Sự kiện hot
9 năm trước

Người nhạc sĩ mù cả đời cống hiến cho nghệ thuật cải lương

ĐS&TD - Nhạc sĩ mù Văn Bền (SN 1945, ngụ đường Bến Vân Đồn, phường 12, quân 4, TP.HCM) một trong những danh cầm cải lương tài hoa có tiếng của Nam Bộ trước năm 1975. Ông có một phong cách riêng từ tư chất đến nghệ thuật diễn tấu, nhưng lại rất khiêm tốn không bao giờ nhắc đến cái tài, cái hay của mình. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, danh cầm già vẫn âm thầm truyền nghề cho thế hệ sau, với niềm tin sẽ lưu giữ được dòng nhạc “vang bóng một thời”.

 

Ngón đờn lừng lẫy bước ra từ thế giới “vô sắc”

Nơi ở của nhệ sĩ mù nằm sâu trong con hẻm nhỏ giữa chốn Sài Gòn, nhưng đi đến đầu hẻm mọi người sẽ bắt gặp tấm bảng chỉ dẫn lớp học đàn, ca do nhạc sĩ Văn Bền dạy. Càng dễ tìm hơn, khi tiếp tục đến cửa ngõ một “ám hiệu” bằng tấm bảng xanh nhỏ thông báo nhà nhạc sĩ Văn Bền.

Ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng hàng ngày vẫn văng vẳng tiếng đàn, từng câu vọng cổ mùi mẫn. Ngỏ ý xin gặp nhạc sĩ Văn Bền, người con trai ái ngại nói nhỏ: “Mấy bôm nay bố đang ốm, sức khỏe càng yếu hơn …” rồi bỏ lửng câu nói.

Nhạc sĩ Văn Bền, hai mắt nhắm nghiền, dáng người nhỏ thó ôm yếu đang mò mẫm từng bước tiến về phía khách. Hỏi thăm tình hình sức khỏe, ông thều thào trả lời: “Bệnh của người già ấy mà. Cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà chờ đến giờ uống thuốc. Tôi phải bỏ thuốc hàng ngày vào túi áo mặc trên người chứ không lại quên mất”.

 


Những tấm ảnh nhạc sĩ lưu giữ

 

Nhạc sĩ mù Bế Văn Bền là con trai độc đinh trong gia đình nghèo, và chưa từng có ai theo nghiệp cầm ca. Từ nhỏ, ông đã thiệt thòi hơn chúng bạn khi bị căn bệnh đậu mùa cướp đi đôi mắt. Vì vậy, cậu bé chỉ có thể cảm nhận thế giới bằng âm thanh, mùi, vị và đôi bàn tay. Nhạc sĩ kiên trì, tự mò mẫm làm mọi việc. Không được đến trường, cậu bé chỉ biết quanh quẩn trong góc nhà nhỏ, lớn lên trong sự mặc cảm tự ti với số phận.

Hồi đó, Văn Bền thường được cha mẹ dẫn đi nghe hát tại các đình, miếu. Cậu bé lấp lè tè, không thấy gì phải để mẹ cõng, cõng mỏi bà lại chuyển sang cặp một bên hông. Không nhìn thấy diễn viên diễn trên sân khấu, Văn Bền cố gắng dùng thính giác lắng tai nghe rồi cảm nhận cái hay, cái đẹp của từng cô đào, anh kép. Cứ riết đi xem với mẹ khiến đứa bé mê đắm cải lương lúc nào không hay. Năm 12 tuổi, nhạc sĩ xin bố mẹ đi theo lớp học đàn do thầy Văn Vĩ dạy. May sao, bố mẹ hiểu được tâm ý của con nên gắng sức động viên. Thầy Văn Vĩ cũng là một người khiếm thị, được mệnh danh là “đệ nhất danh cầm”.

Không hề có bất cứ nguyên tắc nhạc lý nào, trước tiên cậu bé được làm quen với cây đàn bằng cách dùng tay mò mẫm nhận biết có bao nhiêu dây… Người thầy đàn trước, cho nghe âm thanh rồi tự Văn Bền phỏng lại trên đàn của mình. Tuy khiếm thị nhưng Văn Bền rất “thông thính”. Đôi tai nhạc sĩ có khả năng thẩm âm rất chuẩn xác.

“Việc học đàn đối với người sáng mắt còn khó, huống gì tôi không nhìn thấy gì. Lúc tôi xin đi học đàn không chỉ riêng là việc thích, mà tôi xác định đó là cái nghiệp mình sẽ gắn bó. Nên tôi học bằng tất cả tâm huyết, sự can trường của mình. Người ta nói “trăm nghe không bằng một thấy”, đường này tôi không được nhìn thấy tay thầy dạy bấm, tì như thế nào khiến việc học khó vạn lần. Tôi phải nhập tâm nghe, nhớ đặc trưng âm thanh phát ra của từng dây, nốt nhạc. Từ đó nhận biết dây này nằm ở đâu, phím kia chỗ nào cộng thêm cách chỉ dẫn bằng ngôn từ của thầỳ. Tất cả kết hợp nhuần nhuyễn với nhau mới đánh đúng được đàn. Nhưng điều quan trọng nhất đó là phải có đôi tai hơn người và sự chăm chỉ luyện tập”, nhạc sĩ Văn Bền chia sẻ.

Nhạc sĩ mù “sành” nhiều nhạc cụ

Hiểu được điều đó, nên Văn bền luyện tập suốt ngày đêm, mấy đầu ngón tay tứa máu, lún sâu do tì chặt vào dây, phím đàn. Nhưng chưa từng có giây phút nào khiến ông nhụt chí bỏ cuộc. Có những bài vọng cổ khó, người sáng mắt phải học đến 1 tháng, còn ông chỉ mất nửa tháng để luyện tập. Mất 8 năm kiên trì ông đã học xong những bài vọng cổ phổ biến. Năm 20 tuổi ông chính thức vào nghề và trưởng thành qua nhiều đoàn cải lương nổi tiếng thế kỷ trước như Thanh Bình - Kim Mai, Huỳnh Long, Bông Sen. Ông từng đàn cho những danh ca nổi tiếng như Út Trà Ôn, Minh Vương, Thiên Kim, Diệu Hiền…

 


Nhạc sĩ mù Văn Bền nay đã là cụ già ốm yếu

 

Nhạc sĩ Văn Bền “sành” rất nhiều nhạc cụ như: đàn nhị, đàn gáo, đàn kìm (đàn nguyệt), đàn sến, đàn tranh (đàn thập lục), đàn tỳ bà, đàn bầu…Nhưng đưa ông lên hàng “đỉnh cao” nghệ thuật thì người ta phải kể đến những ngón đờn trong ghi ta phím lõm. Người nghệ sĩ nhận định, đàn ca tài tử không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn mang tính khoa học, nên không phải ai cũng chơi được. Phải có thời gian tập luyện rất công phu, đạt được trình độ nhất định mới thông thảo hết những bản đờn, các kỹ thuật chơi đờn như: rung, nhấn rung, nhấn mổ, nhấn mượn hơi, mổ đơn, mổ kép, mổ kềm dây, bịt… hay rải của đờn tỳ bà. Nhờ vào các ngón kỹ thuật này người chơi mới chơi được các điệu và hơi trong bài nhạc tài tử.

Theo nhạc sĩ Văn Bền, vì vai trò của các nhạc khí, nhạc cụ trong đờn ca tài tử luôn được chú trọng nên những nhạc sĩ cổ nhạc phải thành thạo cách xuống câu uyển chuyển đến lối đàn bay bướm, đa dạng mang phong cách riêng. Không chỉ đàn sao cho đúng với tính chất, hơi điệu của bài, người nghệ sĩ tài tử còn phải biết thêm thắt, biến tấu ngẫu hứng sao cho bay bổng vì tính cố định sẽ mất đi tính tài tử. Mỗi nốt nhạc được thêm thắt, tô điểm đúng mức, mỗi nét nhấn nhá, luyến láy lão luyện đem lại nét tinh tế cho tiếng đàn và trở thành phong cách riêng của người nghệ sĩ.

Thời hoàng kim, tiền thù lao sau mỗi đêm diễn của ông đủ lo cho cả gia đình gồm vợ và 3 người con một cuộc sống đủ đầy. Dẫu vậy, nghiệp cầm ca lênh đênh đi diễn các tỉnh khiến một người khiếm thị như ông gặp không ít khó khăn. Đi đâu Văn Bền cũng cần người đi theo “hộ tống”, giúp đỡ. Năm 1966, nhạc sĩ Văn Bền bấm bụng từ bỏ việc “nay đây mai đó”, trở về cuộc sống bình thường và quyết định mở lớp dạy ca, đàn cho nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương sau này.

Truyền lửa cho thế hệ sau

Thời mới mở lớp, số lượng người tới học lên tới hàng trăm người/1 khóa học. Không ít người đã thành danh nhờ người thầy này “uốn lưỡi, bẻ tay”. Ví như nghệ sĩ Văn Tâm, Văn Chánh… hiện đang giảng dạy tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM.

Phương pháp dạy của ông giống như người thầy Văn Vĩ, đã truyền lại. Văn Bền đàn trước, người học nhìn theo từng ngón tay bấm dây, cách rung điêu luyện của thầy cộng thêm tiếng đàn rồi làm theo ý như vậy. Cách kiểm tra của người nghệ sĩ mù là lắng tai nghe âm thanh từng dây đàn phát ra rồi nhận xét đúng sai.

Dòng nhạc cải lương dần mai một, số lượng học viên giảm. Ngoài học viên lâu năm, nay mỗi khóa học (kéo dài 3 tháng) chỉ còn chứng 10 đến 15 trò, với mức học phí 300 nghìn đồng/tháng/học viên. Ngoài thu nhập này, hàng tháng Văn Bền nhận thêm 150 nghìn đồng, tiền giúp đỡ từ ban ái hữu nghệ sĩ.

Tuy vậy, nó cũng chỉ đủ chi phí cho việc chữa bệnh thấp khớp, dạ dày… và tiền sinh hoạt của hai cha con ông. Hiện nay nhạc sĩ đang sống cùng người con trai út. Người nghệ sĩ già luôn tự hào vì các con ông đều nối nghiệp cha, người đờn, người hát. Cuộc sống không mấy dư dả, nhưng người nghệ sĩ ấy vẫn nhận đào tạo miễn phí cho học trò nghèo. Hiện có gần 10 em đang được ông dạy miễn phí tại nhà.

Không chỉ cống hiến âm thầm bằng việc dạy học, Văn Bền còn đóng góp cho việc lưu giữ dòng nhạc “vang bóng một thời” bằng những buổi văn nghệ tại địa phương. Ông luôn năng nổ tham gia, đem tiếng đàn, giọng ca giúp đội văn nghệ mình đạt giải cao. Không biết bao nhiêu lần Văn Bền được vinh danh, nhưng không bao giờ ông nhận đó là phần thưởng giành cho riêng mình. Những tấm bằng khen, giấy khen người nghệ sĩ khiêm tốn gửi lại treo trên văn phòng phường.

Cứ ngày rằm hàng tháng, ông lại cùng người con trai út đến khu dưỡng lão nghệ sĩ gặp lại đồng nghiệp cũ. Nhạc sĩ mù ngồi khuất sau hậu trường, lặng lẽ đàn cho các nghệ sĩ ca. Họ cùng nhau say sưa cất lên từng lời ca, điệu nhạc, ôn lại những kỉ niệm để nhớ đến thời đã qua. Người nghệ sĩ mù luôn tin rằng dòng nhạc cổ của dân tộc sẽ không bao giờ “chết”.

Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Tuy nó không thịnh hành như xưa, nhưng nó vẫn sống trong lòng của nhiều khán giả mến mộ. Tôi dạy học trò không chỉ dạy kiến thức mà còn truyền cả niềm đam mê của một đời cống hiến. Tôi mong những lớp sau này, nếu ai đã thích dòng nhạc cổ thì hãy ráng theo. Đây là “tài sản” ông cha mình tạo ra và để lại cho đời sau nên phải gắng hết sức lưu giữ nó”.

Đức Thịnh

Từ khóa: