Sự kiện hot
10 năm trước

Nguồn vốn cho tái canh càphê đã sẵn sàng đợi xuất...

Theo tính toán, để tái canh một ha càphê, các nông hộ và doanh nghiệp cần từ 120-150 triệu đồng. Như vậy, để tái canh 126.000 ha (25%) càphê già cỗi, cần khoản kinh phí ít nhất lên đến trên 15.000 tỷ đồng.


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).

Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn tự có của các hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh càphê thì chắc chắn việc tái canh sẽ khó có thể triển khai được.

Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ Agribank bằng nguồn tái cấp vốn cho cả vùng Tây Nguyên để có thể đưa lãi suất cho vay thấp hơn mức lãi suất cho vay thương mại trung và dài hạn thông thường 2%/năm.

Lãnh đạo Agribank cho biết, từ tháng 5/2013, Agribank đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng và Đăk Lăk ký kết đầu tư tín dụng tái canh cây càphê giai đoạn 2013-2015 với gói vốn lãi suất ưu đãi 6.100 tỷ đồng (3.100 tỷ đồng dành cho Lâm Đồng, 3.000 tỷ đồng dành cho Đăk Lăk).

“Trẻ hóa” một vùng đất

Trong những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về Đăk Lăk và Lâm Đồng để tìm hiểu về việc tái canh càphê. Tại đây, nhiều gia đình đang ráo riết thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước là bắt tay vào việc thực hiện việc tái canh cà phê.

Có gia đình thì chặt những vườn càphê già cỗi ít hiệu quả, có những gia đình đã trồng mới cây càphê được vài tháng tuổi. Tất cả đều rất khẩn trương.

Chúng tôi có mặt tại xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng, bà con đang hối hả “thay da, đổi thịt” cho vùng đất nơi đây.

Ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà phấn khởi kể: Tổng diện tích cà phê của xã là 4.530 ha, sản lượng thu hoạch 2,6 tạ/ha với 1.968 hộ trồng càphê. “Hầu hết bà con đều đăng ký tái canh vì càphê nơi đây hiện cằn quá rồi.

Rất nhiều chỗ càphê thuộc đồn điền từ thời Pháp. Tuy nhiên, cái khó là nhiều hộ nông dân vướng trong quyền sử dụng đất nên rất khó để có sổ đỏ thế chấp vay vốn,” ông Trung cho biết.

Hiện tái canh càphê là một trong những nhiệm vụ quan trọng của xã Phú Sơn, trong đó riêng 2 năm 2012 - 2013 xã đã tái canh được khoảng 230 ha. Dự kiến năm 2014 - 2015, diện tích tái canh càphê của xã sẽ tăng nhanh khi người trồng cà phê được tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Để minh chứng thêm cho hiệu quả của những hộ dân đã được rót vốn tái canh, các cán bộ của Agribank Lâm Đồng và cán bộ xã đã dẫn chúng tôi đi sâu vào một vùng đất vốn là đồn điền càphê khi trước. Xe dừng trước cửa căn nhà của gia đình ông Trần Văn Sương ở thôn Ngọc Sơn 1, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà.

Ông Sương tiếp chúng tôi bằng những bộ bàn ghế được chế tác từ những gốc càphê cổ thụ đã bị đốn bỏ do già cỗi, không còn khả năng khai thác. Bên cạnh đó, một số bộ bàn ghế khác đang được hoàn thiện, đánh bóng, chờ giao cho khách.

“Vừa rồi tôi quyết định vay của Agribank 120 triệu đồng, để mua 900 gốc càphê Rusbita và 900 cây càphê Katimo. Lãi vay 10,5% năm với thời gian vay 7 năm trả lãi hàng tháng, gốc chia ra trả. Nói chung, tôi tự tin với phương pháp giống kỹ thuật mới, nếu được đầu tư vườn càphê sẽ được trẻ hóa và hồi sinh năng suất cao,” ông Sương nói.

Với cách tính toán của một người trồng càphê có kinh nghiệm, ông Sương không tái canh vườn càphê đồng loạt mà làm theo cách “cuốn chiếu”.

Ông Sương chỉ cho chúng tôi khu vườn hơn 1 ha diện tích càphê mà ông đã trồng tái canh được gần 1 năm, xen lẫn là các loại cây đậu tương và cây ngô, cây bơ.

“Với cách làm này, gia đình tôi không bị hẫng hụt về kinh tế mà vẫn có nguồn thu quanh năm, vừa ổn định thu nhập gia đình, vừa có điều kiện để đầu tư tái canh toàn bộ diện tích càphê theo kế hoạch,” ông Sương cho biết.

Cũng khẩn trương như các hộ dân ở tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi có mặt tại vườn càphê gia đình ông Bùi Văn Tân, thuộc nông trường huyện ủy xã Ealai, huyện Madrak.

Vườn càphê của ông Tân hiện không còn nhiều, thay cho những gốc càphê già tuổi đời đã tới vài chục năm, ông Tân đang làm mới thay bằng những cây càphê mới được vài tháng tuổi và những cọc trồng tiêu đang xanh ngút ngàn.

“Càphê già cằn cho năng suất thấp quá, chỉ hơn tạ/ha nên tôi quyết định sẽ thay,” ông Tân nói và thừa nhận tại vùng đất này, cây tiêu có sức sống hợp đất hơn nên chỉ dùng một phần đất trồng lại càphê, còn lại là trồng tiêu.

Vẫn cần hơn sự thông thoáng từ chính sách

Ông Phạm Văn Cang, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Đăk Lăk cho biết, Ngân hàng cung ứng vốn theo nhu cầu của các doanh nghiệp, hộ nông dân, cá nhân, chủ trang trại trồng và chăm sóc càphê; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nông nghiệp như thu mua, chế biến, xuất khẩu, vật tư phục vụ cho sản xuất… với cơ chế lãi suất ưu đãi.

Theo ông Cang, thứ nhất, lãi suất cho vay ưu tiên và giảm từ 2-2,5% so với mức lãi suất cho vay thông thường. Thứ hai, căn cứ vào định mức đầu tư, định mức kinh tế kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp đã xây dựng, ngân hàng cho vay đến 70% nhu cầu vốn trong tổng mức đầu tư tái canh 1ha cà phê.

Có trường hợp đầu tư theo công nghệ cao, tưới tự động, giống và quy trình chăm sóc hiện đại, cây che bóng mát… được vay 80% nhu cầu vốn.

Còn ông Nguyễn Ngọc Sanh, Phó Giám đốc Agribank Lâm Đồng cũng cho biết: Xác định tín dụng càphê là chương trình trọng tâm 2013-2015, ngân hàng đã nỗ lực hết sức để chủ động cùng với chính quyền, nhân dân bắt tay vào thực hiện.

“Chúng tôi đã yêu cầu các chi nhánh khảo sát từ đó xây dựng bản đồ chi tiết tái canh càphê đến từng đơn vị hành chính, thôn bản. Trên cơ sở tổng hợp những vướng mắc, Agribank Lâm Đồng đã có văn bản gửi đến Hội sở chính đề xuất một số vấn đề như nguồn tái cấp vốn, áp dụng lãi suất ưu đãi cho các khoản vay,” ông Sanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một số hộ gia đình cũng kiến nghị, việc tái canh càphê cần rất nhiều vốn, mặc dù Ngân hàng đã tạo điều kiện hết sức cho các hộ dân nhưng một suất vay của gói tín dụng này chỉ ở mức 50 triệu đồng/ha, quá ít so với suất đầu tư thực tế.

Điều này cũng là trăn trở của lãnh đạo Agribank Lâm Đồng, ông Sanh cho biết, hiện diện tích càphê ở Lâm Đồng chủ yếu là đất lâm nghiệp nên chưa có sổ đỏ, chính vì vậy rất khó để cho vay vốn. Tuy nhiên, Ngân hàng đã mạnh dạn “vượt rào” cho các hộ dân vay bằng cách, ngoài đối tượng vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định 41, khách hàng vay vốn có tài sản hình thành từ vốn vay là vườn càphê.

Trường hợp đã dùng toàn bộ tài sản thế chấp cho ngân hàng nhưng vẫn không đủ, Agribank Lâm Đồng sẽ xem xét cho vay một phần không có tài sản bảo đảm. Thời gian giải quyết cho vay sẽ rút ngắn bằng một nửa so với quy định.

Theo ông Sanh, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của khách hàng thực hiện tái canh càphê, ngoài nguồn vốn tự huy động Agribank Lâm Đồng cần có sự hỗ trợ tái cấp vốn với lãi suất thấp từ Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay, mặc dù đã triển khai chương trình nhưng chi nhánh vẫn đang thực hiện tạm ứng từ nguồn vốn với lãi suất tương đối cao của mình.

Nhưng lãnh đạo Agribank Lâm Đồng và Đăk Lăk đều cam kết sẽ sẵn sàng dành nguồn vốn dài hạn để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho vay tái canh cây càphê, đảm bảo đáp ứng đủ cho tất cả doanh nghiệp, hộ nông dân và cá nhân vay vốn.

Minh Thúy
theo Vietnam+

Từ khóa: