Sự kiện hot
12 năm trước

Nước mắm, vôi bột, kem đánh răng… tai họa cho vết bỏng

Các tai nạn thường gặp trong gia đình tưởng chừng đơn giản chẳng hề hấn nguy hiểm, như: Bỏng, vết thương chảy máu, trật khớp, bong gân... nhưng nếu chủ quan

Các tai nạn thường gặp trong gia đình tưởng chừng đơn giản chẳng hề hấn nguy hiểm, như: Bỏng, vết thương chảy máu, trật khớp, bong gân... nhưng nếu chủ quan, không biết cách sơ cấp cứu ban đầu đúng cách có thể để lại những di chứng và nguy hiểm đến tính mạng con người.

“Sẹo dính 5 ngón tay” vì sơ cứu bỏng bằng kem đánh răng và lá khoai nước

Chúng tôi gặp cháu Trần Hồng Minh, 5 tuổi, ở Quỳnh Phụ - Thái Bình tại Khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhìn bàn tay méo mó, biến dạng của cháu khiến những người lần đầu tiên nhìn thấy không khỏi khiếp sợ và kinh hoàng.

Chị Nguyễn Thị Lan, mẹ cháu Minh kể lại tai nạn gặp phải hơn 1 tháng trước của con mình. Khi đang hì hụi nấu cơm tối dưới bếp, chị Lan Bỗng nghe tiếng cậu con trai gào khóc thảm thiết trên nhà. Vội vàng dập lửa ở mớ rác đang đun dở, chị chạy lên nhà thì thấy cậu con trai ngã sõng soài ở giữa nhà và 1 tay vẫn chống vào nồi canh mới được bắc từ bếp lên.

Bàn tay bị sẹo dính ngón, biến dạng do di chứng sơ cứu bỏng không đúng cách
của Trần Hồng Minh. (Ảnh Thu Hòe)

Lấy vội bàn tay con ra khỏi nồi canh còn đang nóng bỏng, bốc hơi nghi ngút, bàn tay bé Minh đỏ au như quả cà chua chín. Thấy con kêu đau và rát, chị Lan liền đi lấy kem đánh răng bôi lên bàn tay bị bỏng của con.

Không dừng lại ở đó, nghe người hàng xóm nói, bị bỏng lấy lá khoai nước giã và đắp lên vết thương có công dụng trị bỏng rất nhanh khỏi, chị Lan cũng liền làm theo.

2 ngày sau đó, những vết bỏng trên bàn tay cháu Minh ngày càng sưng tấy, nổi bọng nước, vỡ và bắt đầu lở loét vào thịt. Thấy vết thương của con ngày càng trầm trọng, vợ chồng chị Lan mới tá hỏa đưa con lên viện khám xét.

Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, các bác sỹ kết luận, vết bỏng của bé Minh đã bị nhiễm trùng nặng, độ bỏng sâu 30%, các vết loét đã sâu vào đến gần xương, khiến các khớp xương bị tổn thương nặng… và ngay lập tức Trần Hồng Minh được đưa lên bệnh viện tuyến trên để cấp cứu.

Thạc sỹ, bác sỹ Hoàng Hải Đức, Phó trưởng Khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp điều trị cho cháu Trần Hồng Minh cho biết: “Chỉ chậm trễ mấy ngày nữa thôi là bàn tay của cháu Minh sẽ bị hỏng hoàn toàn do các khớp xương bị chấn thương nặng, bỏng sâu 30% và bị nhiễm trùng nặng, nhiều phần thịt đã bị hoại tử. Khi tiếp nhận và tiến hành điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi đã phải cắt bỏ phần da thịt đã bị hoại tử, cố định lại các khớp xương… và tiến hành phẫu thuật cấy ghép da.”

Sau hơn 1 tháng điều trị, trải qua nhiều lần phẫu thuật cắt bỏ rồi cấy ghép da, bày tay của cháu Minh đã khỏi hẳn những vết bỏng nhưng lại bị biến dạng “sẹo dính ngón” do di chứng của phẫu thuật.

“Sở dĩ có hiện tượng này là do gia đình đưa cháu đến viện quá trễ lại tiến hành những sơ cứu không đúng cách khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng và các khớp xương bị tổn thương. Điều này không chỉ kéo dài thời gian điều trị và còn gây khó khăn cho chúng tôi trong quá trình điều trị. Kết quả là sau mổ đã để lại những di chứng “sẹo dính cả 5 ngón tay”…”, bác sỹ Đức nói.

Để có thể cử động lại bình thường, cầm nắm được như bao người, sắp tới Trần Hồng Minh sẽ phải trải qua một, hai lần phẫu thuật chỉnh hình nữa. “Nếu vợ chồng tôi không dại dột sơ cứu không đúng cách cho con, đưa con lên viện điều trị sớm… nó đã không phải chịu đau đớn và bị dị dạng bàn tay như thế này”, chị Lan nói trong nước mắt.

“Sẹo dính ngón là một trong những di chứng hay gặp nhất trong điều trị bỏng, nhất là những trường hợp bị bỏng sâu, bỏng nặng. Phẫu thuật chỉnh hình có thể khắc phục được nhưng kết quả đạt được sẽ không được 100%, bàn tay ít nhiều bị biến dạng ngay cả khi phẫu thuật thành công…”, bác sỹ Đức nhấn mạnh.

Bị hoại tử nặng vì bôi nước mắm, vôi bột vào vết bỏng

Khi bị bỏng, nhiều người nghe theo những bài thuốc dân gian “truyền miệng”, sơ cứu vết thương ban đầu bằng cách bôi nước mắm, vôi bột… vào vết bỏng. Cách sơ cứu này đã khiến không ít người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng, việc điều trị càng khó khăn và nguy hiểm hơn.

Nhiều bậc phụ huynh sơ cứu không đúng cách đã gây nguy hiểm, đau đớn cho
trẻ nhỏ. (Ảnh Thu Hòe)

Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Quang, ở Chiêm Hóa – Tuyên Quang khi nghe theo lời mách bảo của những người trong làng đi lấy nước mắm và vôi bột bôi, rắc lên vết bỏng hơi nồi áp suất. Kết quả là vết bỏng ở mặt và cánh tay phải của anh Quang bị nhiễm trùng nặng dẫn đến hoại tử và rất nguy kịch phải vào điều trị lâu dài ở Viện Bỏng Quốc Gia.

Bác sĩ Nguyễn Như Lâm, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu Viện Bỏng Quốc gia cho biết: “Những cách làm phản khoa học như thế này không có tác dụng sơ cứu mà là tự làm cho vết thương thêm trầm trọng và gây nguy hiểm cho chính mình.

Khi bị bỏng, chỉ nên sơ cứu làm hạ bề mặt nhiệt độ da bằng nước sạch, sau đó chuyển ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế để được chăm sóc tốt nhất. Không nên bôi bất cứ thứ gì, thậm chí cả thuốc xịt làm mát vào vết bỏng…”

Một số bệnh nhân khác đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc Gia cũng sơ cứu vết thương do bị bỏng của mình bằng cách bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng gà, vôi bột… Họ làm tất cả những gì được mách bảo là có tác dụng làm dịu vết thương mà không cần biết cách làm đó có tác dụng gì cho việc điều trị sau này.

“Nhiều bệnh nhân đã sơ cứu khi bị bỏng sai cách, phản khoa học và rất buồn cười. Nhiều người vẫn nghĩ khi bị bỏng bôi nước mắm, kem đánh răng, lòng trắng trứng, vôi bột, dầu cá… vào vết bỏng sẽ có tác dụng giảm đau và nhanh khỏi, không để lại di chứng. Tuy nhiên, những cách làm này đều phản khoa học.

Có thể khi bôi kem đánh răng, sẽ có cảm giác đỡ rát hơn, nhưng thực ra, kem đánh răng có chất kiềm, mà khi da đã bị tổn thương do nhiệt, bôi kem đánh răng càng làm vết bỏng nặng hơn. Con dầu cá lại có “tác dụng” giữ nhiệt, nhiệt không thoát ra ngoài được, vết bỏng càng có nguy cơ sâu hơn.

Còn đối với các chất khác như nước mắm, dấm, lòng trắng trứng khi bôi vào vết bỏng sẽ không đảm bảo được vô trùng, không có tác dụng kháng khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng là rất lớn. Khi đó, việc điều trị sẽ càng phức tạp và nguy hiểm hơn…”, bác sỹ Lâm khẳng định.

Tuyệt đối không dùng kem đánh răng, nước mắm, vôi bột, lòng trắng trứng...
để sơ cứu bỏng. (Ảnh Thu Hòe)

Trong một vài trường hợp, lòng trắng trứng có tác dụng giảm nhiệt độ tác nhân gây bỏng. Dù vậy, các bác sĩ vẫn khuyến cáo không nên bôi bất cứ thứ gì, vì thời gian cấp cứu bỏng là rất quan trọng, nếu mất thời gian đi tìm những đồ vật đó sẽ khiến người bệnh không được sơ cứu kịp thời.

Còn với thuốc bỏng, người bệnh cũng không nên tự động dùng thuốc vì không thể biết liệu có dị ứng thuốc hay không. Có những trường hợp bị bỏng, người bệnh không chết do bỏng mà do bôi thuốc bị dị ứng gây tử vong.

Bác sỹ Lâm khuyến cáo: “Khi bôi những chất này lên vết bỏng, khi bệnh nhân đến viện, bác sĩ sẽ phải mất thêm công đoạn bóc những chất này ra để xử lý lại, điều đó sẽ khiến người bệnh vô cùng đau đớn và cũng gây ảnh hưởng không tốt đến việc điều trị. Vì vậy, mọi người cần nhớ, khi bị bỏng không nên bôi bất cứ chất gì nên vết bỏng, mà nước lạnh vẫn là phương án tối ưu khi sơ cứu…”

Những lưu ý khi sơ cứu bỏng

Bước 1: Loại bỏ nguyên nhân gây bỏng càng sớm càng tốt, vì như: dập lửa, cởi bỏ quần áo đang cháy hoặc ngấm nước sôi, tách nạn nhân khỏi vật nóng...

Hãy làm lạnh ngay phần cơ thể bị bỏng càng nhanh càng tốt.

Bước 2: Sử dụng nước sạch để làm mát vùng bỏng. 30 phút đầu sau khi bị bỏng cần ngâm vùng cơ thể bị bỏng vào nước mát.
Hoặc dội nước mát hoặc đắp khăn mát lên vùng bị bỏng, tiến hành khoảng 15 đến 20 phút. Nếu mùa đông cần giữ ấm các phần khác của cơ thể.

Không dùng nước quá lạnh hoặc đá chườm vào vết bỏng, không làm tổn thương các nốt phỏng vì có nguy cơ gây nhiễm trùng về sau, không bôi kem hoặc chất nhờn lên chỗ bỏng. Nếu bỏng mắt, không được dụi mắt. Không cần cố gắng lấy dị vật ra khỏi chỗ bỏng.

Bước 3: Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị.

Theo VTC.vn

Từ khóa: