Sự kiện hot
11 năm trước

Nỗi đau sau chiến tranh

Gần 40 năm đã trôi qua, căn nhà nhỏ ấy chưa bao giờ có được bữa cơm ngon trọn vẹn và không phải lo toan. Chiến tranh đã lùi xa từ lâu nhưng nỗi đau vẫn còn đó...

Gần 40 năm đã trôi qua, căn nhà nhỏ ấy chưa bao giờ có được bữa cơm ngon trọn vẹn và không phải lo toan. Chiến tranh đã lùi xa từ lâu nhưng nỗi đau vẫn còn đó...

Có thể, khi kể lại câu chuyện này, tôi chưa nói hết được nỗi đau sau cuộc chiến mà người lính ấy đã trải qua. Đọng mãi trong tôi là hình ảnh người đàn ông ngồi lặng như một pho tượng, vệt cười vừa thoáng trên môi rồi vụt tắt nhường chỗ cho nỗi đau đã thấm sâu vào cơ thể của ông, cướp đi hạnh phúc, niềm khát khao... không nói được bằng lời.


Con và những đứa cháu của ông Khoảnh. Ảnh: HH

Ký ức về những cánh rừng chết

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Mai Đức Khoảnh (SN 1944) ở xóm Lâm Phú, xã Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh khi chiều miền Trung đã trải dài hết nắng. Căn nhà nhỏ xập xệ, chẳng có vật dụng gì đáng giá nằm nép mình cạnh bờ biển, khuất sau hàng phi lao gió ràn rạt thổi. Ông Khoảnh ngỡ ngàng, luýnh quýnh dẫn khách vào nhà. Đó là người đàn ông có gương mặt khắc khổ, da đen sạm. Chất độc da cam đã làm ông kiệt sức khi nó kéo dài nỗi đau đến cả thế hệ con, cháu của ông. Rót bát nước chè xanh mời khách, ông Khoảnh kể một cách rành rọt về những năm tháng tuổi trẻ ở chiến trường và hoàn cảnh gia đình hiện tại…

Năm 18 tuổi, Mai Đức Khoảnh xung phong vào bộ đội, lên đường đánh Mỹ cứu nước. Ông chiến đấu ở giới tuyến Cửa Tùng, Quảng Trị, 4 năm sau thì chuyển sang Binh trạm 7 ở phía bắc Trường Sơn, thuộc Tiểu đội 6, Trung đoàn 559. Đó là những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, sôi sục căm thù giặc xâm lược và khát khao cống hiến. Với bản tính thật thà, chất phác, chịu khó chịu khổ của người con làng biển Nghệ Tĩnh, ông không ngại bất cứ nhiệm vụ nào, dù có nguy hiểm đến đâu. Ông Mai Đức Khoảnh kể lại: “Có đợt chúng tôi trực tiếp chiến đấu, đồng thời có nhiệm vụ dẫn đoàn quân tiến vào trận. Trèo đèo, lội suối qua khe vất vả lắm. Nhưng tôi là dân biển, quen rồi, cứ đi băng băng. Mấy anh em không biết bơi, thấy nước chảy siết không dám lội qua, tôi bảo: “Bọn bay trèo lên ngồi im trên lưng tau, rồi tau cõng qua được hết”, cứ như vậy hết đứa này đến đứa khác”. 


Chưa bao giờ vợ ông Khoảnh hết lo toan cho cuộc sống thường ngày. Ảnh: HH

Nhưng ám ảnh nhất đối với ông Khoảnh, cho đến tận bây giờ, chính là hình ảnh những cánh rừng cháy đỏ, trụi lá, những con suối nước đóng váng sau khi máy bay dùng những chiếc thùng phuy chứa thứ chất màu trắng phun xuống như sương mù mịt, nước mắt nước mũi cay xè, chóng mặt, không thở được, đêm nằm phải lấy khăn ướt đắp lên.

“Hồi đó, chúng tôi đã có khái niệm chất độc gì đâu. Bây giờ biết mới thấy kinh sợ”, ông Khoảnh rùng mình nhớ lại. Sau nhiều lần hành quân qua những cánh rừng nhiễm chất độc, ông Khoảnh vốn khoẻ mạnh nhưng rồi có những lần đã bị chảy máu mũi. Lúc đó ông cũng như đồng đội không ai mảy may nghĩ ngợi điều gì, thậm chí giữa những gì khốc liệt nhất, bản lĩnh và ý chí người lính càng được tôi luyện dạn dày.

Đeo đẳng nỗi buồn

Năm 1973, trong một lần về phép, Mai Đức Khoảnh quyết định cưới vợ - người  con gái đã chung thủy đợi chờ ông suốt 6 năm ở quê nhà. Rồi ông lại vội vàng ra trận. Đất nước thống nhất, trong đoàn quân trở về có một người đàn ông người gầy gò, mặc bộ đồng phục đã úa màu. Người vợ trẻ cùng đứa con trai bé bỏng đón ông bằng tình thương yêu vô bờ. Những tưởng trong căn nhà bé bỏng từ đây cuộc sống sẽ hạnh phúc, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng  nào ngờ... Sau bao nhiêu trông chờ, đứa con gái thứ 2 (SN 1978), rồi thứ 3 (SN 1980) lần lượt ra đời cũng là lúc lòng vợ chồng ông thắt lại khi nhìn con đứa thì dị tật ở mắt, miệng, đứa bị tâm thần, lúc khôn, lúc dại. Hai lần chết lặng, vợ ông trở nên yếu hẳn, đôi vai gầy như trĩu nặng.


Điều ám ảnh nhất với ông Khoảnh, là những cánh rừng cháy trụi...

Mai Thị Sâm - con gái thứ 2 của ông Khoảnh, ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, bị thần kinh lúc bình thường, lúc ngây dại. Lớn lên lấy chồng thì người chồng cũng tâm thần, thỉnh thoảng lên cơn, hai vợ chồng lại rượt nhau chạy khắp làng trên xóm dưới. Bất hạnh là thế nhưng chẳng hiểu sao, vợ chồng Sâm lại sòn sòn đẻ tới 5 đứa con khiến cuộc cuộc sống vốn đã nghèo càng trở nên khốn khó hơn. Nhìn những đứa trẻ nhem nhuốc vô tư cười nói, chẳng hay biết gì đến gia cảnh nhà mình, mới thấy cám cảnh và xót xa… Cô con gái thứ 3, Mai Thị Huệ, bị méo mồm đi làm thuê tận trong Bình Phước. Chỉ có Mai Văn Quế là lành lặn, nhưng sức khoẻ lại yếu, lớn lên theo nghề biển, đi lưới, nhưng làm chẳng đủ ăn nên cũng vào Nam làm thuê kiếm sống.

Căn nhà nhỏ chất đầy những cơn đau, những tiếng thở dài của ông và tiếng nấc của bà trong đêm tối. Trong tiếng ho xé ruột, ông Khoảnh trở mình ngồi dậy rồi lặng lẽ đi ra biển. Ông Khoảnh làm nghề vá lưới thuê, gỡ cá thuê cho các chủ thuyền, rồi xin lại những mớ cá nhỏ, rơi sót lại trên biển về làm thức ăn.

Gần 40 năm đã trôi qua, căn nhà nhỏ ấy chưa bao giờ có được bữa cơm ngon trọn vẹn và không phải lo toan. Chiến tranh đã lùi xa từ lâu nhưng nỗi đau vẫn còn đó...

Hồ Hà
theo GĐ&XH

Từ khóa: