Sự kiện hot
10 năm trước

Nhìn lại văn hóa vỉa hè của người Hà Nội

Ở Hà Nội có một nét văn hóa mà người ta vẫn gọi bằng một cái tên dân giã “văn hóa vỉa hè”. Chỉ cái tên thôi cũng đủ để nói rõ địa điểm diễn ra những sự kiện của nét văn hóa này.


Quán vỉa hè một phần của văn hóa Hà Nội.

Hàng rong đã có từ rất lâu, là một phần không thể thiếu của cuộc sống của người Việt Nam ta từ thời xa xưa. Về nguồn gốc, gánh hàng rong xuất phát từ những buổi họp chợ, nơi người ta thường mang vác, gánh thồ hàng hóa của mình để mua bán, trao đổi với khách hàng. Dần dần, nhằm tăng doanh thu, người ta đem gánh hàng của mình đến từng làng, con hẻm, khu dân cư, những nơi tập trung đông người để buôn bán.

Hàng rong đáp ứng nhu cầu rẻ, tiện lợi bởi chủ nhân của những gánh hàng rong đa số là người dân nghèo, vất vả lao động để kiếm sống. Họ gánh gồng những món hàng khắp các nẻo đường trên đôi vai chai hằn nhỏ bé để chào mời khách vãng lai. Ngày nắng thì cực nhọc, ngày mưa trong lòng họ nơm nớp nỗi lo ế hàng.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhu cầu con người chúng ta ngày càng tăng cao. Hàng rong vẫn duy trì cách bán buôn theo kiểu truyền thống, gây ra những bức xúc nhất định. Ai cũng biết vỉa hè nơi mưu sinh của không biết bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình, đặc biệt là ở khu phố cổ dường như người ta chẳng cần phải làm gì nhiều chỉ cần một bình trà, vài cái cốc, mấy chiếc ghế là có thể dựng ngay một “sạp” buôn bán trên vỉa hè. Không thể phủ định những quán cóc đó chính là một nét đặc trưng rất riêng của Hà Nội, nhưng cũng chính nét đặc trưng này lại đang mang đến nhiều hệ lụy hơn cho cuộc sống của cư dân Hà Nội, nhất là giao thông đường bộ.


Trà chanh vỉa hè góp phần chiếm lĩnh nhiều vỉa hè đường phố.

Về pháp luật, lòng lề đường, vỉa hè được sử dụng cho mục đích giao thông, không một cá nhân, tổ chức nào được tự ý lấn chiếm để sử dụng cho mục đích cá nhân. Điều này đã được ghi rõ trong Điều 35, khoản 2, điểm a Luật Giao thông Đường bộ năm 2008.

"Không được thực hiện các hành vi sau đây: Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ". Phương tiện, tang vật của người bán hàng rong là chiếc xe đẩy tay, từ cái xô, cái nồi, bàn, ghế cho đến những thứ nhỏ nhất có thể là gói bánh, trái cây... đều có thể bị tạm giữ hoặc tịch thu theo Điều 26, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã ghi rõ.

Cuộc sống với những mảng tối, mảng sáng, còn con người luôn hướng tới cái thiện, cái đẹp, nên thậm chí đã phớt lờ mảng tối để nhìn nơi có ánh sáng. Thế nhưng, mảng tối vẫn tồn tại khách quan và không bao giờ biến mất theo lối tư duy “không biết không có tội”. Chính những gánh hàng rong là nhân tố tạo điều kiện cho việc cạnh tranh không công bằng về giá cả thực phẩm, chế biến đối với các quán ăn, nhà hàng.

Nếu như các quán ăn, nhà hàng đều phải đóng thuế kinh doanh, chi phí mặt bằng, đào tạo an toàn vệ sinh thực phẩm, dụng cụ chế biến phải được rửa sạch sẽ, khô ráo và được kiểm tra thường xuyên. Trong khi đó, những gánh hàng trên vỉa hè thì không phải chịu những chi phí trên. Vì giá cả phải chăng nên những hàng quán vỉa hè vẫn luôn là lựa chọn của nhiều người. Đặc biệt là trong những ngày hè oi ả, những quán trà chanh, quán nước, quán chè… bày la liệt trên hè phố, còn chưa kể đến việc dịch vụ trông xe tràn lan tại các tuyến phố chiếm không ít không gian của người đi bộ. Làm những người đi bộ phải đi xuống lòng đường, gây ra nhiều bất cập và tác động không nhỏ trong việc làm tăng số vụ tai nạn giao thông.

Mặc dù Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ban hành chỉ thị về thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”. Thành phố sẽ kiên quyết dẹp bỏ họp chợ, kinh doanh buôn bán, để vật liệu xây dựng, rửa xe, trông xe, gửi ô tô, xe máy trên hè đường không đúng quy định…


La liệt xe cộ để trên vỉa hè cản trở sự đi lại của người đi bộ.

Vấn đề gửi xe tại khu phố cổ từ lâu là một trở ngại khiến cho nhiều người dân rất ngại đến đây. Việc mở thêm các tuyến phố đi bộ lại càng là áp lực với chính quyền địa phương và đặc biệt khách tham quan. Và tuy là phố đi bộ nhưng vẫn có tình trạng xe máy, xe đạp điện chạy trên đường, gây nguy hiểm cho du khách. Dù biển báo ghi rất rõ “Đường cấm các loại phương tiện cơ giới và thô sơ từ 19-24 giờ”, rào chắn cũng được dựng lên, lực lượng dân phòng cắm chặn các chốt dẫn vào tuyến phố đi bộ... nhưng trên tuyến phố như Hàng Buồm, Hàng Giấy, xe máy vẫn vô tư lượn quanh phố, hòa lẫn dòng người đi bộ dưới lòng đường.

Vỉa hè được sinh ra là dành cho người đi bộ, nhưng thực tế trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, vỉa hè không thể làm nhiệm vụ này. Tình trạng tận dụng triệt để vỉa hè để mưu sinh đang tạo nên bức tranh hỗn độn về giao thông đô thị, được ví như một căn bệnh nan y chưa tìm được thuốc chữa!

Đã đến lúc chính quyền thành phố cần phải đưa ra quy định thống nhất trong công tác quản lý, cấp phép sử dụng vỉa hè. Bên cạnh đó, theo lộ trình phát triển giao thông tĩnh, vỉa hè phải được trả lại cho người đi bộ khi giao thông tĩnh đáp ứng đủ nhu cầu của Thủ đô.

Để hoàn thành “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”, thành phố Hà Nội đang xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử người Hà Nội, trong đó việc vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa, không vứt rác ra đường, không lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán… Theo đó, vỉa hè phải được thực hiện đúng chức năng: Dành cho người đi bộ.

Minh Hằng
theo Xây dựng

Từ khóa: