Sự kiện hot
10 năm trước

Nhà đầu tư Hàn Quốc: Rầm rộ “công phá” thị trường Việt?

Ông Kim Ki Mun - Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ), cho biết: các doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất muốn mở rộng đầu tư sang Việt Nam. Tuy nhiên, để quá trình này diễn ra suôn sẻ, Chính phủ Việt Nam cần giải quyết nhanh chóng những tồn tại của môi trường kinh doanh, cho phép doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư nhiều và rộng hơn.

Thương vụ triệu đô

Vào tháng 4/2013, Lotte Hotels & Resorts (thuộc Tập đoàn Lotte) đã mua lại 70% vốn của khách sạn 5 sao Legend từ Tập đoàn Kotobuki (Nhật Bản) với giá trị 70 triệu won. Đây là sự hiện diện lần đầu tiên của Lotte Hotel & Resorts trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Nhìn vào chiến lược của tập đoàn này có thể thấy Việt Nam đang là một trong những thị trường trọng điểm của họ sau Trung Quốc. Theo đó, năm 2014, Lotte sẽ đưa khu phức hợp khách sạn 5 sao Vietnam Hanoi Lotte Centre vào vận hành, trong khi, năm 2015, công trình phức hợp khác ở Hàn Quốc là Lotte World Tower sẽ hoàn thành và đến năm 2017, khu phức hợp khách sạn 5 sao, mua sắm, cao ốc văn phòng, căn hộ trị giá hơn 400 triệu USD được khai thác ở Thẩm Dương, Trung Quốc.

Riêng ở mảng bán lẻ, Lotte đặt kế hoạch mở rộng đầu tư ra nước ngoài trong năm 2014, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia. Tất cả những khoản đầu tư của Lotte đều nằm trong lộ trình trở thành Top 10 doanh nghiệp hàng đầu châu Á đến năm 2018.

Cuối tháng 12/2013, Tập đoàn CJ của Hàn Quốc đã thực hiện thương vụ mua lại 85% cao ốc văn phòng hạng A Gemadept Tower của Công ty CP Đại lý liên hiệp vận chuyển (Gemadept). Tòa nhà này có giá thị trường vào khoảng 930 tỷ đồng. Việc bán lại Gemadept Tower đã được Gemadept lên kế hoạch từ lâu, nhưng đối tác mua lại tòa cao ốc văn phòng hạng A này vẫn luôn là một ẩn số và chỉ được tiết lộ vào ngày ngày cuối năm 2013.

Được biết, mục đích của CJ mua lại tòa nhà này một phần để làm "đại bản doanh" của Tập đoàn tại Việt Nam và phần còn lại để kinh doanh vì thực tế nguồn thu từ tòa nhà Gemadept Tower đang ổn định.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến hết tháng 8/2013. Hàn Quốc đã có 3.392 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 25,7 tỷ USD, đứng thứ 4 trong 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, theo Savills Việt Nam, giới đầu tư Hàn Quốc đang nhắm đến việc mua những tài sản có dòng tiền ổn định như tòa nhà văn phòng, căn hộ dịch vụ và khách sạn tại Việt Nam. Họ đánh giá cao thị trường bất động sản Việt Nam, song vẫn đang có những bước đi thận trọng.

Còn số liệu thống kê từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho biết, ở lĩnh vực bất động sản, cùng với Trung Quốc, Việt Nam và Campuchia là ba thị trường thu hút phần lớn vốn đầu tư từ Hàn Quốc. Trong đó, tính riêng thị trường bất động sản Việt Nam, từ năm 2000 đến quý III/2013, số vốn mà nhà đầu tư Hàn Quốc giải ngân đầu tư vào thị trường này là 2,4 tỷ USD.

Tiềm năng

Theo chia sẻ của TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư Công ty Savills Việt Nam, dù giới đầu tư bất động sản Việt Nam chưa thoát khỏi tình cảnh khốn khó nhưng các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn rất mặn mà với lĩnh vực này.

Cụ thể, vào tháng 11/2013, khi Savills Việt Nam và Savills Hàn Quốc tổ chức hội thảo "Tại sao phải đầu tư vào Việt Nam bây giờ?" ở Soeul, đã thu hút hơn 110 nhà đầu tư, tổ chức tài chính... tham gia.

Ông Cao Thanh Hoàng, Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý quỹ KHM Capital, đơn vị đang quản lý số vốn 20 triệu USD tại Việt Nam, cho rằng, nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn đánh giá cao thị trường BĐS Việt Nam, nhưng họ có những bước đi thận trọng hơn, nhất là với những nhà đầu tư mới.

Thêm vào đó, thay vì đầu tư trực tiếp vào thị trường Việt Nam như thời điểm 2006 - 2007, hiện, các nhà đầu tư Hàn Quốc thường chọn cách kết hợp với DN nội để "chia sẻ” những vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng.

Cũng theo tiết lộ của ông Hoàng, hiện một nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc đang xúc tiến các thủ tục pháp lý cho việc đầu tư khu phức hợp trị giá hàng tỷ USD ở Hà Nội.

Bên cạnh thị trường Hà Nội, nhà đầu tư Hàn Quốc được đánh giá là khá uyển chuyển khi chọn phân khúc để đầu tư và họ tập trung chủ yếu vào các thành phố lớn ở Việt Nam như: TP.HCM, Hải Phòng, Biên Hòa...

"Đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư Hàn Quốc, vốn đã hoạt động ở thị trường Việt Nam tái đầu tư, trong khi những nhà đầu tư mới của Hàn Quốc sẽ xem xét kỹ lưỡng khi quyết định vào Việt Nam", ông Sử Ngọc Khương nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Kim Ki Mun - Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ), cho biết: các doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất muốn mở rộng đầu tư sang Việt Nam. Tuy nhiên, “để quá trình này diễn ra suôn sẻ, Chính phủ Việt Nam cần giải quyết nhanh chóng những tồn tại của môi trường kinh doanh, cho phép doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư nhiều và rộng hơn”, ông Kim Ki Mun nói.

Bảo Trang

Từ khóa: