Sự kiện hot
10 năm trước

Ly cà phê của người Việt

Thưởng thức cà phê đối với một số người có thể là quãng thời gian thư giãn nhất trong ngày, cầm trên tay một ly cà phê, nhâm nhi hương vị đắng nhưng thơm nồng ấy, hướng tầm mắt về một khoảng không bao la... dường như cuộc sống đang chậm lại.

Không biết từ bao giờ cái thứ nước màu đen đăng đắng lúc đầu, sau lại ngọt và có mùi thơm dìu dịu ấy đã trở nên thân thiết, quen thuộc với người Việt Nam, bắt nguồn từ phương Tây, theo chân những người Pháp du lịch vào Việt Nam cái chất đắng chát ấy đã trở thành “chất gây nghiện” nhiễm vào con người từ lúc nào không hay (?).

Hình ảnh cà phê gắn liền với những quán xá có không gian được trang trí bắt mắt trong thời gian chậm rãi của những buổi tối, của những ngày cuối tuần. Văn hóa này cũng gắn liền với sự thư giãn, với sự hàn huyên tâm sự cùng bạn bè. Đây có thể xem là văn hóa thưởng thức cà phê truyền thống của người Việt. Người Việt uống cà phê không phải để ngăn các cơn buồn ngủ mà là để thưởng thức và suy ngẫm.

Hãy thử tưởng tượng trong một buổi sáng đầu thu nhàn rỗi nào đó, với chút không khí se lạnh đầu ngày, bạn mở cửa bước vào một nhà sách quen thuộc. Điều đầu tiên bạn chú ý là mùi cà phê ngào ngạt "quánh" lại giữa không gian, phát ra từ một góc của tiệm. Mùi đậm, đắng, thơm mùi hạnh nhân, mùi đất, tùy mỗi một loại cà phê mà người thưởng thức có những cảm nhận khác nhau về vị chua, độ dầu, và mùi hương. Một ly cà phê ngon là ly cà phê đậm đà hương vị tự nhiên, có độ chua thanh, tươi, sạch lưỡi; có độ dầu đậm và đặc biệt hơn là tỏa ra mùi hạnh nhân, hoa trái, bơ dầu và mùi đất.

Cà phê phin được coi là thứ thức uống được ưa thích nhất của người Việt dù nó mất khá nhiều thời gian nhưng khoảng thời gian ngồi chờ đợi từng giọt từng giọt cà phê rơi cũng thật là thú vị. Càng thú vị hơn nữa khi được nhâm nhi thành quả của nó, có thể là một tách cà phê đen nóng, có thể pha thêm chút sữa, uống nóng hay uống đá tùy theo sở thích của mỗi người.

Thói quen uống cà phê tùy từng vùng mà có sự khác biệt, ở Hà Nội thay vì ngồi trong các quán cà phê sang trọng và cầu kỳ thì người Hà Nội thích thưởng thức bầu không khí thoải mái, bình dị của các quán cà phê vỉa hè. Không đèn, không nến, không hoa, không người phục vụ lượn đi lượn lại, chỉ có mùi khói bụi, những tiếng còi xe ồn ào bên những tiếng rao của người bán dạo... nhưng đó là thói quen uống cà phê của người Hà Nội.

Một góc vỉa hè, mấy cái ghê nhựa nhỏ là có thể tạo thành một quán cà phê Hà Nội bởi người Hà Nội là thế tinh tế mà không kiểu cách, ngồi tại nơi đó dường như người Hà Nội không chỉ uống cà phê đơn thuần mà là “uống” hơi thở cuộc sống và nghiền ngẫm về cuộc đời, về những gì đã trải qua, những kinh nghiệm mà cuộc sống đã ban tặng.

Đi vào mảnh đất Cố đô ta lại thấy một cách uống cà phê khác, đó là “Cà phê cóc”. Chẳng biết từ bao giờ cà phê cóc đã quen thuộc với người dân Huế và trở thành một nét văn hóa của người dân nơi đây. Khoảng 20 năm trước cà phê xuất hiện ở Huế, lúc ấy chỉ mới có mấy quán cà phê vườn rồi người thưởng thức cà phê nhiều lên, người ta lại mở quán ở các vỉa hè quanh nhà. Ý nghĩa của từ “cóc” có lẽ bắt đầu từ tư thế ngồi uống trên chiếc ghế nhựa nhỏ mà người uống phải ngồi trung xuống, chồm hổm hệt như chú cóc.

Mở cửa từ 4,5 giờ sáng đến tận tối mịt, mỗi quán có những khách quen riêng, có giờ cao điểm riêng, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ mục đích uống cà phê nhanh, gọn, lẹ của người dân xứ Huế. Câu chuyện quanh bàn cà phê sáng có thể bao gồm từ chuyện nghề nghiệp, chuyện con cái, gia đình đến các vấn đề thời sự, giáo dục, thể thao hay cả chính trị thế giới. Một hình ảnh thường gặp ở các quán cà phê cóc là mỗi người một tay cầm ly cà phê, tay kia cầm tờ báo.

Uống cà phê cóc cũng là một cách để khám phá khẩu vị cà phê của người Huế. Cà phê cóc hè phố là một trong những đặc trưng của đất và người Huế, cởi mở và khoáng đạt từ con người, ly cà phê đến chỗ ngồi cà phê.

Hà Nội là thế, Huế là vậy thế còn Sài Gòn? Ở Sài Gòn câu nói người ta thường nghe thấy nhiều nhất là “Đi cà phê không?”, Sài Gòn là vậy bên cạnh những sự sôi nổi, tươi mới là sự hối hả, lo toan, bon chen đến nghẹt thở. Nếu ở những nơi khác ta thường thấy hình ảnh những người ngồi thư thái chờ từng giọt cà phê phin đặc sánh, rồi uống một cách chậm rãi thì cà phê Sài Gòn thường được pha sẵn, ít cà phê nhiều đá, vị nhạt và uống bằng ống hút để đáp ứng nhu cầu giải khát và mang lại sự tỉnh táo cho con người nơi đây.

Nhiều người lần đầu đến Sài Gòn có thể không quen phong vị cà phê nơi đây, chê “cà phê nhạt vậy thì gọi gì là cà phê” và còn vì cà phê ở đây ồn ào xô bồ chỉ đơn giản là một loại nước giải khát. Cà phê ở đây mang phong cách cởi mở, phóng khoáng năng động và tiện nghi đúng chất Sài thành, chỉ cần bạn thích uống cà phê thì sở thích nào của bạn cũng được đáp ứng.

Cùng với trào lưu hòa nhập quốc tế, văn hóa cà phê của người Việt cũng đa dạng hơn xưa. Ngoài những quán cà phê truyền thống, cà phê mang đi đang là một trào lưu thưởng thức mới được ưa chuộng. Đây là điều tất yếu bởi cuộc sống ngày càng hối hả, bận rộn hơn và việc bỏ ra hàng giờ ngồi trong các quán cà phê là một điều xa xỉ với nhiều người.

Hãy thử tưởng tượng trong một buổi sáng đầu thu nhàn rỗi nào đó, với chút không khí se lạnh đầu ngày, bạn mở cửa bước vào một nhà sách, một cửa hiệu quen thuộc. Điều đầu tiên bạn chú ý là mùi cà phê ngào ngạt "quánh" lại giữa không gian, phát ra từ một góc của tiệm. Cà phê không biết từ khi nào đã ngấm vào con người và trở thành một phần không thể thiếu, có thể là khi ta nhớ về một ai đó, thường gắn với một quán cà phê kỷ niệm.

Minh Hằng
theo Xây dựng

Từ khóa: