Sự kiện hot
6 năm trước

Malaysia kỳ vọng Trung Quốc sẽ đi đầu trong hợp tác khu vực APEC

Ngay trước thềm Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 diễn ra tại Thành phố Đà Nẵng từ ngày 6 – 11/11, giới chuyên gia Malaysia kỳ vọng hội nghị lần này có thể giúp thắt chặt quan hệ kinh tế giữa các thành viên APEC, đồng thời mong muốn Trung Quốc giữ vai trò tiên phong trong quá trình này.

Năm APEC 2017 được Việt Nam đăng cai tổ chức. Nguồn: Kham/Reuters.

Kinh tế Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 5,7% trong nửa đầu năm 2017, so với con số 4% cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu tăng 21,3% trong 9 tháng đầu năm. Mặc dù vậy, các quan chức và chuyên gia nước này vẫn lo ngại về các nguy cơ bên ngoài như chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng gia tăng tại một số nơi trên thế giới.

“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và thương mại thế giới đang tăng trưởng ổn định, chúng tôi hy vọng chính phủ và giới lập pháp các nước trong khu vực không tự mãn với những gì đã đạt được và những nỗ lực nhằm củng cố quá trình hội nhập và hợp tác giữa các nước sẽ được ưu tiên hàng đầu”, ông Suhaimi Bin Ilias, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Đầu tư Maybank của Malaysia, cho biết.

Ông cũng chỉ ra các nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ xuất phát từ chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương mà Mỹ đang theo đuổi, cùng với căng thẳng địa chính trị leo thang cũng như các vấn đề về cơ cấu dân số, bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Hội nghị APEC sẽ mang đến các nền kinh tế hàng đầu thế giới cơ hội trao đổi quan điểm và phối hợp chính sách khi cả thế giới đang dõi theo khu vực châu Á – Thái Bình Dương, động lực tăng trưởng toàn cầu.

Theo ông Lee Heng Guie từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Malaysia (SERC), 21 nền kinh tế thành viên APEC hiện đóng góp một phần rất lớn vào GDP và thương mại toàn cầu. Chính vì thế, triển vọng tăng trưởng tốt của khu vực này, cùng với việc mở rộng đầu tư, sản xuất và xuất khẩu, là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế thế giới.

Ông cũng cho biết tất cả đều “rất không mong muốn” việc Mỹ theo đuổi hệ tư tưởng hướng nội vì điều này sẽ khiến kinh tế thế giới suy yếu. Ông cũng thúc giục APEC theo đuổi cam kết thúc đẩy quan hệ đầu tư và thương mại tự do tại châu Á cũng như các khu vực khác trên thế giới.

“Chúng ta phải nhanh chóng đạt được kết quả hơn là chỉ đàm phán mà không theo đuổi các kế hoạch và sáng kiến hành động”, ông cho biết.

Ông Suhaimi hy vọng các sáng kiến lấy khu vực châu Á – Thái Bình Dương làm trọng tâm sẽ giúp cân bằng tăng trưởng định lượng - tập trung vào phát triển GDP và thu nhập; với tăng trưởng định tính - thúc đẩy sự bình đẳng, hòa bình và ổn định.

Khi chính sách “nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Donald Trump chi phối nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhiều quốc gia đang dần xích lại gần Trung Quốc hơn khi lãnh đạo nước này cam kết mở cửa và hội nhập.

“Trong khi nước Mỹ đang nhanh chóng thu mình vào chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương, chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chương trình nghị sự về tự do thương mại”, ông Oh Ei Sun, cố vấn đặc biệt về các vấn đề quốc tế tại Viện Lãnh đạo và Chiến lược Châu Á, cho biết.

Theo ông Oh, một Trung Quốc ổn định và thịnh vượng là tiền đề cho sự tiến bộ và thịnh vượng chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Sáng kiến Một Vành đai – Một Con đường đang giúp Trung Quốc kết nối với các quốc gia láng giềng trong khu vực, không chỉ về mặt hạ tầng và giao thương, mà còn gắn kết các dân tộc với nhau.

Với Sáng kiến Một Vành đai – Một Con đường được công bố vào năm 2013, Trung Quốc muốn xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng và thương mại giúp kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi trên cơ sở tận dụng và mở rộng Con đường Tơ lụa cổ đại. Sáng kiến này bao gồm Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21.

Trường Giang
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: