Sự kiện hot
11 năm trước

"Mùa vàng" nhờ chuyển đổi lúa nương sang lúa nước

Nhờ thực hiện hiệu quả việc khai hoang đồng ruộng, chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng lúa nước đã giúp cho người dân ở các bản vùng cao của xã Hồng Ngài thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La từng bước thoát khỏi đói nghèo, người nông dân có thêm nguồn thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống.

Nhờ thực hiện hiệu quả việc khai hoang đồng ruộng, chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng lúa nước đã giúp cho người dân ở các bản vùng cao của xã Hồng Ngài thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La từng bước thoát khỏi đói nghèo, người nông dân có thêm nguồn thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống.


Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Về xã vùng cao Hồng Ngài, huyện Bắc Yên mùa này trên những thửa ruộng bậc thang vàng óng, người dân đang khuẩn trương bước vào vụ thu hoạch lúa.

Vụ này, niềm vui của bà con được nâng lên gấp bội vì lúa được mùa lớn và thời tiết lại rất thuận lợi cho việc thu hoạch.

Những năm gần đây, nhờ việc áp dụng các loại giống lúa mới, phù hợp với khí hậu vùng cao, cùng với chủ trương tích cực triển khai phong trào khai hoang phục hóa ruộng nước, chuyển đổi diện tích trồng lúa nương sang trồng lúa nước nên diện tích lúa của bà con liên tiếp được mùa.

Ông Thào A Cù, ở bản Giàng cho biết, trước đây do không biết canh tác, diện tích gieo trồng lại ít nên gia đình phải chạy vạy lo từng bữa ăn, nhiều khi phải nhịn đói để lên nương. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật canh tác, hỗ trợ kinh phí để khai hoang chuyển đổi diện tích trồng lúa, diện tích canh tác đã không ngừng được mở rộng, lúa liên tiếp được mùa. Nhờ vậy cuộc sống giờ đã tạm ổn định, không phải lo mùa giáp hạt như trước nữa.

Mồ hôi nhễ nhại khi đang chở từng bao thóc lên con dốc cao, ông Đinh Văn Ngọc, trưởng bản Giàng cho biết: "Không giống như dưới đồng bằng, hầu hết diện tích lúa của bà con dân tộc Mông trên này là ruộng bậc thang, nên người dân sau gặt lúa không mang về nhà ngay mà để phơi luôn tại ruộng, chờ cho lúa khô thì đập lấy hạt mang về. Do diện tích lúa nhiều nên đến mùa vụ người dân thường phải đổi công cho nhau để tranh thủ lúc thời tiết khô ráo. Năm nay, lúa được mùa lớn, người dân trong bản vui lắm, nhiều gia đình đang rôm rả chuẩn bị cho lễ cúng lúa mới."

Ông Giàng A Tủa, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Ngài cho biết, những năm gần đây, xã có chủ trương vận động bà con tích cực khai hoang phục hóa đồng ruộng, chuyển đổi lúa nương năng suất kém sang trồng lúa nước, cùng với đó là áp dụng các giống lúa mới chịu được khí hậu khắc nghiệt của địa phương. Chính vì vậy, năng suất và sản lượng lúa không ngừng tăng, đời sống người dân có sự cải thiện rõ rệt.

Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động bà con tích cực khai hoang đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế làm cho quê hương ngày một phát triển hơn nữa.

Ông Lê Văn Kỳ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên cho biết, để giúp bà con tiếp cận nhanh hơn với các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất cây trồng, phòng Nông nghiệp huyện thường xuyên kết hợp với các xã tổ chức các lớp tập huấn giới thiệu các giống lúa mới phù hợp với khí hậu địa phương cho năng suất cao đồng thời phổ biến cách thức gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ cây lúa để người dân có những khái niệm cơ bản nhất về cây lúa từ đó giúp cho người dân có thể tự chủ động nâng cao năng suất lúa hơn.

Hồng Ngài là xã vùng II của huyện Bắc Yên, có diện tích đất tự nhiên là 5.645ha trong đó diện tích trồng lúa là gần 120ha, xã có tám bản, gồm năm dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 80% tổng dân số. Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả chương trình 30a cùng với chủ trương phát triển cây trồng vật nuôi đúng hướng mà đời sống của người dân nơi đây đã từng bước có sự đổi thay rõ rệt, nhiều nhà tạm bợ đã được thay thế bằng nhà kiên cố, hầu hết các trẻ em đều được đến trường học hành đầy đủ.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Mua-vang-nho-chuyen-doi-lua-nuong-sang-lua-nuoc/201310/220200.vnplus

Công Luật
theo TTXVN

Từ khóa: