Sự kiện hot
11 năm trước

Nghề dệt chiếu Nam Sơn

Cách thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, chừng hơn 1km về phía Nam, vào khoảng độ tháng 7, tháng 8, ta bắt gặp hình ảnh những bó lác xanh tốt phơi trải trên con đường vào làng.

Cách thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, chừng hơn 1km về phía Nam, vào khoảng độ tháng 7, tháng 8, ta bắt gặp hình ảnh những bó lác xanh tốt phơi trải trên con đường vào làng. Đó là nguyên liệu làm nên những chiếc chiếu lác vừa bền, đẹp lại mát nổi tiếng khắp vùng.


Hai chị em bà Minh (làng Nam Sơn) cùng dệt chiếu. Ảnh: Trần Mơ

Bác Phan Đình Tăng, người dệt chiếu ở làng bao đời nay cho biết: “Tôi không biết nghề dệt có từ khi nào, nhà tôi dệt chiếu đã 3 - 4 đời nay rồi, từ đời cố can, ông bà đã dệt rồi, nay tôi và các con cũng đang nối nghiệp”.

Nghề dệt chiếu ở làng Nam Sơn là nghề cha truyền con nối, từ các cụ ông, cụ bà đến đứa trẻ 10, 12 tuổi đều dệt được chiếu, người lớn dệt chiếu 1,5m, 1,6m, còn trẻ con dệt chiếu 80cm - 1m.

Để có được chiếu vừa đẹp, bền chắc, sáng bóng… người làm chiếu phải rất vấtvả với nhiều công đoạn. Từ đi bứt lác ở dưới hói, mép sông rồi về chẻ lác, phơi lác; nhọc nhất là phơi lác vì phải lựa thời gian và thời điểm thích hợp để sợi lác từ màu xanh chuyển qua màu trắng ngà sáng, vừa phải mềm dẻo chứ không giòn, vừa phải đủ nắng để lác để lâu mà không bị ẩm mốc.

Bác Tăng cầm trên tay bó lác vừa phơi, trò chuyện vui vẻ: “Để có được sợi lác đẹp thế này cũng bầm dập lắm, đi bứt lác có khi mấy con sông, hói gần nhà như bên cồn Phượng, mép sông Nghèn, nhưng có lần đi xa hơn như xuống Thạch Kim, Thạch Bằng, thậm chí phải vào tận Cẩm Xuyên, Kỳ Anh bứt 4 - 5 ngày mới về. 7 - 8 người trong làng rủ nhau đi từng tốp rồi thuê xe tải chở về”.

Cây Đay được người làm mua ở tận Nghệ An, sau đó về đánh thành trân để dệt. Khuôn dệt có đủ các cỡ từ 80cm - 1,6m, khuôn gồm go và thoi dệt, một người giữ go và một người đưa thoi. Người dệt chú ý điều khiển go lúc lên, lúc xuống, mặt trái, mặt phải nhịp nhàng. Tuy bằng công cụ đơn sơ, nhưng các nghệ nhân đã tạo nên những chiếc chiếu đẹp, mịn màng và sáng bóng.


Vợ chồng anh Minh chẻ lác tươi để đem phơi. Ảnh: Trần Mơ

Chiếu được dệt ở làng có rất nhiều loại, chiếu trắng, chiếu sọc, chiếu hoa với đủ màu sắc và họa tiết. Ngày xưa, người ta thường dệt chiếu hoa, chiếu sọc với nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu từ khâu chọn lác, chọn màu, nhuộm màu... còn bây giờ chủ yếu người dân dệt chiếu trắng, đỡ công đoạn hơn.

Bác Loan, một người làm chiếu lâu năm chia sẻ: “Trước đây gia đình làm chiếu hoa và chiếu sọc bán được nhiều tiền hơn, nhưng phải mua phẩm màu về nhuộm… rất vất vả, đòi hỏi tỉ mỉ. Nay, chỉ làm chiếu trắng tuy được ít tiền hơn nhưng mà đỡ vất vả hơn nhiều”.

Tùy thuộc vào khuôn khổ chiếu, khổ 80cm - 1m có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/chiếc; loại 1,2 - 1,4m giá từ 60.000 - 70.000 đồng/chiếc; loại từ 1,5 - 1,6m thì từ 80.000 - 100.000 đồng/chiếc.

Ngày nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại chiếu như chiếu trúc, chiếu nhựa Trung Quốc, nhưng chiếu lác vẫn được nhiều người ưa chuộng.

Trước đây, hầu hết cả làng, nhà nhà đều làm chiếu, đi khắp các lối làng đều nghe tiếng go dệt râm ran, nhưng giờ ước tính cả làng chỉ còn khoảng hơn 60 gia đình còn giữ nghề. Nghề làm chiếu hiện được coi là nghề phụ của làng, mọi người đều tranh thủ những lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Bà Minh, gần 60 tuổi, vừa quấn lác, đưa thoi, vừa kể: “Một ngày, hai chị em tôi làm được 2 - 3 chiếc. Mỗi khi vụ mùa làm xong, người dân trong làng lại quay sang làm chiếu, vừa giải quyết nông nhàn lại vừa kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.

Theo người dân, đời sống ngày càng phát triển hơn, nhiều nhà đã có kinh tế ổn định, công ăn việc làm nên không có thời gian làm chiếu, với lại thu nhập từ nghề không cao. Nhiều bậc cao niên trong làng đang lo ngại một ngày không xa nghề dệt chiếu Nam Sơn bị thất truyền, nếu không có sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành.

 Trần Mơ
theo Thanh tra

Từ khóa: