phép thì UBND tỉnh cấp phép, Sở TN&MT và Phòng Khoáng sản đưa ra giải pháp xử lý hút cát trộm. Sau đó ông Vương giới thiệu phóng viên gặp ông Phạm Bính, Phó trưởng phòng phụ trách khoáng sản, Phòng TN & MT TP. Kon Tum. Ông Bính cho biết: Ngày 23/3, Phòng có làm việc với 3 xã: xã Kroong, xã Đắk Năng và Ngọk Ba, tại đây, công ty TNHH Nguyên Hưng được phép khai thác khoáng sản thông thường, vật liệu xây dựng tại sông ĐakBla, gần đây có một vài tàu hút cát ra ngoài khu vực.

Trong buổi làm việc này, 3 xã có ý kiến: Thời gian qua có phát hiện ghe, tàu từ Gia Lai đến địa bàn khai thác cát sỏi.

Trong Biên bản làm việc cũng ghi rõ: Đề nghị UBND xã Kroong, xã Đắk Năng và Ngọk Ba tăng cường kiểm tra giám sát mọi hoạt động khai thác khoáng sản cát sỏi trên địa bàn quản lý, nếu phát hiện vi phạm thì kịp thời xử lý nghiêm theo quy định (đặc biệt là các ghe tàu khai thác cát, sỏi từ Gia Lai đến khai thác trên địa bàn).

Ông Bính cũng cho hay: Tham mưu UBND Thành phố giao các xã có cát mà chưa cấp mỏ phải giám sát, kiểm tra, xử lý. Cái khó là Tỉnh cấp phép nhưng Thành phố quản lý, khó khăn trong phương tiện bắt tàu khai thác cát trái phép.Gần khu vực đó có 2 mỏ đang làm thủ tục đấu giá.

Ông cho biết thêm: "Sẽ đề xuất Tỉnh thành lập đoàn liên ngành truy quyết xử lý, khai thác cát trái phép. Đề nghị Tỉnh: Sở Tài nguyên –Môi trường, phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với Thành phố phối hợp xử lý. Chứ thành phố tàu bè, ca nô không có nên làm sao xử lý được?"

Trí Thức – Tĩnh Nhi

Từ khóa: