Sự kiện hot
10 năm trước

Mở cửa cho ô tô không chính hãng: Câu chuyện “hậu” Thông tư 20 của Bộ Công thương

Dantin - Bắt đầu từ đầu tháng 6/2014, các lô xe nhập khẩu bị ách tắc ở nước ngoài do Thông tư 20 của Bộ Công Thương sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam, ước tính số lượng xe vào khoảng 1.500-2000 chiếc. Liệu đây có là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi mà không có giấy ủy quyền?

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo Thông tư 20/2011/TT-BCT do Bộ Công thương ban hành, từ ngày 26/6/2011, để nhập khẩu các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống các doanh nghiệp phải nộp bổ sung một số loại giấy tờ như: Giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối từ hãng sản xuất hay hợp đồng đại lý của nhà sản xuất được hợp pháp hóa theo pháp luật.

Tuy nhiên, tại thời điểm Thông tư 20 có hiệu lực, vẫn còn nhiều lô hàng của DN nhập khẩu không chính hãng đã thanh toán tiền với đối tác nước ngoài nhưng không kịp đưa hàng về và bị đối tác nước ngoài từ chối hoàn trả.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, số lượng xe chưa kịp nhập khẩu dù đã ký hợp đồng và đóng tiền cho đối tác vẫn còn khoảng 1.500-2.000 chiếc.

Vì vậy mới đây, Bộ Công thương chính thức ban hành công văn số 4582/BCT-XNK về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không có giấy ủy quyền. Như vậy, bắt đầu từ đầu tháng 6/2014, các lô xe nhập khẩu bị ách tắc ở nước ngoài do Thông tư 20 của Bộ Công Thương trước đó sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam.

Cụ thể, trong công văn Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn Hải quan địa phương và thông báo cho thương nhân nhập khẩu xe ô tô chở người chưa qua sử dụng, loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Các lô xe sẽ được nhập khẩu chỉ cần đáp ứng các điều kiện: Có hợp đồng và chứng từ thanh toán trước ngày 12/5/2011, được ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thanh toán, chuyển tiền xác nhận; có văn bản xác nhận từ chối hoàn trả tiền thanh toán của khách hàng đối với số hàng người mua đã chuyển nhưng chưa nhận hàng; có xác nhận của Tổng cục Hải quan về tình hình nhập khẩu các hợp đồng đã thanh toán trước ngày 12/5/2011. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải đưa hàng về đến cảng Việt Nam chậm nhất là ngày 28/5/2015.

Việc gần 2.000 ôtô, trong đó có không ít chủng loại xe sang đổ về Việt Nam trong năm tới, chắc chắn sẽ khiến thị trường xe sang nóng hơn.

Thấp thỏm nỗi lo “mở cửa” cho xe nhập khẩu

Theo ước tính của các hãng xe, số lượng xe sang tại thị trường Việt Nam chiếm chưa đến 5.000 chiếc/năm. Do đó, việc hàng loạt các mẫu xe sang không chính hãng được nhập về Việt Nam trong năm tới sẽ khiến số lượng xe sang tăng đột biến. Khi đó, cuộc cạnh tranh về giá dự kiến cũng trở nên khốc liệt hơn, đồng thời sẽ khiến không ít các xe chính hãng đứng trước nguy cơ mất khách.

Bên cạnh đó, không ít các doanh nghiệp được “nhấc rào” lại đang đứng ngồi không yên. Vì tại thời điểm ký hợp đồng nhiều mẫu mà doanh nghiệp định nhập về là hàng độc, hàng khan nên có thể bán giá cao. Tuy nhiên, sau gần 4 năm doanh nghiệp mới được chính thức nhập về Việt Nam, thì lúc này không ít các mẫu xe đã được các cửa hàng liên doanh trong nước cung cấp.

Theo đại diện một công ty xuất nhập khẩu xe hơi thì dù quyết định này có hỗ trợ nhập khẩu xe mà không cần giấy uỷ quyền chính hãng thì sau ba năm các dòng xe định nhập về trước đó đã bị lỗi thời, khó tiêu thụ. Đồng thời, giá bán lại thay đổi trong ba năm qua, không thể nhập khẩu trở lại các dòng xe đã ký hợp đồng trước đó. Do đó, các nhà nhập khẩu sẽ tiếp tục kiến nghị để có thể thay đổi đời xe, dòng xe khác rồi mới nhập về Việt Nam để bán.

Một số nhà phân phối xe hơi nhập khẩu khác cũng cho rằng, lúc này không dễ nhập khẩu trở lại các dòng xe đã ký hợp đồng trước đó. Các mẫu xe này đã lạc hậu so với thời điểm hiện tại, không phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, giá bán của các dòng xe này đã bị áp giá mới (cao hơn giá khai báo 2-3 năm trước) từ một số nhà phân phối chính thức tại Việt Nam nên nếu các công ty vẫn nhập khẩu dòng xe cũ về sẽ không thể tiêu thụ được.

Để tạo điều kiện nhập khẩu xe không bị lỗi thời, Bộ Công Thương cho phép các doanh nghiệp được gia hạn hợp đồng và ký phụ lục để điều chỉnh các thông số như năm sản xuất, đời xe, số lượng, đơn giá tương ứng với các loại xe được nêu trong các hợp đồng thanh toán trước ngày 12/5/2011, nhưng các doanh nghiệp không được đổi chủng loại, dòng xe khác trừ trường hợp chủng loại, dòng xe nêu trong hợp đồng không còn được sản xuất.

Đồng thời, tổng trị giá của các lô hàng nhập khẩu sẽ không được vượt quá số tiền còn lại mà doanh nghiệp đã thanh toán trước ngày 12/5/2011 (ngày ban hành Thông tư 20) và được ngân hàng thương mại xác nhận.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Tổng cục Hải quan giám sát, thống kê tình hình nhập khẩu của các doanh nghiệp nhập khẩu thuộc trường hợp kể trên và gửi báo cáo về Bộ Công Thương.

Nhiều lần “tháo rào”

Sau khi Thông tư 20 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp bị ách hàng, không thể đưa xe về nước được. Do đó, Bộ Công Thương đã có Công văn 7860 ngày 24/8/2011 cho phép các lô hàng được làm thủ tục nhập khẩu với điều kiện đã xếp hàng lên tàu trước ngày 26/6/2011 và về đến cảng Việt Nam trước ngày 24/7/2011.

Sau đó, đối với những lô hàng vẫn còn ách lại, Bộ Công Thương có Công văn 8415 ngày 7/9/2012 cho phép các lô hàng có chứng từ thanh toán trước ngày 12/5/2011 được làm thủ tục nhập khẩu theo quy định. Tuy nhiên, thời hạn thực hiện chỉ trong vòng 3 tháng nên vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đưa được hàng về.

Công văn 4582 mới đây là lần thứ 3 Bộ Công Thương mở cửa cho ô tô nhập khẩu không chính hãng với thời hạn khá dài - trong 1 năm.

Hồng Nhung

Từ khóa: