Sự kiện hot
10 năm trước

Như Xuân, Thanh Hóa: Trường học làm nhà kho

Tại huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa), hàng chục điểm trường được xây dựng lên nhưng chỉ học được vài năm rồi bỏ không. Điều này không chỉ gây lãng phí rất lớn mà lộ rõ cái nhìn ngắn, bất hợp lý trong quy hoạch, bố trí, sử dụng các nguồn lực.


Trường học làng Lườn, xã Bình Lương bỏ không. Ảnh: Tg

Nhiều điểm trường bỏ hoang

Theo khảo sát của PV, huyện Như Xuân có 18 xã, thị trấn, 183 thôn bản, trung bình mỗi địa phương có từ 3-5 điểm trường được xây dựng nhưng nay bỏ hoang. Các trường học này được đầu tư bằng nguồn vốn thuộc chương trình 135, dự án hỗ trợ xây trường mầm non của Canada... với mức đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cách trung tâm huyện không xa, tại xã Bình Lương (huyện Như Xuân) có tới 3 cơ sở trường học được xây dựng nhưng học sinh chỉ học được vài năm đã bỏ không. Cụ thể, tại làng Lườn có một điểm trường mầm non và một điểm trường tiểu học gồm 3 phòng; tại làng Gió có một điểm trường tiểu học với 3 phòng học. Ngôi trường mầm non tại làng Lườn được dự án của Canada hỗ trợ 45 triệu đồng, còn lại là do nhân dân đóng góp. Còn riêng hai điểm  trường tiểu học thì được đầu tư với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng/điểm trường. Tất cả các cơ sở trường học này đều được đưa vào sử dụng từ năm 2004 - 2005, tuy nhiên không bao lâu sau đó, các điểm trường này không còn học sinh nên đã để không. Hiện nay, các điểm  trường này đã phải bàn giao lại cho xã quản lý, sử dụng. Điểm trường mầm non ở làng Lườn đã được thôn sử dụng làm nhà văn hóa, điểm trường tiểu học thì được xã cho các công chức nhà xa ở tạm, còn điểm  trường học ở làng Gió thì được làm nhà kho.

Tại xã Tân Bình có 2 điểm trường ở 2 thôn Tân Lập và Sơn Thủy cũng phải bỏ hoang. Theo ghi nhận của PV thì hiện những ngôi trường trên vào loại kiên cố và khang trang, đầy đủ bàn ghế nhưng bị bỏ không nhiều năm nay. Một số phòng học được xếp chồng chất bàn ghế lại để dùng không gian làm nhà kho chứa đồ, nhà để xe tang... Nếu tính trên địa bàn toàn huyện Như Xuân phải có tới vài chục điểm trường bỏ không, gây lãng phí rất lớn.

Địa phương chưa biết sử dụng vào việc gì

Ông Đinh Tấn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Bình Lương phân trần: “Khi triển khai dự án, số lượng học sinh rất lớn, cộng với đường đi lại vô cùng khó khăn, các điểm trường lẻ được xây dựng là hợp lý. Thực tế hiện nay đã bị bỏ hoang, huyện đã giao cho xã quản lý và trông coi...”.

Ông Nguyễn Tiến Nam, Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết thêm: “Thực tế là có một số điểm trường học tại khu lẻ đang bị bỏ không. Trước đây khảo sát thấy có nhu cầu nên được đầu tư nhưng vài năm sau thì không có học sinh hoặc do đường giao thông thuận lợi nên tập trung về trung tâm. Sau khi không có học sinh học, huyện đã giao cho xã quản lý và trông coi. Địa phương cũng không biết sử dụng vào việc gì”.

Trao đổi với PV, ông Lê Nhân Trí, Phó phòng GD-ĐT huyện Như Xuân cho hay: “Do quy mô học sinh ngày càng nhỏ lại nên các điểm trường không có học sinh nữa. Trước đây đường sá đi lại khó khăn nên các thôn, bản phải xây dựng các điểm trường nhằm phục vụ cho việc phổ cập giáo dục. Các điểm trường tranh tre nứa lá được thay dần bằng bê tông, cốt thép. Đến nay do số lượng học sinh trên toàn huyện giảm, cùng với đó là đường giao thông thuận lợi nên các gia đình đã đưa con em tới trung tâm xã để học. Các điểm trường xây theo dự án xong chỉ học được vài năm rồi bỏ vì không có đủ học sinh nên chúng tôi cho dồn lại. Ngay sau khi không có học sinh đến học, huyện đã bàn giao lại cho xã trông coi, quản lý cho đến khi nào số học sinh tăng lên mà cần đến lớp học thì sẽ tiếp tục lấy lại để làm trường học. Trên địa bàn Như Xuân có 18 xã, thị trấn thì có 94 điểm trường lẻ. Không chỉ ở xã Bình Lương, Tân Bình mà các địa phương khác cũng xảy ra trường hợp tương tự. Đến nay Phòng GD-ĐT huyện cũng chưa thống kê được cụ thể số lượng là bao nhiêu”.

Như Xuân là 1 trong 61 huyện nghèo nhất cả nước. Việc quy hoạch ngắn, chạy theo dự án, cũng như đầu tư xây dựng bất hợp lý tại huyện đã không phát huy được công dụng của các công trình tiền tỷ. Đó là một nghịch lý xót xa bởi việc quy hoạch, khảo sát chỉ mang tính “thời vụ”. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, rất nhiều nơi tại Thanh Hóa học sinh đang phải học nhờ tại các nhà văn hóa của thôn, xã. Đại diện Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi đang cho người đi kiểm tra và rà soát lại toàn bộ các điểm trường bỏ hoang tại Thanh Hóa để có hướng giải quyết hợp lý”.

Ngọc Hưng - T.Phương
theo GĐ&XH

Từ khóa: