Sự kiện hot
11 năm trước

Ngành than chưa hết khó

Từ đầu năm tới nay, sản xuất và tiêu thụ than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đều đạt tiến độ kế hoạch.

Từ đầu năm tới nay, sản xuất và tiêu thụ than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đều đạt tiến độ kế hoạch. Song, do cơ cấu tiêu thụ không điều hòa nên doanh thu bán than không đạt, đặt ngành trước thách thức mới…

Tiêu thụ vẫn còn khó khăn

Theo Vinacomin, quý I năm 2013, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh (SXKD) cơ bản của tập đoàn đều tăng so với cùng kỳ năm trước, một số chỉ tiêu tăng cao. Tiêu thụ than ước đạt 10,7 triệu tấn, bằng 114% so với cùng kỳ, trong đó than xuất khẩu (XK) đạt 4 triệu tấn, bằng 196%. Doanh thu ước đạt 24.046 tỷ đồng, bằng 106%. Tuy nhiên, thực tế than bán cho ngành điện chiếm hơn một nửa sản lượng tiêu thụ trong nước nhưng giá bán chỉ bằng 63-66% giá thành... Giá than XK chưa được cải thiện trong khi chủng loại than chất lượng cao giảm mạnh, giao dịch chủ yếu diễn ra với các chủng loại thấp hơn nên doanh thu chỉ đạt 23,8% kế hoạch.


Khai thác than tại Công ty TNHH MTV Than Hòn Gai. Ảnh: Quốc Oai

Trước dự báo tình hình tiêu thụ than vẫn tiếp tục khó khăn do kinh tế thế giới và trong nước chưa phục hồi, giá thế giới vẫn ở mức thấp, quý II, Vinacomin sẽ tập trung chỉ đạo điều hành sản xuất - tiêu thụ, phấn đấu 6 tháng đạt trên 50% các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản; quyết liệt giảm chi phí, thực hiện tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ phê duyệt; nâng cao hiệu quả doanh nghiệp. Ngành than sẽ ưu tiên đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm linh hoạt, hiệu quả; thực hiện các biện pháp điều hành sản lượng than XK, tiêu thụ ở các đơn vị với tỷ lệ hợp lý…

Cần giải bài toán giá, thuế, phí

Theo Vinacomin, bên cạnh gánh nặng bù giá bán than cho ngành điện, hiện than bán cho các ngành khác như phân bón, hóa chất, giấy, xi măng, thép và than XK, sau khi trừ 10% thuế XK và thuế VAT đầu vào không được khấu trừ… cũng chỉ đủ bù đắp giá thành để ổn định sản xuất, bố trí đủ việc làm cho công nhân. Thực tế, với thuế XK than 10%, Việt Nam thuộc nhóm nước có thuế suất cao (Indonesia, Australia thuế XK là 0%, Trung Quốc 10%, Mông Cổ không quá 7%, Nga 0-5%…). Để ngành chủ động điều hành, ổn định sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm thuận lợi, minh bạch trong tính toán thuế suất… nên xem xét cơ chế thuế suất thuế XK than theo mức giá trên thị trường thế giới bình quân hằng quý.

Riêng với than cho ngành điện, sở dĩ mấy năm trước đây, giá thấp hơn giá thành nhưng ngành vẫn bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh là do sản lượng bán cho điện chỉ chiếm 10-15% tổng sản lượng tiêu thụ. Năm 2013, than bán cho điện chiếm trên 30% tổng sản lượng và đang tăng cao, riêng quý I năm 2013 chiếm trên 50% sản lượng tiêu thụ. Nhằm tháo gỡ khó khăn, bên cạnh việc đề nghị tính giá bán than cho điện bảo đảm bù đắp chi phí, Vinacomin kiến nghị Nhà nước xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí cho ngành ở mức hợp lý theo hướng khuyến khích khai thác tận thu tối đa tài nguyên thay vì tăng cao như hiện nay.

Cùng với đó, thuế tài nguyên đối với than cũng tăng từ 230 tỷ đồng năm 2007 lên 3.120 tỷ đồng năm 2012. Từ năm 2012, Nhà nước bổ sung thuế môi trường là 20.000 đồng/tấn, phí môi trường địa phương thu tăng từ 6.000 lên 10.000 đồng/tấn. Vinacomin vẫn phải thực hiện trách nhiệm của DN trong công tác bảo vệ môi trường tại nơi sản xuất với mức chi hằng năm khoảng 2% chi phí (tương đương 22.000 đồng/tấn). Tính chung, tổng chi phí môi trường chiếm gần 5% giá thành sản xuất.

Hiện ngành than phải giảm tiền lương nhiều bộ phận, điều chỉnh chỉ tiêu công nghệ, chọn nơi thuận lợi hơn khai thác trước để giảm giá thành, nhằm tiêu thụ được than. Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững theo quy hoạch của ngành...

Thanh Mai
theo Hà Nội mới

Từ khóa: