Sự kiện hot
11 năm trước

Nghiên cứu sinh làm... “điệp viên”

Một nghiên cứu sinh Trung Quốc đang phải đối mặt với bản án 15 năm tù, vì đánh cắp 3 lọ hóa chất chống ung thư tại một trường đại học Mỹ.

Một nghiên cứu sinh Trung Quốc đang phải đối mặt với bản án 15 năm tù, vì đánh cắp 3 lọ hóa chất chống ung thư tại một trường đại học Mỹ.

Theo điều tra của FBI và cáo trạng, nhà nghiên cứu khoa học Hua Jun Zhao bị cáo buộc đã trộm một hợp chất mang tên C-25 tại Đại học Y khoa Milwaukee (Mỹ) và sau đó chuyển trái phép chất này cho Đại học Chiết Giang ở TQ. Cáo trạng dài 9 trang của FBI khẳng định Zhao đã phạm tội gián điệp kinh tế.


Hua Jun Zhao bị FBI buộc tội làm gián điệp kinh tế

Chứng cứ rành rành

Sự vụ xảy ra khi 3 lọ đựng hóa chất chống ung thư C-25 để trên bàn làm việc của một giáo sư trong Đại học Wisconsin “không cánh mà bay”. Qua điều tra băng ghi hình an ninh tại trường, đối tượng tình nghi đã được khoanh vùng và người đó không ai khác chính là Hua 42 tuổi, đang làm việc trong một nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi giáo sư Marshall Anderson.

Theo bà Maureen Mack, phát ngôn viên Đại học Wisconsin, giáo sư Anderson đang theo đuổi dự án nghiên cứu các hợp chất tiêu diệt những tế bào ung thư mà không gây tổn hại đến cơ thể người. “Những hợp chất này vẫn còn trong quá trình nghiên cứu tại phòng thí nghiệm và chưa được thử nghiệm lâm sàng”, bà Maureen Mack nhấn mạnh.

Giáo sư Anderson cho biết các lọ hóa chất phục vụ nghiên cứu đã bị đánh cắp vào ngày 22.2. Theo băng ghi hình an ninh được quay tại trường thì Hua là người duy nhất đã bước vào văn phòng Anderson trong ngày hôm đó. Đến ngày 27.2, các nhân viên điều tra liên bang đã thẩm vấn Hua về những lọ hóa chất nhưng anh ta quả quyết mình không hề hay biết. Nhà trường lập tức cho anh ta nghỉ việc.

Tuy nhiên trong máy tính của Hua, các nhà điều tra đã tìm thấy 384 tập tin liên quan nghiên cứu của giáo sư Anderson và nhiều kết quả nghiên cứu của một giáo sư khác cũng trong khoa ung thư. Trong những tập tin này có một lá thư gửi cho một đại học TQ bằng tiếng Hoa. Hua viết rằng anh ta đã phát hiện ra hợp chất C-25 và đang tìm kiếm tài trợ để tiếp tục nghiên cứu của mình tại TQ.

Nhân viên an ninh Đại học Y khoa Milwaukee còn cho FBI biết vào ngày Hua bị đình chỉ, máy tính của trường đã bị truy cập từ xa và xóa các tập tin liên quan nghiên cứu C-25. Trường đã phục hồi được những tập tin này. Hua phủ nhận việc truy cập máy tính trái phép từ xa và xóa dữ liệu khi được nhân viên FBI hỏi.

Chính quyền liên bang sau đó đã lục soát nhà Hua và tìm thấy một hóa đơn gửi hàng cho vợ anh ta và hai vé máy bay từ Chicago đi TQ. Ngoài ra còn có một bức thư của Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia (TQ) tuyên bố tài trợ cho nghiên cứu C-25.


Vụ đánh cắp hóa chất của Hua bị lộ tẩy vì clip an ninh của Đại học Y khoa Milwaukee đã ghi lại toàn bộ sự việc

Cáo buộc gián điệp kinh tế

Ông Leonard Peace, phát ngôn viên của FBI tại Milwaukee cho biết 3 lọ bột C-25 có trị giá khoảng 8.000USD và hiện nhà chức trách vẫn chưa tịch thu được tang vật. FBI cho rằng Hua là gián điệp kinh tế. Các công tố viên cáo buộc anh ta đã ăn cắp các nghiên cứu khoa học và tìm cách chuyển về TQ để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu hóa chất chống ung thư tại Đại học Chiết Giang.

Hua bị bắt ngày 29.3 và bị buộc tội làm gián điệp kinh tế. Với tội danh này anh ta có thể bị phạt tối đa 15 năm tù kèm theo khoản tiền phạt 500.000 USD. Thẩm phán đã quyết định tạm giam Hua tại nhà tù Milwaukee County cho đến khi đưa ra xét xử.

Thời gian chính thức của phiên tòa chưa được xác định nhưng buổi điều trần sơ bộ dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 4. Nữ luật sư Juval Scott được chỉ định bào chữa cho Zhao nói còn quá sớm để nhận xét về trường hợp này: “Tôi chỉ biết rằng một nhà nghiên cứu khoa học đang bị cáo buộc phạm tội nghiêm trọng và văn phòng luật chúng tôi sẽ cố hết sức để làm rõ trắng đen vụ này”.

Trao đổi với FBI, đồng nghiệp của Hua cho biết anh ta nói tiếng Anh rất tốt và đã sống ở Mỹ nhiều năm. Phát ngôn viên của trường từ chối công bố Hua đã làm việc bao lâu tại trường cũng như không cung cấp chi tiết về tình trạng nhập cư của anh ta. Hua đã đến TQ vào tháng 12.2012 và trở lại Mỹ vào giữa tháng 1.2013. Trong hồ sơ xin việc của mình, anh ta ghi chức danh là trợ lý giáo sư tại Đại học Chiết Giang.

Đạo văn và gian lận đã trở thành vấn nạn ở TQ, vì nhiều người coi trọng bằng cấp hơn chất lượng nghiên cứu. Mark Frankel, Giám đốc Hiệp hội về tiến bộ khoa học, nhân quyền và pháp luật (Mỹ) nhận xét các trường đại học Mỹ dễ bị trộm cắp thông tin vì có một nền văn hóa cởi mở. Các nhà khoa học thường chia sẻ nghiên cứu để nỗ lực xác minh và phản biện những đề tài của nhau. Nguy cơ thất thoát thông tin cao hơn từ năm 1980, khi nhiều trường đại học hợp tác với các công ty trong các nghiên cứu có bản quyền.

“Khi chúng tôi bắt đầu thấy khoa học và kiến thức tạo ra được những giá trị thực tế, khái niệm về hành vi trộm cắp thông tin bắt đầu manh nha trong môi trường đại học”, Frankel nói. Theo ông, một loạt các vụ trộm cắp thông tin đã xuất hiện vào cuối những năm 90 thế kỷ trước và đầu năm 2000 nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì việc đột nhập máy tính để đánh cắp dữ liệu liên quan đã trở thành vấn đề lớn trong những năm gần đây.

Theo Thế giới & Hội nhập

Từ khóa: