Sự kiện hot
7 năm trước

Nguy cơ ngộ độc vì rượu ngâm

Hiện nay, nhiều người có quan niệm rượu sản xuất không đảm bảo, rượu pha cồn công nghiệp chứa methanol mới có thể bị ngộ độc. Song, theo các chuyên gia, rượu ngâm cũng có thể khiến người uống bị ngộ độc.

Thực trạng tạp nham rượu ngâm hiện nay đang tiềm ẩn không ít nguy hại, nhưng loại rượu này lại được ưu ái, tiêu thụ rất mạnh. Để kể hết tên các loại rượu ngâm, chắc con số phải lên tới hàng nghìn loại, vì thực tế, cứ thứ gì được cho là tốt, từ gốc rễ, cây cỏ, rắn, rết, bào thai động vật… không kể chủng loại nào, không cần biết tốt xấu ra sao, miễn “đặc sản”, thuốc quý… đều trở thành nguyên liệu ngâm rượu. Thế nhưng, dù số lượng nhiều, công dụng nhiều là thế, nhưng chất lượng loại rượu này ra sao, công thức chuẩn đến đâu thì không ai dám chắc chắn. Tất cả các loại rượu ngâm, đa phần được chế biến qua công thức truyền miệng, ngâm theo cảm tính.

Ngoài ra, việc ngâm rượu sai cách cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì thiếu kiến thức về việc ngâm rượu thuốc nên nhiều người nghĩ rằng ngâm càng nhiều loại chung với nhau càng phát huy tác dụng. Đây là điều hết sức sai lầm vì trong số những loại dùng ngâm rượu chung đó có thể có một số loại kỵ nhau nên khi ngâm chung thì chúng sẽ sản sinh ra độc tố, gây hại đến sức khỏe. Thậm chí, với những loại được kiểm chứng có lợi mà ngâm sai cách cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Chẳng hạn như khi ngâm tắc kè thì phải loại bỏ mắt, cơ quan chứa độc tố, nội tạng, sau đó làm sạch, nướng sơ qua rồi mới ngâm nhưng do không hiểu biết và không biết được sự nguy hiểm của tắc kè mà ngâm nguyên con là vô cùng nguy hiểm.

Mặt khác, do trong máu của động vật thường bị nhiễm ký sinh trùng như: trứng giun sán rồi trong quá trình lấy máu của chúng lại không đảm bảo vệ sinh nên có thể bị nhiễm vi khuẩn, ấu trùng; lại thêm việc ngâm rượu sai cách nên khi uống rượu thì ký sinh trùng sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Bên cạnh đó, hầu hết đều tự ngâm rượu để uống nhằm đảm bảo an toàn hơn và tốt cho sức khỏe hơn, nhưng đây là điều chưa hoàn toàn chính xác. Chẳng hạn như: nếu dùng các loại rễ cây, các loại thảo dược hay các loại động vật để ngâm rượu mà không rõ thành phần hay công dụng thì sẽ có nguy cơ gây độc cho cơ thể và nếu uống quá nhiều rượu ngâm thì chẳng những bị ngộ độc do các loại dùng để ngâm mà còn bị nghiện rượu và bị các tác hại tương tự rượu bia thông thường.

Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn vừa tiếp nhận 3 trường hợp bị ngộ độc do uống rượu ngâm với củ ấu tàu. Khi chuyển đến bệnh viện, cả 3 bệnh nhân đều trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt, da tái nhợt, tê lưỡi, nôn, hoa mắt chóng mặt, đồng tử giãn... do bị ngộ độc rượu ở dạng nguy hiểm. Còn tại Hà Nội thì Chi cục quản lý thị trường và lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ hơn 1.000 lít rượu gồm rượu ngâm ba kích, rượu ngâm chuối hột, và rượu ngâm táo mèo không rõ nguồn gốc, nhãn mác, đựng trong can hoá chất cáu bẩn tại địa chỉ số nhà 32, ngõ 129, phố Thiên Hiền để bỏ mối cho quán cơm. Điều đáng nói là cơ sở mua bán rượu này lại núp bóng dưới mác là cửa hàng thu mua đồng nát, cho thấy sự tinh vi của các chủ sản xuất rượu và sự khó kiểm soát việc mua bán rượu ngâm tràn lan trong các nhà hàng, quán nhậu, quầy hàng tạp hóa ven đường. Nếu như việc này không được phát hiện, không biết hậu quả gây ra sẽ như thế nào.

Theo Cục An toàn thực phẩm phân tích, các vụ ngộ độc rượu chủ yếu là do uống rượu quá nhiều, rượu ngâm với các loại động vật, rễ, củ, quả có độc tính cao… hoặc ngâm không theo định lượng nhất định. Do đó, người dân tuyệt đối không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ độc tính, mật cá... Thậm chí, nếu uống quá nhiều rượu cũng sẽ phải đối mặt với các nguy cơ ngộ độc; về lâu dài còn gây bệnh như tổn thương não, xơ gan, viêm loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ… Để uống rượu an toàn, mỗi người không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu mạnh và 700 ml/ngày đối với bia.

Đối với rượu ngâm an toàn cần tuân thủ 2 yếu tố, đó là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ và nguyên liệu ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại, có nguồn gốc, không chứa độc tố.  Rượu nấu phải có độ cồn cao khoảng 45-55 độ, nhất là khi ngâm động vật vì khi ngâm động vật với rượu có độ cồn thấp sẽ dễ bị ôi hư, phân hủy và sản sinh ra chất độc hại. Khi ngâm rượu thì phải đúng bài, đúng vị. Tuyệt đối không dựa vào tin đồn mà mua nguyên liệu lạ về ngâm và khi uống rượu thì phải đúng liều lượng vì nếu uống nhiều thì có thể có phản ứng của cơ thể, nhất là những người mắc bệnh dạ dày, gan. Tốt nhất chỉ nên dùng 1-2 ly nhỏ cách ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, nên kết hợp ăn uống đầy đủ dưỡng chất và có chế độ rèn luyện phù hợp để đảm bảo sức khỏe.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, khi có nhu cầu sử dụng các loại rượu ngâm dược liệu, nên tìm mua dược liệu ở các cơ sở Đông dược có tư cách pháp nhân và cần có sự tư vấn của thầy thuốc y học cổ truyền. Tuyệt đối không nên tự ý sưu tầm các loại rễ cây để ngâm rượu bởi dễ chọn nhầm loại cây có độc tính và không nên lạm dụng rượu, bởi vì khi cơ thể tiếp nhận một lượng lớn rượu, sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, kể cả việc sử dụng dụng rượu bổ.

Hồng Anh

Từ khóa: