Sự kiện hot
8 năm trước

Kỳ vọng sản phẩm mới ngành vật liệu xây dựng

Bộ Xây dựng cho biết, nhóm ngành vật liệu xây dựng trong gần 2 năm qua đã đạt mức tăng trưởng khả quan, khoảng 12 - 15%/năm. Mức tăng này đã tạo cơ hội cho nhiều loại vật liệu, công nghệ mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam.

Sau khi thử nghiệm và sản xuất thành công gạch xi măng cốt liệu đạt chuẩn, công dụng tương đương gạch đỏ và có phần vượt trội hơn về độ cứng, ông Trần Trung Nghĩa, Tổng giám đốc CTCP Chế tạo máy và Sản xuất Vật liệu mới Trung Hậu cho biết: “Tại phía Bắc, Công ty đã lắp đặt trên 10 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu tại Hà Nam và Nam Định. Sắp tới, một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kết cấu thép sẽ lắp đặt hàng loạt dây chuyền tại phía Nam với công suất khoảng 200 triệu viên/năm”. Được biết tại Hà Nam, 2 tập đoàn sản xuất xi măng lớn là Tập đoàn Xuân Thành và Thành Thắng đã lắp đặt trên 10 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu. Riêng lượng hàng của Tập đoàn Xuân Thành chỉ đủ để phục vụ cho xây dựng khu đô thị của Tập đoàn tại Ninh Bình và dây chuyền 2 xi măng Xuân Thành tại Hà Nam mà chưa có hàng bán ra thị trường.

Bên cạnh gạch, các nhà máy kính xây dựng có dây chuyền công nghệ hiện đại như: Viglacera Bình Dương, Tràng An, VFG cũng đạt mức tăng trưởng khả quan khi. Thậm chí, mấy tháng gần đây, một số nhà máy không đủ hàng bán do việc tiểu tu và chuẩn bị tiểu tu nhà máy. Điều đó khiến thị trường sản xuất sản phẩm sau kính đã tăng giá. Song, cái được lớn nhất của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kính là đã chiếm lĩnh thị phần, “đẩy” lùi kính giá rẻ Trung Quốc, đồng thời cạnh tranh với các loại kính nhập khẩu chất lượng cao.

Xi măng được xem là “bánh mỳ của ngành xây dựng”, nhưng thời gian gần đây chiếc bánh này không còn đơn điệu nữa. Đơn cử, 3 dòng sản phẩm của xi măng Cẩm Phả bao gồm: xi măng xỉ, xi măng bền sunfat và xi măng rời PC50 được tiêu thụ mạnh tại phía Nam. Ông Lê Quang Uyên Phương, Giám đốc Chi nhánh phía Nam CTCP Xi măng Cẩm Phả cho biết: “Dòng sản phẩm mới của xi măng Cẩm Phả được tiêu thụ tương đối tốt tại phía Nam. Tính năng của sản phẩm thích hợp với các công trình phải xử lý nền đất yếu hoặc các công trình ven biển, các công trình bị ảnh hưởng bởi xói mòn, ngập mặn… Dùng các dòng sản phẩm này người tiêu dùng được 2 điểm lợi: vừa đảm bảo chất lượng công trình, lại không phải tính toán đến việc sử dụng các vật liệu khác nếu dùng xi măng thông thường”.

Không chỉ có các nhà sản xuất trong nước, một số tập đoàn sản xuất vật liệu và máy móc thiết bị nước ngoài cũng xem Việt Nam là “đích đến” trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Vinh Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ mới Nguyễn Vinh (đại lý độc quyền cho TEREX tại Việt Nam) cho biết, Tập đoàn TEREX (Mỹ) đang có kế hoạch tăng cường thị phần cho dòng sản phẩm công nghệ nghiền sàng module trong ngành xây dựng, giao thông và khai thac mỏ sau khi đã lắp đặt thiết bị tại các nhà máy sản xuất bột đá trắng (Yên Bái và Nghệ An), lắp đặt thiết bị tại Công ty Sản xuất và Kinh doanh vật liệu xây dựng BMT (TP. HCM). Theo ông Huỳnh, TEREX nhận thấy thị trường Việt Nam rất tiềm năng cho các dòng sản phẩm công nghệ cao.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về khả năng “lấn sân” tại thị trường Việt Nam của TEREX, ông Huỳnh tự tin cho rằng, điều này là chắc chắn. Lý do, TEREX là thương hiệu hàng đầu tại Mỹ về công nghệ và giải pháp cho các nhóm ngành vật liệt, doanh số năm 2015 đạt 6,54 tỷ USD. Theo ông Huỳnh, khi thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam được dự báo có mức tăng khoảng 15% trong các năm tiếp theo, cùng với việc các nhà sản xuất đang dần thay và chuyển đổi từ công nghệ Trung Quốc sang công nghệ hiện đại thì cơ hội cho TEREX đang lớn dần.

Tại Triển lãm Vietbuild 2016 tại TP. HCM vừa qua, ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Ban tổ chức cho biết: “Chưa có tổng kết cụ thể nhưng các doanh nghiệp nước ngoài tham gia triển lãm lần này đã có những ký kết, hợp tác sớm hơn so với dự định. Khả năng tiến quân vào thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam của các DN ngoại là chắc chắn”.    

Theo Đầu tư Bất động sản

Từ khóa: