Sự kiện hot
13 năm trước

Liệt sỹ Đê điều: Những mong ước sau 43 năm

Năm 1968, để bảo vệ tuyến quốc lộ 8A và tuyến đê Tả Lam ở xã Hưng Khánh, 15 dân quân địa phương đã hy sinh, hơn 20 người khác bị thương.

Năm 1968, để bảo vệ tuyến quốc lộ 8A và tuyến đê Tả Lam ở xã Hưng Khánh, 15 dân quân địa phương đã hy sinh, hơn 20 người khác bị thương.

Sau gần nửa thế kỉ, những người còn sống vẫn đang hằng ngày phải đối mặt với gian khó…

Đài tưởng niệm Liệt sỹ Đê điều. Ảnh: Hồ Hà



Ngày không thể quên

Ông Võ Trọng Tụy (83 tuổi) xóm 4 xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên, Nghệ An) là nhân chứng trong trận bom của Đế quốc Mỹ ngày 27/8/1968. Ông bảo, ngày đó giờ đã là ngày giỗ chung của rất nhiều người ở thôn Triều Khẩu, xã Hưng Khánh. "Chiều tối ngày 26/8/1968, chúng tôi nhận được lệnh đi ứng cứu đê Tả Lam. Khoảng 7 giờ tối, công việc được tiến hành hết sức khẩn trương. Theo thường lệ đến khoảng 8 giờ sáng sẽ kết thúc, trước giờ "cao điểm". Hôm ấy, khoảng 5h sáng, làng quê đang yên tĩnh bỗng vang lên tiếng kẻng báo động của dân quân trực chiến, báo hiệu có máy bay địch. Tiếng kẻng chưa dứt, mọi người chưa kịp vào hầm hào trú ẩn thì một tốp máy bay Mỹ đã ào ào bay tới, tiếng động cơ gầm rú xé nát không trung. Nhìn lên bầu trời, tôi chỉ còn kịp thấy hàng chuỗi bom, từ bụng máy bay nhả ra đang trút xuống đúng vị trí chúng tôi đang làm việc. Những tiếng nổ vang lên, tôi ngất đi không biết gì nữa. Sau khi tỉnh lại, tôi mới biết nhiều người đã ra đi mãi mãi", ông Tụy kể lại.

Ông Tụy đang kể lại sự kiện ngày 27/8/1968.



Cũng như ông Tụy, bà Phan Thị Mĩ (84 tuổi) ở xóm 3, Hưng Khánh là một trong những người sống sót đã xúc động khi nhớ lại sự kiện mấy chục năm về trước: "Để tránh máy bay Mỹ phát hiện nên việc đắp đê chúng tôi chỉ làm vào ban đêm. Nhưng rạng sáng ngày 27/8 đó, trận bom vẫn cướp đi sinh mạng của 15 dân quân, 23 người khác bị thương". Trong trận bom này, bà Mĩ bị thương ở chân, bị sức ép của bom làm ngất lịm.

Bà Mĩ xúc động khi nhắc đến đồng đội.

Chúng tôi tìm đến gia đình liệt sỹ Hoàng Đức Sửu, một trong số những người hy sinh vào ngày 27/8/1968. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ bé, bà Kháng, vợ liệt sỹ Sửu kể lại: "Tôi vẫn còn nhớ cái ngày cuối cùng đó, khi ông ấy chuẩn bị lên huyện thì nhận được lệnh đi ứng cứu đê. Ông ấy tức tốc đi ngay mà không kịp ăn uống gì cả. Sáng hôm sau khi nghe tiếng kẻng báo động, chúng tôi tìm nơi trú ẩn. Ngồi trong hầm trú lòng tôi như lửa đốt, linh cảm có điều không lành xảy ra. Lúc từ hầm trở về, tôi nhận được tin chồng đã hy sinh. Thi thể của ông ấy đã không còn nguyên vẹn... Không ai cầm được lòng khi trên tay ông ấy vẫn nguyên lá cờ Tổ quốc. Mộ phần chồng tôi được an táng tại nghĩa trang liệt sỹ, tên của ông ấy được khắc cùng với nhiều người khác trên bia tưởng niệm Liệt sỹ Đê điều, được Nhà nước công nhận khiến gia đình tui cũng cảm thấy ấm lòng".

Cần lắm sự hỗ trợ

Theo ông Lê Đình Long (Chi Cục phó Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An), người có công đề xuất xây dựng đài tưởng niệm 15 liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp đê điều năm ấy, tuy mới 7 tuổi nhưng ông vẫn nhớ rất rõ những gì xảy ra. "Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cả làng Triều Khẩu đau buồn tiễn đưa các liệt sỹ về nơi an nghỉ", ông Long nói trong sự xúc động.

Ông Long cho biết, con đê Tả Lam ngày nào giờ đã được nâng cấp, ngăn sóng chắn lũ che chở cho người dân phía Tả ngạn sông Lam. Nhưng hố bom năm xưa thì vẫn còn, như chứng tích oanh liệt của một thời.

Ông Long bảo, trong chiến tranh chống Mỹ, tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều đi qua "tuyến lửa" quốc lộ 8A. Nếu Đồng Lộc là huyết mạch giao thông đường bộ thì chợ Tràng quê ông cũng là huyết mạch của đê điều. Chính vì suy nghĩ này mà năm 2003, khi là Chi cục phó Chi cục Đê điều và Phòng chống bão lụt tỉnh, ông Long đã đề xuất với cơ quan chức năng tỉnh xây dựng đài tưởng niệm 15 Liệt sỹ Đê điều. Năm 2005, Đài tưởng niệm được khánh thành tại xã Hưng Khánh, đáp ứng lòng mong mỏi của bà con.

Với giọng bùi ngùi, ông Long nhắc đến 3 người còn sống sót trong trận bom Mỹ năm đó: "Qua bao năm bom đạn, những dân quân còn sống ngày đó giờ đã là cụ ông, cụ bà rồi, ảnh hưởng di chứng bom đạn vẫn dai dẳng đeo bám suốt cuộc đời họ. Hiện có 3 người đang rất khó khăn, giá như cấp trên có sự quan tâm ghi nhận cả đối với người sống này nữa thì quý biết bao".

Tôi chợt nhớ đến lời tâm sự của chị cán bộ phụ trách LĐ,TB&XH xã, trên chặng đường tôi cùng chị ra thăm Đài tưởng niệm liệt sỹ Đê điều: "Thực tế, chúng tôi đã có đơn kiến nghị lên cấp trên xin sự hỗ trợ cho 3 cán bộ dân quân còn sống sót gồm ông Tụy, bà Mĩ và bà Đệ, nhưng khó lắm vì hầu như hồ sơ của họ cũng chẳng được đầy đủ. Chúng tôi rất áy náy, thương cảm nhưng không biết làm sao".

Hồ Hà
Theo Giadinh

Từ khóa: