Sự kiện hot
10 năm trước

Nhà văn Pierre Lemaitre đoạt giải văn học Goncourt 2013

Giải thưởng cao quý nhất của làng văn học Pháp Goncourt 2013 đã thuộc về nhà văn Pierre Lemaitre, 62 tuổi, với tác phẩm “Au revoir là -haut" (Tạm biệt trên ấy nhé).

Giải thưởng cao quý nhất của làng văn học Pháp Goncourt 2013 đã thuộc về nhà văn Pierre Lemaitre, 62 tuổi, với tác phẩm “Au revoir là -haut" (Tạm biệt trên ấy nhé).


Nhà văn Pierre Lemaitre. (Nguồn: AFP)

Đối với tất cả những người cầm bút trên quê hương của Balzac, giải Goncourt là mơ ước và là niềm vinh hạnh lớn lao nhất bởi vì giải thưởng đó chỉ được trao tặng một lần duy nhất trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của một nhà văn.

Tiểu thuyết "Au revoir là-haut" của Lemaitre do nhà xuất bản Albin Michel phát hành, kể về hai người lính bị bỏ rơi trong Đại chiến Thế giới lần thứ nhất. Họ tiêu biểu cho cả một thế hệ bị mất phương hướng sau chiến tranh.

Trong chín tuần lễ qua, tác phẩm này là cuốn tiểu thuyết ăn khách nhất với hơn 100.000 ấn bản đã được bán.

Tác giả Pierre Lemaitre là nhà văn chuyên viết về thể loại trinh thám. Đây là lần đầu tiên ông xa rời lĩnh vực vốn là sở trường của mình.

"Au revoir là-haut" là cuốn tiểu thuyết duy nhất trong số 4 tác phẩm lọt vào chung kết để tranh giải Goncourt được đề cử để tranh luôn các giải thưởng nối tiếng khác của văn đàn Pháp là giải Renaudot, Femina và Interallié.

Khác với những giải thưởng văn học lớn khác của quốc tế, như giải Pulitzer của Mỹ, hay giải Cervantes của Tây Ban Nha, các thành viên ban giám khảo Goncourt được ngồi ở vị trí đó cho tới mãn đời. Điều đó lại càng là dấy lên nghi ngờ về tính trung thực của các lá phiếu khi biểu quyết chọn một tác phẩm xứng đáng để trao tặng giải thưởng.

Một yếu tố khác nữa là từ hơn 100 năm qua, trong số những người đoạt giải, tới nay chỉ mới có 9 nhà văn nữ chen chân được vào câu lạc bộ còn rất khép kín này.

Tất cả những yếu tố đó khiến năm 2008 ban giám khảo Goncourt đã đưa ra một vài thay đổi về thể thức hoạt động nhằm bảo đảm tính trung thực và sự độc lập của giải thưởng Goncourt, các thành viên ban giám khảo không được phép nhận thù lao từ bất kỳ một nhà xuất bản nào.

Kể từ năm 1926, một giải thưởng văn học lớn khác của Pháp là giải Renaudot đã được một nhóm 10 nhà phê bình văn học lập ra trong lúc họ chờ đợi quyết định cuối cùng của ban giám khảo giải Goncourt. Từ đó trở đi, hai giải thưởng này luôn được công bố cùng một ngày và từ cùng một địa điểm là nhà hàng Drouant.

Giải thưởng Renaudot năm nay được trao tặng cho nhà văn trẻ, cũng là một người đam mê với nghệ thuật điện ảnh, Yann Moix. Anh được vinh danh nhờ tác phẩm "Naissance" (Chào đời), một cuốn tiểu thuyết đồ sộ gồm 1.200 trang do nhà xuất bản Grasset ấn hành.

theo TTXVN

Từ khóa: