Sự kiện hot
6 năm trước

Làm thế nào để hạn chế nguy cơ chậm nói ở trẻ dưới 24 tháng?

Trong thời gian này, để hạn chế nguy cơ chậm nói của trẻ có thể xuất hiện ở thời điểm sau 2 tuổi, cha mẹ cần tăng cường trò chuyện, giao tiếp và chơi với con nhiều hơn, hạn chế hoặc không cho trẻ xem thiết bị smartphone quá nhiều, hạn chế trẻ chơi tự do, thiếu tương tác...

Gửi câu hỏi đến Báo Đời sống & Tiêu dùng, chị Trần Huyền Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) thắc mắc:

Hiện tại con tôi đã 15 tháng tuổi, cháu bước đầu hiểu được một số yêu cầu, mệnh lệnh của bố mẹ nhưng khi thích thì làm, không thích thì cố tình lơ là đi, và không thực hiện. Con bắt đầu bập bẹ nhưng chưa nói được từ đơn.

Ngày trước cháu lười ăn nên bố mẹ thường dùng Ipad để dụ cháu ăn được nhiều hơn, gần đây thấy xuất hiện một số biểu hiện như mất tập trung, ít nghe lời bố mẹ, hay ăn vạ khi không được đáp ứng yêu cầu. Cháu thích chơi nhiều đồ chơi nhưng thường nhanh chán và thay đổi đồ chơi nhiều.Với những biểu hiện như thế có bị coi là trẻ chậm nói hay không và gia đình phải làm gì để hạn chế nguy cơ chậm nói của trẻ?

Trả lời câu hỏi trên, Chuyên gia tâm lý Hoàng Văn Quyết, Giám đốc Trung tâm giáo dục trẻ em Ngày Mới – Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết:

Đối với trẻ ở giai đoạn phát triển từ 12 tháng - 18 tháng tuổi thường phát triển mạnh mẽ các kỹ năng tiền ngôn ngữ, ngôn ngữ hiểu và kỹ năng tương tác giao tiếp. Một số trẻ giai đoạn này đã phát triển từ đơn và có khả năng giao tiếp từ đơn, từ đôi với người lớn, tuy nhiên nhiều trẻ chỉ mới dừng lại ở các kỹ năng ngôn ngữ hiểu, ngôn ngữ không lời.

Vì thế với những thông tin về bé nhà bạn thì bé chưa  thể coi là trẻ chậm nói. Tuy nhiên cũng cần định hướng và hỗ trợ tích cực hơn cho con.

Trong thời gian này, để hạn chế nguy cơ chậm nói của trẻ có thể xuất hiện ở thời điểm sau 2 tuổi, cha mẹ cần tăng cường trò chuyện, giao tiếp và chơi với con nhiều hơn, hạn chế hoặc không cho trẻ xem ipad quá nhiều, hạn chế trẻ chơi tự do, thiếu tương tác.

Ngoài ra, trong giai đoạn phát triển này của trẻ, gia đình cần chú ý đến hệ thống tương tác và giao tiếp tiền ngôn ngữ cho con trước, sau đó khi phát triển được nển tảng tương tác và kỹ năng chơi tốt hơn, trẻ có thể học cách nói và giao tiếp tốt hơn.

Sáu bước dạy tương tác và kỹ năng chơi có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ ban đầu như sau:

Bước đầu tiên, dạy trẻ hệ thống kỹ năng giao tiếp bằng mắt:

Giao tiếp và tương tác mắt xuất hiện ở trẻ từ rất sớm và thường xuyên, hoạt động này giúp trẻ chú ý và quan sát người lớn nói tốt hơn. Thường xuyên tạo giao tiếp mắt bằng cách đáp lại khi gọi tên: ngồi trên ghế ngang với bé, gọi tên bé, đưa đồ chơi ngang tầm mắt mình, gọi tên bé, khi bé nhìn vào mắt mình mới cho bé đồ chơi. Làm nhiều lần với nhiều đồ chơi khác nhau. Trong 5 giây, nhắc lại bước 1 nhưng kéo dài thời gian trong 5 giây rồi mới đưa đồ chơi cho bé.  Khi bé có sự giao tiếp từ 1 đến 5 giây, hãy gợi ý cho bé bằng lời “nhìn”.

Sau đó tập cho con các chú ý - liên kết mắt:

Khi tạo ra được các giao tiếp mắt, giúp trẻ tập trung chú ý tốt hơn, hay hướng trẻ đến chú ý, liên kết mắt với các đồ vật một cách có hiệu quả. Bố mẹ hãy chỉ vào đồ chơi mà bé thích và nói “nhìn” có thể quay đầu bé về phía đồ chơi cho bé nhìn, cho bé chơi đồ chơi,  làm nhiều lần cho bé nhìn xuống đồ chơi.  Cầm 1 đồ chơi và nói “nhìn”, bé phải nhìn bạn rồi nhìn đồ chơi. Yêu cầu bé nhìn mình rồi nhìn xuống đồ chơi.  Thổi bong bóng xà bông rồi nói “nhìn” để bé nhìn theo bong bóng. Thổi bong bóng nửa khi bé nhìn mình, lặp lại từ “nhìn” và chỉ. Thổi bong bóng và thả bong bóng bay, nói bé “nhìn” cho bé nhìn theo bóng bay.

Trẻ cũng cần sử dụng ngón tay để chỉ trỏ đồ vật và thể hiện mong muốn trước khi có ngôn ngữ nói:

Sử dụng ngón trỏ để chỉ trỏ vào đồ vật, chỉ về người khác, giúp trẻ thể hiện mong muốn, nhu cầu một cách hiệu quả hơn thông qua các trò chơi như: trò chơi chi chi chành chành, trò chơi ấn phím đàn… Dùng ngón tay trỏ chỉ vào các hình ảnh con vật, đồ dùng, sơ đồ cơ thể… Dấu hiệu để trẻ nói được là sử dụng ngón tay trỏ, tuy trẻ chưa nói được nhưng đã có biểu hiện hiểu ngôn ngữ không lời. VD: Hỏi ba đâu? Trẻ : (không nói) nhưng chỉ vào ba, trẻ đã hiểu được ba và thể hiện được ngôn ngữ không lời là hành vi chỉ ngón tay trỏ,  thì giai đoạn để trẻ phát ra được âm “ba” là rất gần. Tương tự cho tất cả các danh từ đồ vật quen thuộc trong nhà, cần giới thiệu và hướng dẫn con thực hiện bắt đầu bằng việc chỉ trỏ bằng ngón tay.

Bước thứ bốn, hãy giúp trẻ kiểm soát hơi thở:

Kiểm soát hơi thở giúp trẻ có thể phát âm tốt hơn, một số bài tập có thể giúp con kiểm soát và điều chỉnh được hơi thở phù hợp: Thổi bong bóng bằng nước xà phòng. Thổi bông gòn bay. Thổi con hạc giấy treo lơ lửng. Thổi con tàu bằng giấy trên nước….

Bước thứ năm, hãy dạy trẻ các kỹ năng bắt chước:

Kỹ năng bắt chước đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển các kỹ năng tiền ngôn ngữ. Một số hoạt động có thể giúp con bắt chước tốt hơn như: Bắt chước các khuôn mặt và âm thanh: làm những mặt vui vẻ trước gương và phát ra những âm vui nhộn: Aaaa, Uuuu, Maaama, Baaaa. Tiếng kêu của các con vật: mèo: meomeo, gà gáy ooo, bò kêu: um bò, gà con chíp chí, nếu bé có phát ra tiếng nào dù không đúng nhưng ta cũng phải bắt chước bé làm theo, tạo sự bắt chước và hợp tác Bắt chước tác động với đồ vật: để 3 vật: 2 xe lửa, 2 ca nhựa, 2 cây lược. Nên để bé làm trước rồi mình bắc chước bé làm.

Càng ngày càng mở rộng thêm các hoạt động bắt chước cho con ở những lĩnh vực khác nhau giúp con phát triển nhận thức tốt hơn và là điều kiện quan trọng để phát triển ngôn ngữ lời nói ở trẻ.

Cuối cùng hãy giúp trẻ biết cách chơi luân phiên, phát triển các hoạt động vui chơi để tạo cảm xúc tích cực và khuyến khích con nói:

Cha mẹ dành thời gian chơi cùng bé, chơi những trò chơi tương tác tiếp xúc với da, cảm giác xúc giác, giao tiếp mắt, cường độ lời nói trong từng trò chơi. Những yều tố này sẽ góp phần làm cho trẻ chú ý và là cầu nối cho sự tương tác giữa bé và gia đình. Vd: Trò chơi ú à, kéo cưa lừa sẻ, tung hứng, các trò chơi vận động, các trò chơi thư giãn …

Thường xuyên mở rộng hệ thống các hoạt động chơi phù hợp với khả năng và sở thích của trẻ, duy trì hoạt động bằng các cảm xúc tích cực giúp trẻ hứng thú và thực hiện hiệu quả hơn.

Minh Minh

Từ khóa: