Sự kiện hot
11 năm trước

Nhìn chân đoán bệnh

Đôi chân là bộ phận chịu trách nhiệm nặng nề nhất khi “cáng đáng” toàn bộ trọng lượng của cơ thể một con người. Tuy nhiên, chân thường không nhận được quan tâm của chủ nhân nhiều như da và tóc.

Đôi chân là bộ phận chịu trách nhiệm nặng nề nhất khi “cáng đáng” toàn bộ trọng lượng của cơ thể một con người. Tuy nhiên, chân thường không nhận được quan tâm của chủ nhân nhiều như da và tóc.

Ảnh: Shutterstock

Móng chân trũng xuống. Nếu móng chân có dấu hiệu bị lõm như hình chiếc muỗng, bạn có thể đang thiếu máu do thiếu sắt. Nguyên nhân là do các tế bào máu không có đủ hemoglobin, một loại protein giàu sắt trong huyết cầu có chức năng vận chuyển ô xy. Tình trạng xuất huyết nội (viêm loét bên trong cơ thể) hoặc mất nhiều máu trong chu kỳ kinh nguyệt cũng gây thiếu máu.

Bàn chân hay ngón chân không lông. Đó là hậu quả của tình trạng máu lưu thông kém, thường do bệnh tim mạch gây ra. Khi tim giảm khả năng bơm máu đến các chi do chứng xơ vữa động mạch, cơ thể phải ưu tiên sử dụng nguồn máu nên lông ở bàn chân bị mất nguồn sống.

Thường xuyên bị chuột rút. Tình trạng này thỉnh thoảng xảy ra do cơ bị co rút mạnh trong lúc tập thể dục hay cơ thể bị mất nước. Nhưng nếu nó xuất hiện thường xuyên, có thể chế độ ăn của bạn đang thiếu những khoáng chất như calcium, kali hoặc magnesium.

Vết thương lâu lành. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Mức đường huyết cao dẫn đến tổn thương dây thần kinh ở bàn chân khiến các vết xước, vết đứt nhỏ khó liền miệng, nhất là ở người không biết mình có bệnh. Nếu không được điều trị, các vết loét có thể bị nhiễm trùng, thậm chí dẫn đến việc cắt chi.

Lạnh chân. Thường xảy ra ở phụ nữ, đặc biệt là những người trên 40 tuổi. Đây có thể là biểu hiện của bệnh về tuyến giáp, bộ phận có chức năng điều hòa thân nhiệt và sự trao đổi chất. Sự tuần hoàn máu kém là một nguyên nhân khác gây lạnh chân.

Móng chân dày, ố vàng và xấu xí. Đó có thể là dấu hiệu bị nhiễm nấm ở móng chân. Nấm móng có thể tồn tại mà không gây đau đớn trong thời gian dài, đến khi có biểu hiện rõ ràng thì bệnh đã lan rộng ở cả chân và tay. Dễ bị nhất là những người mắc bệnh tiểu đường, có vấn đề tuần hoàn máu hoặc suy giảm miễn dịch (như viêm khớp dạng thấp).

Ngón cái đột nhiên to. Có thể bạn đã mắc bệnh gout. Đây là dạng viêm khớp do tình trạng có quá nhiều axít uric trong cơ thể. Axít uric tạo thành những cấu trúc gai góc và thường khu trú ở những bộ phận có nhiệt độ thấp nhất trong cơ thể, từ ngón chân cái đến mu bàn chân, gân gót chân, đầu gối và khuỷu tay, với biểu hiện sưng tấy và nóng rát. Bất kỳ ai cũng có thể bị gout, đặc biệt là đàn ông trung niên và phụ nữ mãn kinh.

Tê cả hai chân. Mất cảm giác, hay thấy như bị châm chích nơi bàn chân, là cách cơ thể báo cho bạn biết về triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại vi hay hệ thần kinh ngoại vi đã bị tổn thương. Có nhiều nguyên nhân, nhưng bệnh tiểu đường, lạm dụng rượu hoặc liệu pháp xạ trị (chữa bệnh ung thư) là những thủ phạm gây bệnh này.

Đau khớp ngón chân. Nếu đang phải chịu đựng những cơn đau xuất hiện đột ngột kèm theo triệu chứng sưng và cứng khớp cùng lúc ở 2 ngón chân cái hoặc 2 ngón tay trỏ, bạn nên nghĩ đến bệnh viêm khớp dạng thấp (RA). Đây là một dạng thoái hóa khớp, với những biểu hiện đầu tiên thường xuất hiện trên các khớp nhỏ như ở ngón chân và ngón tay. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần so với nam giới.

Quyên Quân
Theo Thanhnien

Từ khóa: