Sự kiện hot
11 năm trước

Người chuyển giới Pakistan sống cùng sự khinh miệt

Gia đình của những người chuyển giới thường đuổi họ ra khỏi nhà từ khi họ còn rất trẻ nên nhiều người phải hành nghề mại dâm để sống. Ngoài ra họ chỉ có thể làm vài công việc khác như ăn mày, vũ công.

Gia đình của những người chuyển giới thường đuổi họ ra khỏi nhà từ khi họ còn rất trẻ nên nhiều người phải hành nghề mại dâm để sống. Ngoài ra họ chỉ có thể làm vài công việc khác như ăn mày, vũ công.


Một người đàn ông thưởng tiền cho Sonia, một nữ vũ công chuyển giới 28 tuổi,
khi cô nhảy múa trong tiệc sinh nhật tại Rawalpindi, Pakistan. Ảnh: AP.

Khoác trên người những bộ trang phục cầu kì, đầy nữ tính và trang điểm một cách khéo léo, những vũ công nhảy múa cùng những "cơn mưa tiền" trong những bữa tiệc toàn đàn ông. Họ có hình dáng giống phụ nữ, nhưng trước đây họ là đàn ông. Nếu chỉ nhìn cảnh tượng họ nhảy múa, có lẽ ai đó sẽ nghĩ cuộc sống của họ khá dễ chịu. Song trên thực tế, cuộc sống của những người chuyển giới ở Pakistan vẫn đang bị bao phủ bởi sự quấy rối, miệt thị và nghèo khổ, AP bình luận.

Tại một đất nước bảo thủ như Pakistan, nơi mà những vai trò của hai giới được đề ra một cách rõ ràng, những người chuyển giới thuộc tầng lớp thấp hèn. Gia đình thường đẩy họ ra khỏi nhà từ khi họ còn rất trẻ, vì thế nhiều người trong số họ phải làm nghề mại dâm để kiếm sống.

Nhảy múa trong tiệc cưới, sinh nhật và các sự kiện vui là một trong những công việc mà người chuyển giới có thể làm ở Pakistan. Bên cạnh những điệu nhảy và cơn mưa đồng rupee, họ phải thường xuyên chống trả hành vi sờ soạng của những vị khách say xỉn.

“Tôi không hiểu tại sao mọi người luôn trêu chọc và chế nhạo chúng tôi”, Symbal, một người chuyển giới ở Pakistan, nói. Nhiều người trong cộng đồng chuyển giới đã phải lấy một cái tên giả chứ không sử dụng tên thật của họ để bảo vệ gia đình

Một bộ phận người chuyển giới ăn mày trên đường hay kiếm tiền bằng cách chúc phúc cho những đứa trẻ sơ sinh. Ông Iqbal Hussain, một nhà nghiên cứu về cộng đồng chuyển giới, cho biết, tập quán thuê người chuyển giới chúc phúc cho trẻ sơ sinh phản ánh một niềm tin của người Pakistan, theo đó thần linh đáp lời những người kém may mắn ở Pakistan và các quốc gia Nam Á khác. Tuy nhiên ông lo ngại rằng điều này không có nghĩa là mọi người đã sẵn sàng trao quyền bình đẳng cho người chuyển giới.

Trong những năm gần đây, cộng đồng người chuyển giới đã được chính phủ bảo vệ ở một mức độ nhất định. Tòa án tối cao đã phán quyết trong năm 2011 rằng những người chuyển giới được công nhận là một giới riêng biệt – không phải nam cũng chẳng phải nữ - trong chứng minh thư và có quyền đi bỏ phiếu. Ở nước láng giềng Ấn Độ, Ủy ban bầu cử đã quy định trong năm 2009 rằng những người chuyển giới có thể đăng kí bầu cử như là “giới tính khác”, chứ không phải và nam hay nữ.

Ở những nơi khác tại châu Á và thế giới Hồi giáo, thái độ của dư luận đối với những người chuyển giới cũng phức tạp. Cộng đồng chuyển giới tại Thái Lan được công nhận một cách rõ ràng và rộng rãi. Những người chuyển giới thường xuất hiện trong các vở kịch truyền hình hay nhà hát, họ làm việc tại các quầy trong cửa hàng mỹ phẩm, những nhà hàng nổi tiếng hay trình diễn trên các cuộc thi người đẹp chuyển giới.

Rất nhiều những người chuyển giới ở Indonesia mặc những trang phục của phụ nữ, trang điểm và làm việc như những ca sĩ. Tuy nhiên sự khinh biệt của xã hội đối với họ vẫn sâu sắc. Họ phải chấp nhận thân phận thấp kém hơn trước kia, sau hàng loạt vụ tấn công của những tín đồ Hồi giáo cứng rắn trong những năm gần đây. Ở Malaysia, những người đàn ông theo Hồi giáo mà mặc đồ của phụ nữ có thể bị xét xử ở tòa án Hồi giáo.

Trong thế giới Arab, những người chuyển giới có ít cơ hội thể hiện giới tính của họ hơn. Vào năm 2007, Kuwait quy định hành vi bắt chước người khác giới là một tội”, dẫn tới việc bắt giữ hàng trăm phụ nữ chuyển giới, Human Rights Watch cho biết. Những phần tử theo chủ nghĩa cực đoan tại Iraq tấn công và sát hại những người đồng tính nam hay ẻo lả như phụ nữ.

Việt Linh
theo VnExpress

Từ khóa: