Sự kiện hot
7 năm trước

Nơi người dân bị dồn đến đường cùng, ngành chức năng Phú Thọ vẫn thờ ơ

Mặc dù các cơ quan Trung ương đang chỉ đạo quyết liệt vấn nạn khai thác cát sỏi gây bức xúc trong nhân dân, nhưng tại Phú Thọ, hàng loạt các địa phương đang ngày đêm chống chọi với thực trạng mất đất sản xuất, mất an ninh trật tự xã hội…

Điều đáng nói là chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương này lại còn thờ ơ.

Nạn khai thác cát sỏi trên sông Lô đang ngày đêm nuốt đất sản xuất của người dân

Những người nông dân ở xã Tử Đà (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) tiếp tục cầu cứu tới Báo Nông nghiệp Việt Nam khi hàng ngàn m2 đất nông nghiệp, hoa màu của họ cuốn xuống sông do vấn nạn khai thác cát.

Những lá đơn, những cuộc điện thoại qua đường dây nóng của Báo NNVN, nông dân mất đất vừa bức xúc vừa khẩn thiết: Cứ đà này đất đai đổ xuống sông hết, chúng tôi không thể chịu đựng được nữa rồi.

Tự bao đời, Tử Đà là xã thuần nông với những bãi bồi uốn lượn, trải dài dọc theo bờ tả sông Lô. Nhưng nhiều năm trở lại đây, những người nông dân chất phác xứ này ngày ngày đau đớn nhìn dòng sông nuốt dần đất sản xuất nông nghiệp – thứ được ví như nồi cơm của họ. Đây chính là hậu quả của việc UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn - thành viên của Tổng Công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng khai thác cát sỏi từ nhiều năm nay.

Chưa có con số thống kê chính xác nhất về diện tích đất nông nghiệp của người dân Tử Đà đã bị làm mồi cho hà bá, nhưng nhìn những vở sông bị khoét hàm ếch cao 5-7m có thể thấy rằng, hiện trạng sạt lở rất đáng báo động.

Người dân khu 8, 9 xã Tử Đà cho biết, đã nhiều lần người dân tập trung đông người ra sông đuổi tàu nhưng không được, tàu khai thác cát của doanh nghiệp Thái Sơn ngày càng khai thác lấn sâu vào đất canh tác của người dân. “Chúng tôi kiến nghị lên xã, lên huyện, lê tỉnh, lên Trung ương nhiều lần rồi nhưng không có kết quả”.

Báo cáo của UBND xã Tử Đà cho biết, xã đã nhận được trình báo của nhân dân về việc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn khai thác cát sỏi làm sạt lở đất sản xuất của người dân khu 8, 9. Xã đã lập đoàn kiểm tra phát hiện 3 tàu phao có gắn phễu sàng cát tại khu vực soi Âm Sa làm 2 vị trí bị sạt lở đất nông nghiệp xuống sông Lô.

Vị trí 1 đất sản xuất nông nghiệp thuộc diện tích đất khu 8 bị sạt lở xuống sông với chiều dài 128 mét, chiều rộng từ 3 mét làm mất trên 384m2 đất nông nghiệp đang trồng hoa màu của người dân. Vị trí 2 thuộc đất sản xuất nông nghiệp tại khu 9 bị sạt xuống sông với chiều dài 10 mét, chiều rộng bình quân 5,5 mét làm mất 55m2 đất nông nghiệp.

Xã Tử Đà đã yêu cầu Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn bồi thường thỏa đáng phần diện tích đất nông nghiệp của các hộ bị sạt lở do hành vi khai thác cát sỏi gây ra; yêu cầu công ty có trách nhiệm cắm mốc giới, phao tiêu chỉ giới vị trí khai thác, tuân thủ thời gian khai thác đúng biên bản cam kết với các cấp có thẩm quyền, đồng thời, xã đã xin ý kiến chỉ đạo của huyện, thông báo tới Công an huyện Phù Ninh về tình trạng khai thác cát làm mất đất sản xuất nông nghiệp của dân. UBND xã Tử Đà cũng báo động, trạm bơm tại khu 9 xã Tử Đà phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hécta đất sản xuất nông nghiệp của huyện Phù Ninh đang có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Không chỉ mất đất sản xuất, từ ngày UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho Công ty Thái Sơn khai thác cát, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Tử Đà hết sức phức tạp. Đầu tháng 12/2016, tại khu vực khai thác cát thuộc khu 8, 9 xã Tử Đà, người dân đã phát hiện 4 quả mìn tự chế, với 7 kíp nổ được cài đặt tại khu vực gây sạt lở.

Cạnh xã Tử Đà, chạy dọc theo sông Lô là các xã Vĩnh Phú, Bình Bộ, Tiên Du, Hạ Giáp… nơi nạn khai thác cát sỏi hoành hành và người dân địa phương đang chống chọi để giữ đất sản xuất.

Từ năm 2014 khi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho phép Cty TNHH xây dựng và phát triển hạ tầng Vân Hội thực hiện dự án khơi thông luồng lạch kết hợp tận thu cát sỏi, người dân xã Bình Bộ đã gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi nhưng gần như không có bất cứ cơ quan nào vào cuộc triệt để.

Chứng kiến những bãi soi hoa màu lần lượt đổ ập xuống lòng sông, người Bình Bộ phải tự sắm phương tiện truy đuổi, vây bắt cát tặc. Đỉnh điểm vào ngày 21/11/2016 dân làng tổ chức bắt giữ một chiếc tàu cẩu và một chiếc tàu vận chuyển đang đánh cát ở bãi soi của xã. Việc bắt giữ lập tức có hiệu quả. Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ và Bí thư Huyện ủy Phù Ninh về xã tổ chức đối thoại với người dân. Bao nhiêu cam kết được đưa ra, kể cả câu nói quen thuộc rằng không dẹp được nạn cát tặc sẽ cởi áo về vườn, vậy mà khi dân bàn giao lại tàu khai thác cát trái phép cho công an thì bị mất một cách rất khó hiểu.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri ở huyện Phù Ninh vào tháng 7 vừa rồi, người dân xã Hạ Giáp yêu cầu các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý hoạt động khai thác cát sỏi của Công ty cổ phần xây dựng và cơ khí Phương Nam.

Theo tài liệu của NNVN, kể từ khi được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép, Công ty Phương Nam đã tổ chức khai thác rầm rộ tại khu vực xã Hạ Giáp khiến người dân địa phương lo ngại đất đai sản xuất, mồ mả tổ tiên có thể đổ ập xuống sông bất cứ lúc nào.

Để ngăn chặn tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi trên các tuyến sông chạy qua địa bàn, thời gian qua Phú Thọ đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để phát hiện, xử lý vi phạm; lập các tổ chốt an ninh trực 24/24 giờ tại các xã là điểm nóng về tình trạng khai thác cát sỏi để theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác cát sỏi.

Tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu các doanh nghiệp khai thác trong chỉ giới được cấp phép; đăng ký số lượng, chủng loại, biển hiệu các phương tiện tàu, thuyền khai thác cát sỏi của đơn vị và đăng ký hộ khẩu tạm trú, tạm vắng của công nhân vận hành khai thác với Ủy ban Nhân dân các xã có mỏ và các cơ quan chức năng liên quan, đồng thời, tỉnh yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương dọc tuyến sông Lô kịp thời phát hiện hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tiến hành kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Sở TN-MT tỉnh Phú Thọ cũng đưa ra 6 quy định mới bắt buộc các doanh nghiệp khai thác cát phải thực hiện nghiêm: Thực hiện cắm mốc giới mỏ bằng cột bê tông; cắm biển báo có sơ đồ khu vực khai thác; gắn biển đề tên Công ty lên phương tiện khai thác; đăng ký số lượng, số hiệu, chủng loại thiết bị khai thác với cơ quan chức năng và các địa phương; chỉ được khai thác từ 6 giờ sáng đến 18 giờ, không khai thác ban đêm; cung cấp hồ sơ giấy phép khai thác, bản đồ khu vực khai thác cho địa phương và các cơ quan liên quan; nghiêm cấm khai thác, neo đậu tàu thuyền tại 10 khu vực xung yếu và 5 vị trí kè trên tuyến sông Lô.

Mặc dù vậy, theo người dân địa phương, họ đã nhiều lần tố cáo các doanh nghiệp vi phạm các quy định trên nhưng không thấy các cơ quan chức năng Phú Thọ vào cuộc xử lý. Bất đắc dĩ, người dân xã Vĩnh Phú phải tổ chức vây bắt và đốt cháy một tàu cuốc và một phao cẩu của Công ty TNHH Thái An.

HOÀNG ANH
Theo Nông Nghiệp Việt Nam

Từ khóa: