Sự kiện hot
11 năm trước

Người mẹ bán cả nhẫn cưới cứu con!

Bán cả chiếc nhẫn cưới, kỷ vật thiêng liêng nhất của một đời người, người mẹ ấy đã khổ cực trăm bề với mong ước cứu được con trai ra khỏi căn bệnh tự kỷ.

Bán cả chiếc nhẫn cưới, kỷ vật thiêng liêng nhất của một đời người, người mẹ ấy đã khổ cực trăm bề với mong ước cứu được con trai ra khỏi căn bệnh tự kỷ.

Một ngôi trường đã được người mẹ đó dựng lên và đứa con tưởng chừng “phế nhân ” của chị không những học được chữ, vẽ được tranh mà còn học được tiếng Nhật, chơi Piano rất hay.


Nguyễn Trung Hiếu đã được mẹ “đưa trở lại thiên đường”. Ảnh: KL

Tan vỡ niềm hy vọng mong manh!

Bé Nguyễn Trung Hiếu, đứa con đầu lòng của chị Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Chủ tịch CLB Gia đình trẻ tự kỉ Hà Nội, sinh năm 1999. 8 tháng sau đó, người mẹ này đã có những linh cảm không lành. Cháu bé không có cảm xúc khi được mẹ ôm ấp, vỗ về, cưng nựng, không mảy may phản xạ khi mẹ gọi tên, không hề biết giao tiếp bằng mắt với bất kì ai.

Chị Mai Anh đưa con đi khám khắp nơi và phải một năm sau đó, các bác sỹ mới có kết luận Hiếu mắc chứng bệnh tự kỉ. Chỉ số IQ của Hiếu chỉ đạt 45 điểm, trong khi bình quân của con người là từ 80 – 100. Theo lời giới thiệu của các bác sĩ, chị tìm đến một gia đình cũng có con bị tự kỉ. Người mẹ mà chị được tiếp chuyện vì con đã trở thành chuyên gia tự kỉ. Chị ấy đã đưa con đi khắp các nước Anh, Mỹ, Pháp… để chữa bệnh. Niềm hi vọng vừa le lói bỗng vụt tắt khi em bé ở gia đình đó chạy ra phòng khách, vẫn ngô nghê, không biết gì như một trang giấy trắng. Dọc đường về, chị Mai Anh rơi vào trạng thái khủng hoảng thực sự. Chị khóc như mưa khi hình dung con chị rồi đây cũng sẽ như em bé kia.

Lúc bấy giờ, chị Mai Anh đang làm công việc kiểm tra chất lượng sản phẩm ở Nhà máy bánh kẹo Hải Châu. Chị ấp ủ học thêm văn bằng 2, hoặc chuyển công tác về quê sống cùng gia đình chồng. Từ lúc biết con bị bệnh, đêm nào chị cũng trằn trọc, thao thức. Quyết định khó khăn nhất của chị là nộp đơn xin nghỉ làm không lương, rồi bỏ hẳn việc, quyết bám trụ lại Hà Nội, dành thời gian chữa chạy cho con. Gánh nặng kinh tế đè lên vai người chồng. Thương vợ, con; anh nói sẽ cố gắng làm ăn nuôi gia đình. Vợ chồng chị sống trong cảnh “Ngưu Lang – Chức Nữ” vì con đến tận bây giờ…

Bán nhẫn cưới để chữa cho con

Một mình nơi đất khách quê người, người mẹ quyết định tìm mọi cách để cứu con. Nghe đồn ở Nam Định có thầy lang chữa bệnh bằng bùa ngải, chị đưa con đến tận nơi. Thầy lấy hương và lá ngải dí vào các huyệt ở đầu ngón chân, Hiếu đau đớn, giãy giụa không ngừng. Cách chữa bệnh này không giúp Hiếu khá hơn mà còn khiến con thêm hoảng loạn, sợ hãi.

Năm 2002, nghe tin một chuyên gia tự kỉ nổi tiếng đang có mặt ở TP HCM, chị tìm cách liên lạc và mời người đó ra Hà Nội dạy chị phương pháp chữa bệnh tự kỉ. Chị xin trả mọi học phí, lo tiền vé máy bay, thuê khách sạn, tiền ăn ở cho chuyên gia, tổng cộng gần 1.000 USD. Chị chỉ dám đề nghị chồng đưa 300 USD, số còn lại, chị âm thầm bán đi 5 chỉ vàng gồm dây chuyền, nhẫn cưới… là quà cưới mẹ đẻ cho ngày chị lên xe hoa. Vẫn chưa đủ, chị lại chật vật đi vay thêm mỗi nơi một ít để trả.

May mắn thay, khóa học đáng “đồng tiền bát gạo” khi chị trở thành cô giáo của chính con mình. Hơn 3 tuổi, Hiếu vẫn chỉ mang tâm hồn của một em bé vài tháng tuổi, chưa biết nhai, chưa biết uống, cứ đêm về là gào khóc… Chị bắt đầu dạy con những việc giản đơn nhất rồi nhận biết các đồ vật xung quanh. Thời đó, Hiếu là một em bé tự kỉ điển hình về hành vi tự gây tổn thương cho bản thân và người thân. Mỗi lần không được đáp ứng, Hiếu “bùng nổ” bằng cách tự cắn tay, chân và cắn tay mẹ. Nhiều năm trời, lúc nào cánh tay của hai mẹ con cũng tím bầm xước xát.

Thế rồi, nhờ nỗ lực của mẹ, Hiếu bắt đầu tập nói những từ đầu tiên khi lên 5. Lớn hơn chút nữa, Hiếu đã biết đọc mặc dù nhận thức còn thua xa bạn bè cùng trang lứa. Người mẹ trẻ bắt đầu dạy con cách xưng hô, tỉ mẩn làm những thẻ chữ nhỏ ghi tên người mà con hay tiếp xúc như “ông”, “chú”, “dì”… Chị dùng hạt nhãn, hạt na,… rửa sạch, phơi khô để cho con học xếp hình phẳng, phân loại hạt. Vỏ chai Lavie chị dùng làm dụng cụ đo lường chất lỏng, cắt dọc chai làm thuyền, dạy con khái niệm chìm - nổi… “Tôi luôn tự nhủ, mẹ con mình cùng phải chiến thắng bệnh tật!” – Chị bảo!

Trường của “những người mẹ cứu con"

Trường Einstein của mẹ đã giúp Hiếu cùng các bạn trưởng thành lên rất nhiều. Tuy nhiên, dần dần “trường của mẹ” không còn phù hợp với Hiếu nữa. Nay Hiếu đã lớn và cần một mô hình mới. Chị Mai Anh lại ấp ủ một ngôi trường mới rộng hơn. Ở đó, các con sẽ phải học cách sống độc lập, được học cách trồng cây, nuôi cá, kỹ năng giao tiếp, bán hàng…

Người mẹ ấy nuôi hi vọng đưa con đi học tiểu học khi Hiếu lên 7 tuổi. Con đi học, chị ngồi ngoài cổng trường, thấp thỏm. Mỗi ngày Hiếu cố “bám trụ” được thêm bao nhiêu thời gian trên lớp là chị mừng bấy nhiêu. Có ngày con cố được một tiếng, ngày khá hơn được tiếng rưỡi, song có những ngày chỉ 30 phút, chị đã thấy bóng dáng con ở cổng trường.

Biết con chưa thích nghi được môi trường này, chị cùng chị Phạm Thị Yến, ngày ấy là Chủ tịch CLB Gia đình trẻ tự kỉ Hà Nội cùng vài gia đình tự thành lập một trường học riêng cho các con tự kỷ, đặt tên là trường Albert Einstein. Gọi là “trường” thực ra để các con có khái niệm “đi học” thôi chứ đó là một trung tâm nhỏ tập hợp các bé cùng cảnh ngộ. Trường chỉ có 5 học sinh nhưng các con vẫn được chia thành các lớp: 1A, 2A, 3A…

Các mẹ góp tiền, tự thuê địa điểm, thuê giáo viên và tự đi chợ, lo bữa ăn cho các con. Năm mẹ phân công nhau túc trực tại trường. Không những học tiếng Việt, làm Toán, các con ở trường Albert Einstein còn được rèn học cách tự vệ sinh cá nhân, đi chợ, bỏ rác vào thùng hay chuẩn bị một bữa cơm cho gia đình... Các mẹ còn dạy cho con học kĩ năng chào cờ, xếp hàng. Cuối năm học, “trường của mẹ” cũng tổ chức bế giảng, in giấy khen như một học sinh bình thường.

Giờ đây Hiếu đã biết cả đánh đàn piano, organ, sáo, ghi – ta, con còn vẽ tranh rất đẹp. Đặc biệt, Hiếu còn tự học tiếng Nhật trên máy vi tính. Nhìn cháu bây giờ, chẳng ai nghĩ cách đây vài năm đó là một em bé không có cảm xúc. Người mẹ từ chỗ không biết nhạc, họa, đã tự học để dạy con. Chị Mai Anh bây giờ đã là một chuyên gia về trẻ tự kỉ, một thành viên tích cực của CLB Gia đình trẻ tự kỉ Hà Nội.

Khánh Ly – Bảo Anh
theo GĐ&XH

Từ khóa: