Sự kiện hot
10 năm trước

“Làng tôi” đi tươi, về héo!

Với hơn 300 suất diễn ở các nước châu Âu, gây tiếng vang với khán giả quốc tế nhưng khi về nước biểu diễn, “Làng tôi” lại vắng người xem tới bất ngờ. Thê thảm hơn, chương trình xiếc Việt từng gây sóng gió ở châu Âu lại có nguy cơ bị khai tử ngay trên quê hương của chính nó!


Một cảnh trong vở diễn xiếc “Làng tôi”.

Cây tre và bữa tiệc cảm xúc!

Sau 4 năm “chu du” nước ngoài, hồi tháng 8, “Làng tôi” có buổi ra mắt khán giả nhà  tại Nhà hát Lớn và gây ấn tượng mạnh. Xiếc không còn là những động tác nhào lộn, uốn dẻo đơn thuần mà là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố: Âm nhạc, âm thanh, ánh sáng... Đặc biệt là hình ảnh cây tre vốn rất bình thường được biến hóa thành những hình ảnh đầy chất mỹ thuật. Đúng như tác giả mong muốn, bức tranh làng quê đã khơi gợi lại trong lòng khán giả về một quá khứ êm đềm, của những gì thân thuộc nhất quanh bờ tre gốc rạ, mái chèo khua nước, những buổi chợ quê rộn rã... nay đã phải nhường chỗ cho làn sóng đô thị hóa. Nếu như vở diễn là tổng hợp của nhiều yếu tố thì với khán giả, cảm xúc của họ cũng là sự pha trộn của nhiều sắc thái: ngậm ngùi, xúc động, tiếc nhớ và cả khâm phục sự biến hóa sinh động của 14 nghệ sĩ qua các thân tre...

NSND Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng: “Xiếc “Làng tôi” mang lại nhiều sự lắng đọng hơn là cảm giác thót tim, hồi hộp thường thấy ở các đêm xiếc thông thường. Một phần vì yếu tố xiếc đã được trung hòa với những yếu tố kịch, diễn, hát để mang đến một “vở diễn xiếc” cho khán giả căng tròn cảm xúc”. Tất cả những tiết mục, động tác xiếc được dàn dựng để tập trung làm nổi bật bức tranh làng quê Việt Nam. Chính vì thế, cây tre được chọn làm ngôn ngữ thể hiện tác phẩm, là ngôn ngữ chính của vở diễn. Không chỉ là xà ngang, xà dọc để diễn viên xiếc đu bám, tre tham gia vào câu chuyện như một nhân tố của đời sống. Hàng chục thân tre đủ mọi kích cỡ, liên tục được dàn xếp, “bày binh bố trận”, biến hóa trên sân khấu. Khi thì thành cầu tre lắt lẻo, khi lại hóa sóng nước luênh loang, khi thành nhà cửa… Tất cả tạo thành bức tranh sinh hoạt của làng quê Việt.

Tuy nhiên, do vở diễn vốn được dàn dựng để công diễn ở nước ngoài nên khi về Việt Nam, nó đã gặp phải những khó khăn không nhỏ. Thiếu địa điểm đủ lớn để các nghệ sĩ tung hứng như khi diễn ở nước ngoài nên một số chi tiết, đạo cụ trong “Làng tôi” đã được lược bớt, như góc nhà Rông Tây Nguyên, nhà sàn Tây Bắc, màn xiếc trăn... Đến nay, vở diễn chỉ còn mang màu sắc khu biệt về cảnh sinh hoạt của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.

“Làng tôi” trước nguy cơ bị “khai tử”!

“Làng tôi” đã ra mắt khán giả từ năm 2005 với phiên bản đầu tiên lên tới 100 người biểu diễn. Đến năm 2008, bản diễn được dựng lại với 20 người. Sau hai buổi diễn thử trong nước, năm 2009 “Làng tôi” đã “khăn gói” lên đường đi Pháp, Anh, Mỹ và nhiều quốc gia ở châu Âu khác với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh của xiếc Việt Nam cùng bạn bè quốc tế. Dù không hiểu về ngôn ngữ, văn hóa nhưng rất nhiều khán giả quốc tế khi xem đã khóc vì những hình ảnh gần gũi, chân thực mà chương trình mang lại.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH trước khi đêm diễn bắt đầu ở Nhà hát Kim Mã, Hà Nội (hai đêm 20-21/12), đạo diễn Lê Tuấn cho biết: “Địa điểm là một trong những yếu tố quyết định quy mô của vở diễn. Nhưng với kinh nghiệm lưu diễn ở nhiều nhà hát, các nghệ sĩ đều biết thích ứng và thích nghi với đặc thù của từng nơi để vẫn giữ được sự trọn vẹn của vở diễn”.

Nói về lý do vì sao “Làng tôi” lại có hành trình chinh phục ở nước ngoài trước khi biểu diễn phục vụ khán giả trong nước? đạo diễn Lê Tuấn chia sẻ: “Đây là sản phẩm hợp tác giữa Liên đoàn Xiếc Việt Nam với Công ty Sân khấu địa cầu của Pháp nên ngay từ đầu nó có chủ đích làm ra để công diễn ở nước ngoài. Vở diễn được thực hiện bởi nhóm tác giả là nghệ sĩ Nhất Lý - người rất quen thuộc với vai trò đạo diễn âm thanh cho chương trình giao hưởng đường phố Luala Concert, nghệ sĩ Vũ Lân và tôi làm đạo diễn”.

Cả 3 nghệ sĩ trên đều có nhiều năm học tập và làm việc ở những cái nôi nghệ thuật quốc tế. Nghệ sĩ Vũ Lân hiện là giám đốc nội dung đào tạo của Trường Nghệ thuật Xiếc thành phố Chambéry (Pháp). Nghệ sĩ Lê Tuấn tốt nghiệp Trường xiếc quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đang sống và làm việc ở Berlin (Đức). Nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý tốt nghiệp Trường Đại học Paris VIII, nguyên là Chủ tịch Hội đoàn Art -Ensemble (Pháp), là thành viên trong Ban tổ chức kỹ thuật cho các chương trình Festival “Những thành phố của âm nhạc các dân tộc trên thế giới” ở vùng ngoại ô Paris. Chính tình yêu với nghệ thuật truyền thống trong nước đã khiến các “tư tưởng lớn” cùng gặp nhau ở một điểm: Mong muốn tạo ra một góc nhìn mới lạ về nghệ thuật truyền thống. Và vở diễn “Làng tôi” chính là sản phẩm hợp tác đầu tiên của họ, cũng là lần đầu tiên người ta được biết đến khái niệm: Xiếc mới.

Ngay sau khi hoàn thành dự án hợp tác với đơn vị của Pháp, ê kíp của “Làng tôi” quay về phục vụ khán giả trong nước. Dù buổi công diễn đầu tiên ở Nhà hát Lớn đã “cháy vé” nhưng các buổi diễn sau đó, “Làng tôi” đã trở về với thực trạng chung của sân khấu phía Bắc thời khủng hoảng. Có mặt ở Nhà hát Kim Mã tối 20/12, dù là buổi diễn đầu tiên và Nhà hát này cũng nhỏ hơn Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, nhưng lượng khán giả vẫn không thể lấp đầy chỗ trống.

Đạo diễn Lê Tuấn thừa nhận, một bộ phận khán giả Việt Nam đến xem “Làng tôi” vì tò mò. “Chúng tôi cũng biết, để vở diễn tiếp tục sáng đèn là một thử thách lớn. Muốn nó tồn tại thì phải tiếp tục tìm kiếm đối tác để khai thác sản phẩm nhưng đó lại là lĩnh vực ngoài khả năng của những người làm nghệ thuật chúng tôi. Rất có thể vở diễn sẽ không thể “sống” lâu nữa nên hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục những dự án mới bằng hướng đi như với “Làng tôi”, đó là xiếc mới”, đạo diễn Lê Tuấn bùi ngùi nói.

Thanh Hà
theo GĐ&XH

Từ khóa: