Sự kiện hot
7 năm trước

Nên cai bú mẹ hay cai...bú thức ăn?

Việc cho con ăn sữa hạt từ khi sơ sinh giống như một hệ quả của văn hoá "sữa bò ám" vậy.

Sữa công thức, sữa bột, hay gần đây là sữa hạt, không thể thay thế sữa mẹ

Gần đây sữa hạt (sữa từ các loại hạt như hạnh nhân, hạt sen, hạt bí...) có vẻ đang rất được các mẹ ưa chuộng. Sử dụng sữa hạt để thay thế cho sữa bò công nghiệp trong chế biến các món ăn cũng là điều tốt. Tuy nhiên gần đây có thông tin nhiều bà mẹ cho con uống sữa hạt từ…sơ sinh. Thông tin này thực sự gây “choáng” bởi ai cũng biết rằng trẻ dưới 6 tháng chỉ cần bú mẹ và phải bú mẹ hoàn toàn.

Nên cai bú mẹ hay cai...bú thức ăn? (Ảnh: Quỳnh Anh)

Việc cho con ăn sữa hạt từ khi sơ sinh giống như một hệ quả của văn hoá "sữa bò ám" vậy. Ngày xưa người ta thần tượng sữa bò, cho trẻ sơ sinh uống sữa bò (sữa bột), đến khi nghe nói đến tác hại của sữa bột với trẻ sơ sinh, và đủ các vụ việc kinh hãi được phanh phui về sữa bột nhiễm kim loại nặng, sữa bột trộn hoá chất, sữa bột giả... Một bộ phận phụ huynh lại nhất định phải tìm một thực phẩm nào đó cũng có chữ "sữa", miễn có chữ "sữa", để thay thế cho sữa bò/ sữa bột. Mà thực chất điều đó chính là thay thế cho sữa mẹ.

Thiết nghĩ các ông bố bà mẹ nên đọc định nghĩa của WHO và cả các tài liệu mà Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt: Sản phẩm thay thế sữa mẹ là tất cả các sản phẩm được dùng để thay thế sữa mẹ. Nghĩa là cháo, bột, nước...cũng chính là nó! Trẻ dưới 6 tháng chỉ cần bú mẹ và phải bú mẹ hoàn toàn. Sau đó bú mẹ kèm ăn dặm tới tối thiểu 2 tuổi. Vậy các bố các mẹ cho rằng việc cho trẻ ăn sữa hạt từ lúc sơ sinh được xếp vào ăn dặm hay "bú sữa" vậy?

Thời điểm thích hợp để giới thiệu thực phẩm ngoài sữa mẹ cho trẻ là 180 ngày tuổi (6 tháng). "Ăn dặm" là "dặm" - sữa mẹ là chính. Dưới 1 tuổi việc ăn dặm nhằm mục đích cho trẻ nếm, cầm nắm, sờ ngửi, tập nhai, tập nuốt để tiến tới ăn thật. Con sẽ phát triển vị giác, tập chấp nhận các mùi vị khác nhau, học ăn đúng giờ, đúng bữa, đúng chỗ...

Việc "vào bụng được bao nhiêu" hoàn toàn không quan trọng ở giai đoạn trẻ ăn dặm. (Ảnh: The Asian Parent)

Việc "vào bụng được bao nhiêu" hoàn toàn không quan trọng ở giai đoạn này. Nhưng có nhiều bố mẹ và ông bà cứ như kiểu "nín nhịn" chờ con cháu đủ 6 tháng cái là hô lên "ăn thôi!!!" Và thế là ngay lập tức con được ăn ngày 3-5 bữa mỗi bữa một nửa đến cả bát bột luôn! Lúc đầu có bé lạ miệng ăn nhiều, cả nhà sướng vui "nó ăn được" thế là lại cho ăn tiếp. Có bé không chấp nhận mùi vị lạ, hoặc sau một thời gian lạ miệng thì biết chán, hoặc bị đút "thêm một tí, thêm một tí" bất kể mình đã mím môi lắc đầu ra hiệu "con không muốn ăn nữa" nhưng không được tôn trọng, nên phải tỏ thái độ mạnh mẽ hơn như: phun, nôn ói, yêu sách nhiều thứ, la hét, khóc... Và thế là bị gán ngay cho cái bệnh "biếng ăn".

Cùng tư tưởng "ăn dặm là...ăn luôn" đó, các món sữa khác nhau cũng được đưa vào với lượng...bằng nguyên một cữ sữa mẹ của trẻ! Điều này giống như một phần của văn hoá "sữa bò ám" vậy. Trước kia người ta mê sữa bò, kì thị sữa người, không tin tưởng vào sữa người. Cho rằng sữa mẹ "không đủ" (không đủ lượng, không đủ chất), sữa mẹ sau 6 tháng chỉ như nước lã, sữa mẹ nóng, sữa mẹ loãng, mẹ ăn uống không tốt nên sữa mẹ "mất chất"... Toàn chuyên gia xét nghiệm sữa mẹ bằng mắt thường cả! Thì giờ đây họ chia tay sữa bò, và ráo riết tìm một thứ khác cũng có chữ "sữa" để thay thế. Đến mức dùng nó cho trẻ sơ sinh! Và cho trẻ dưới 1 tuổi mỗi cữ chơi nguyên bình hơn trăm ml! Như vậy tức là nhất định không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, nhất định không cho trẻ bú mẹ chính - ăn dặm phụ cho đến 1 năm rồi tiếp tục bú mẹ đến tối thiểu 2 tuổi (không có tối đa) đó hả? Nhất định là phải "dặm thêm", phải "bổ sung" một cái gì đó ngoài sữa mẹ bởi vì "sữa mẹ không đủ" đó hả?

Việc cho con ăn sữa hạt từ khi sơ sinh giống như một hệ quả của văn hoá "sữa bò ám" vậy. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Phân loại các món sữa theo nhóm chất chính

Dựa vào vốn hiểu biết hạn hẹp của mình, xin phép lạm bàn về chữ "Sữa". Mình đánh bạo sắp xếp các món sữa theo nhóm chất chính của từng món sữa. Điều này sẽ bỏ qua những nhóm chất nhỏ hơn, nhưng mình không phủ nhận chúng, vì sự phong phú của các nhóm chất trong từng thực phẩm từ thiên nhiên là điều tạo hoá đã cho con người với thông điệp hãy dùng thực phẩm phong phú, đừng lạm dụng bất kỳ thực phẩm nào! Và điều mình muốn nhấn mạnh là "không phải cứ có chữ sữa nghĩa là nó là thức ăn phù hợp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ".

Sữa bò: Bỏ qua yếu tố "công nghiệp" nghĩa là chưa nói đến dư lượng kháng sinh, dư lượng hormone, sự dã man của việc giết hại bê con và thụ tinh cưỡng ép để bò mẹ mang thai và cho sữa quanh năm, cũng như tất cả những scandal về hoá chất trong sữa bột... Bản thân sữa bò là thực phẩm chứa khá nhiều đạm. Nó được coi là "thịt dạng lỏng", nên mình xếp luôn nó vào nhóm "thịt". Nếu trong ngày đó tiêu thụ sữa bò thì giảm bớt ăn thịt (mà một người 60kg mỗi ngày chỉ được ăn không quá 200gr thịt thôi) Chúng ta vốn đã ăn nhiều thịt hơn thế, rồi nước mắm, giờ lại thêm ngày 2 ly sữa bò hoặc hơn. Quá thừa đạm!

Sữa hạt: Mình xếp nó vào mục "ngũ cốc", vì nó không khác gì cháo hạt, chè hạt, nước hạt. Nó có chữ "sữa" chắc vì nó beo béo, sanh sánh và dùng để uống, cũng có thể thay thế thành phần sữa bò trong các công thức nấu ăn. Nhưng tiêu thụ nó giống như tiêu thụ ngũ cốc vậy đó. Và chắc chắn nó không thể thay thế được cho một cữ sữa mẹ nào (với trẻ trên 6 tháng) và thay thế cho một giọt sữa mẹ cũng không (với trẻ dưới 6 tháng). Sử dụng nó như một món ăn dặm (lượng ít và dùng phong phú) thì được, nhưng dùng kiểu "thay thế" (mà tên mỹ miều là "bổ sung") thì các bạn đã mắc cái bẫy "bổ sung" rồi. Cái bụng con có phải cái thùng không đáy đâu mà bổ sung hoài vậy? Tại sao không nghĩ nó chính là thay thế, tưởng là "thêm" nhưng chính là "bớt"?

Các loại hạt nấu rồi vắt ra nước uống cũng ngon. Nhưng nếu có thể ăn cả vỏ thì còn khuyến mại thêm chất xơ - chất bản lề tạo nên sức khoẻ lâu dài của con người. Lâu nay người ta đánh giá quá cao chất đạm và canxi, nhưng lại coi thường chất xơ. Chỉ đến khi...táo bón mới lo ăn chất xơ. Nhưng chất xơ có tác dụng nhiều hơn thế. Chất xơ giúp đường đi chậm trong máu, giảm nguy cơ tiểu đường và các bệnh đường tiêu hoá.

Sữa mẹ không chỉ là thứ để ăn cho no. (Ảnh: Nguyễn Bảo Ngọc)

Sữa mẹ: Đối với con người và chỉ đối với con người, sữa mẹ không chỉ là thực phẩm. Chúng ta đã nói về sử dụng thực phẩm phong phú, vậy tại sao không thể áp dụng điều này với sữa mẹ? Tại sao chúng ta có thể lạm dụng các thực phẩm khác, nhưng không bao giờ "lạm dụng" sữa mẹ? Nếu có việc "lạm dụng" sữa mẹ, nghĩa là dùng quá mức cho phép, thì mình nghĩ là đút cho trẻ sơ sinh 30-50ml sữa mẹ một cữ ngay ngày đầu tiên ra đời (vượt quá sức chứa dạ dày của trẻ), hoặc là trẻ vài năm tuổi vẫn chỉ dùng sữa mẹ mà không ăn bất kỳ cái gì khác. Nhưng những điều này nghe thật là điên rồ vì cái điều "bình thường" chúng ta còn chẳng làm huống chi cái điều điên rồ đó!

Sữa mẹ không chỉ là thứ để ăn cho no

Định nghĩa về sữa là chất lỏng tiết ra từ bầu vú của một loài, dùng cho chính loài đó khi chưa có khả năng nhai nuốt và cai dần khi đã có thể nhai nuốt các thực phẩm thô. Như vậy, đối với con mèo thì sữa người là một loại thực phẩm, chỉ có sữa mèo mới là "sữa" dành cho nó. Tương tự với con người, chỉ sữa mẹ mới được xếp vào "sữa", và không nằm chung với các loại thực phẩm khác. Tạo hoá đã tạo ra loại sữa cân bằng về dinh dưỡng nhất cho nhu cầu của con người (thậm chí điều chỉnh theo nhu cầu con người của chính ngày đó giờ đó cữ bú đó), từ những giọt sữa non rỉ ra từ đầu vú mẹ - lượng rất ít gần như không nhìn thấy, đến việc ngực mẹ mềm xèo trong mấy ngày đầu để "con người con" dễ ngậm và tập bú cho thuần thục...đều là quá trình hoàn hảo của tự nhiên.

Và tại sao sữa mẹ không nằm trong "thực phẩm"? Vì nó không chỉ là thức ăn. Sữa mẹ không chỉ là một thứ dinh dưỡng cân bằng và ăn cho no. Nó còn là một thực thể sống (phản ứng với các tác nhân từ môi trường như khói thuốc, virus, vi khuẩn gây bệnh...), có nhiệm vụ lập trình (niêm mạc ruột), hoàn thiện (bộ não và tất cả các cơ quan nội tạng), bảo vệ (hệ miễn dịch), giảm nguy cơ bệnh tật cho đến khi lớn tuổi. Vì vậy nó không chỉ là thức ăn, và việc mẹ cho con bú không chỉ là cho no bụng. Và việc cho bú cần phải kéo dài nhiều năm. Điều này không chỉ đúng với sữa người. Sữa bò cho con bò cũng có ý nghĩa lập trình-hoàn thiện-bảo vệ, nhưng là lập trình nội tạng bò, hoàn thiện bộ não bò, và bảo vệ bò khỏi các bệnh của bò mà thôi. Chính vì lẽ đó, sữa loài nào là tối ưu cho loài đó, không thể dùng để thay thế cho nhau được.

Trẻ bú mẹ lâu thì bị dèm pha. Vậy "bú thức ăn" lâu mà kém nhai thì sao nhỉ? (Ảnh: Nguyễn Bảo Ngọc)

Chưa kể việc cho bú còn có ý nghĩa sức khoẻ lớn lao với người mẹ là giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư cổ tử cung, tiểu đường, béo phì... Và cả những lợi ích lớn về tinh thần. Việc mẹ bò cho con bú cũng có thể có ý nghĩa sức khoẻ lớn lao với mẹ bò, nhưng chúng ta chưa nghiên cứu đến.

Thế đấy. "Sữa" không chỉ là "sữa". Cùng chữ "sữa" mà bản chất không hề giống nhau. Hy vọng các mẹ cũng có phân loại của riêng mình, dù với những thứ có cùng tên gọi - thậm chí hình thức cũng giống nhau, cách dùng cũng giống nhau luôn! Để không bị hoang mang "sữa B không tốt thì uống sữa H được không??" Và rất nhiều mẹ lại sớm bỏ đi thứ đúng với định nghĩa về "sữa" nhất là sữa M.

Tạo hoá đã lập trình con người được cai sữa dần dần khi kĩ năng nhai nuốt thực phẩm thô phát triển dần dần, tâm lý hoàn thiện dần dần để không cảm thấy bất an nhiều nữa, hoặc đã xây dựng những cách khác để xoa dịu tinh thần ngoài bú ti mẹ. Tuy nhiên con người ngày nay lại kéo dài thời gian "bú thức ăn" - không chú trọng phát triển kĩ năng nhai nuốt, dẫn đến trẻ em "chỉ thức ăn lỏng mới chịu nuốt", không ăn được thực phẩm toàn vẹn, chỉ có thể tu vài bình "thịt lỏng"/ "ngũ cốc lỏng", trong khi đó lại cai sữa mẹ càng sớm càng tốt, trước cả khi thời kỳ ăn dặm bắt đầu!

Trẻ bú mẹ lâu thì bị dèm pha. Vậy "bú thức ăn" lâu mà kém nhai thì sao nhỉ? Mình tự hỏi điều đó!

Nguyễn Quỳnh Anh (Tư vấn viên sữa mẹ tại Brisbane, Úc)
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: