Sự kiện hot
10 năm trước

Nỗi lo an toàn hồ đập mùa mưa lũ

Thực tế hiện nay trong cả nước có hơn 6.640 hồ đập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Tính từ năm 2012 đến nay đã có gần 10 hồ đập bị vỡ và hàng ngàn hồ đập khác đang tiềm ẩn những nguy cơ sự cố. Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn hồ đập hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Nguy hiểm luôn rình rập

Không như các công trình xây dựng khác, hồ đập chứa nước khi xảy ra sự cố bị vỡ thì ngoài thiệt hại cho bản thân công trình, còn gây những thiệt hại, tổn thất nặng nề về sinh mạng, tài sản, kết cấu hạ tầng ở khu vực hạ lưu đập, nhất là khi trong vùng có những cơ sở dân sinh quan trọng. Các hồ chứa nước hiện nay, ngoài những lợi ích mang lại cho xã hội thì còn được xem là những túi “bom nước” khổng lồ không biết bị vỡ lúc nào.

Theo thống kê của Chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2012, cả nước có trên 6 ngàn hồ chứa, trong đó, có gần 100 hồ chứa lớn có dung tích trên 10 triệu m3, hơn 567 hồ có dung tích từ 1-10 triệu m3, còn lại là các hồ nhỏ. Tổng dung tích trữ nước của các hồ là 35,8 tỷ m3, trong đó có 26 hồ chứa thủy điện lớn có dung tích là 27 tỷ m3, còn lại là các hồ có nhiệm vụ tưới là chính, với tổng dung tích là 8,8 tỷ m3.

Trong khi đó, số hồ chứa ở miền Trung chiếm 53 % số hồ của cả nước, phần lớn các hồ chứa dung tích phòng lũ rất hạn chế. Một số lưu vực các hồ tạo thành hệ thống bậc thang nối với các hồ nhỏ trên các suối thượng nguồn, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập rất cao. Những sai lầm về vận hành cũng là mối đe dọa ngập lụt đối với hạ du của một khu vực nhiều mưa lũ.

GS.TSKH Pham Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết: Các đập được xây dựng phần lớn cao không quá 60m, đều là đập đất, lấy đất tại chỗ đắp đập. Những đập này được xây dựng từ nhiều nguồn, nhằm mục tiêu khác nhau như các đập tạo hồ chứa cung cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Các công trình này thường do ngân sách nhà nước, Trung ương và địa phương đầu tư, hoặc do nông trường, nhân dân tự làm từ giữa thế kỷ trước, nhất là từ sau năm 1975. Hàng loạt đập khác thuộc loại này đang cần được sửa chữa gấp. Cùng với đó là những đập thủy điện vừa và nhỏ, do các doanh nghiệp đầu tư ồ ạt trong vài năm gần đây. Những yếu kém về kỹ thuật và thiếu trách nhiệm trong thiết kế, thi công đã dẫn đến không ít sự cố, làm thiệt hại cho nhân dân.

Hiện nay, dưới hạ lưu của những hồ đập phát triển về kinh tế, xã hội, dân số tập trung đông. Tuy nhiên, người dân sống ở những khu vực gần các hồ chứa luôn sống trong phập phồng khi mùa mưa lũ đến gần. Mới đây nhất là sự cố vỡ đập thuỷ điện Ia Krêl 2. Đập thủy điện Ia Krêl 2 có đê quây cao 25m, rộng hơn 10m, dài khoảng 200m, được đắp hoàn toàn bằng đất.


Chỉ trong vòng vài phút, nước từ đập Ia Krêl 2 đã cuốn phăng các rẫy cao su, cà phê, hoa màu của người dân địa phương.

Mức độ an toàn đập hiện nay dường như đang được khoán cho các chủ đập, khi có sự cố xảy ra thì không chỉ thiệt hại cho chủ đập mà còn thiệt hại cho cả người dân.

Công tác quản lý chưa chặt

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương là hai Bộ được giao quản lý an toàn cho 2 loại đập, đó là đập đa mục tiêu, trong đó chủ yếu phục vụ tưới, cấp nước và đập thủy điện. Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn đập vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài Nghị định số 72/NĐ-CP ngày 7/5/2007 về Quản lý an toàn đập và các thông tư hướng dẫn Quy định tạm thời về yêu cầu năng lực kỹ thuật của đơn vị quản lý đập thì chưa có bộ máy quản lý chuyên môn nào về vấn đề này.

Một số chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này cho rằng, hiện nay công tác quản lý đã phân cấp mang tính chiều ngang nhưng chưa có sự phối hợp theo chiều dọc. Ai cũng nhận thức tầm quan trọng của an toàn đập nhưng lại ít để ý đến việc quản lý như thế nào. Khi mùa mưa lũ đến, nguy cơ lớn mất an toàn đập xuất hiện, bộc lộ những bất cập trong quản lý về quy hoạch, thể chế, bộ máy, kỹ thuật… thì việc xử lý rất bị động trước việc đã rồi.

Theo GS.TS Phạm Ngọc Quý, Trường Đại học Thủy lợi: Hồ chứa nước là công trình quan trọng để khai thác sử dụng. An toàn hồ đập hiện nay đã được quan tâm. Nhưng thực tế là hàng ngàn hồ đập tại Việt Nam chưa có một mô hình tổ chức để quản lý an toàn đập cho phù hợp với thực tế. Chính vì thế mà trong thời gian qua đã có một số hồ đập bị vỡ, gây thiệt hại cho xã hội và người dân.

Những hạn chế trong quản lý an toàn đập do nhiều nguyên nhân. Giữa các Bộ quản lý đa ngành chưa quan tâm đầy đủ đến quản lý an toàn đập. Để công tác quản lý an toàn đập đạt kết quả tốt hơn, cần có sự phối hợp theo chiều dọc của cơ quan có trách nhiệm.

Hiện nay có khoảng 1.200 hồ chứa xây dựng bằng đập đất, đã đến thời kỳ xuống cấp cần phải được tu bổ, nâng cấp sửa chữa. Những công trình này tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, và đang có nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Nếu các cơ quan chức năng không có giải pháp hữu hiệu thì đây có thể sẽ là nguồn của những thảm họa trong tương lai.

Nguyễn Nam
theo Xây dựng

Từ khóa: