Sự kiện hot
6 năm trước

Ông Bạch An Viễn: VN-Index có thể đạt 1.400 điểm trong năm 2018

Với kịch bản khả quan, năm 2018 VN-Index có thể đạt 1.400 điểm. Tuy nhiên, mức độ biến động sẽ gia tăng dưới áp lực chốt lời khi VN-Index vượt qua ngưỡng lịch sử.

Tại buổi Hội thảo “Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018”, ông Bạch An Viễn – Trưởng phòng Phân tích Vĩ mô & Tài chính của Chứng khoán KIS Việt Nam dự đoán, VN-Index có thể đạt 1.200 -1.400 điểm trong năm 2018. Trong đó với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt tới 1.400 điểm nhờ xung lực của thị trường cùng với triển vọng kết quả kinh doanh lạc quan và lộ trình thoái vốn cũng như IPO của nhà nước.

Thị trường sẽ thường xuyên rung lắc

Ông Viễn lưu ý sau khi vượt qua đỉnh lịch sử, thị trường sẽ thường xuyên rung lắc do áp lức chốt lời lớn hơn. Nếu IPO không được như kỳ vọng, sẽ dẫn đến phản ứng ngược của thị trường.

Cụ thể, VN-Index đang vận động trong xu thế tăng với độ dốc 1.000 -1.400 điểm nhưng không mạnh mẽ bằng giai đoạn 2006-2007. Mức độ biến động gia tăng dưới áp lực chốt lời khi VN-Index vượt qua ngưỡng lịch sử.

Thị trường sẽ có sự pha loãng cao khi hàng loạt doanh nghiệp doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành cổ phiếu để tăng vốn và sự kiểm soát chính sách margin (cho vay ký quỹ) của Nhà nước do thị trường tăng nóng.

Đồng thời, năm 2018 là đỉnh cao thoái vốn và IPO sẽ tạo ra nguồn cung dư thừa nhưng không phải là một nhân tố kéo thị trường giảm. Theo kế hoạch, Chính phủ gia tăng tăng mạnh quy mô thoái vốn nhà nước lên 39 tỷ USD từ 6 tỷ USD trong năm 2017.

Dòng tiền nước ngoài và trong nước sẽ phân bổ chủ yếu vào các doanh nghiệp lớn, đầu ngành, ảnh hưởng một phần dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán niêm yết.

Bên cạnh đó, nỗ lực của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát dòng tiền đầu cơ và đà tăng nóng thị trường trong tương lai sẽ dẫn đến ảnh hưởng dòng tiền ngắn hạn, mức độ biến động thị trường gia tăng.

Rủi ro nợ xấu của các công ty chứng khoán có khả năng trở lại, do đó thúc đẩy các công ty kiểm soát chặt hơn về dư nợ tín dụng.

Ông Bạch An Viễn – Trưởng phòng Phân tích Vĩ mô & Tài chính của KIS Việt Nam

Thoái vốn Nhà nước tiếp tục sôi động

Câu chuyện thoái vốn được kì vọng tiếp tục sôi động khi Chính phủ quyết tâm tái cơ cấu và áp lực nợ công chạm trần.

Vinachem sẽ là trọng tâm thoái vốn của Nhà nước trong thời gian tới sau năm 2017 khá im lặng. Theo đề án tái cơ cấu 2017-2020, sau khi cổ phần hóa, Vinachem sẽ giảm sở hữu xuống 51-65% tại các doanh nghiệp niêm yết để dọn đường cho quá trình cổ phần hóa và IPO Vinachem năm 2019. Nhà nước sẽ xử lý triệt để vấn đề thoái vốn của tập đoàn này ngay trong năm 2018.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nhóm thoái vốn của PVN cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.

Sau thành công ở VNM, SCIC sẽ tiếp tục thoái ở các doanh nghiệp còn lại theo lộ trình.

Các bộ ngành khác như Y tế, Giao thông, Xây dựng, Công Thương cũng đẩy mạnh lộ trình thoái vốn các doanh nghiệp chủ chốt.

Ông Viễn kỳ vọng làn sóng niêm yết mới tiếp tục thu hút được sự quan tâm của dòng tiền và thị trường sẽ chờ đón những sự bứt phá của nhóm cổ phiếu này nhờ câu chuyện thoái vốn nhà nước, vị trí dẫn đầu ngành và nền tảng cơ bản tốt như Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV POWER, PV OIL, cao su Việt Nam, Techcombank…

Cổ phiếu ngân hàng giữ vai trò dẫn dắt VN-Index trong năm 2018

Ngành ngân hàng 2018, ông Viễn nhận định, bức tranh kết quả kinh doanh của ngành này dự báo là tươi sáng với huy động tăng trưởng ổn định 16%. Tín dụng duy trì đà tăng trưởng cao gần 18% nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ và ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế.

Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng tăng trưởng gần 19% nhờ cầu tín dụng tăng mạnh, thanh khoản cải thiện, xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Đồng thời, thu từ xử lý nợ xấu, hoàn nhập dự phòng cho nợ xấu đã xóa trước đây hay thoái vốn là nhân tố chính giúp lợi nhuận tăng đột biến như VCB, ACB và CTG.

Theo ông Viễn, xu hướng niêm yết mới dự kiến duy trì sôi động với hiệu ứng HDB, kế tiếp là những ngân hàng như TCB, TPB, OCB tiếp tục tạo cú hích lớn cho triển vọng chung ngành ngân hàng.

Vốn hóa nhóm ngân hàng tăng mạnh lên gần 23,5 triệu USD trong năm 2017 do đó tỷ trọng vốn hóa ngân hàng cải thiện từ 17,7% lên 20,4% vốn tăng thêm. Dự kiến nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường chứng khoán trong năm 2018.

Lợi nhuận doanh nghiệp 2018 giữ vững đà tăng hai chữ số

Triển vọng kinh doanh 2018, ông Viễn dự báo lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng giữ vững đà tăng hai chữ số nhờ nền tăng kinh doanh được củng cố cùng với giá hàng hóa cơ bản trên đà phục hồi.

Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận ròng toàn thị trường tăng lần lượt gần 16% và 19%, cao nhất khu vực. Tăng trưởng cao có thể duy trì đến năm 2019. Hỗ trợ chính nhờ nhu cầu trong nước và thế giới vững chắc, lãi suất ổn định ở mức thấp và chi phí nguyên vật liệu dù hồi phục nhưng không quá mạnh. Ngành tài chính và bất động sản duy trì xung lực mạnh giúp biên lợi nhuận duy trì cao.

Việt Nam sẽ được nâng hạng lên emerging market năm 2020

Theo ông Viễn, Việt Nam cơ bản đã đạt các tiêu chí định lượng trong quá trình xét duyệt nâng hạng thị trường như vốn hóa, vốn hóa tự do và vòng quay thanh khoản.

Các tiêu chí định tính còn thiếu có thể được thỏa mãn trong giai đoạn 2018-2019 bao gồm số lượng cổ phiếu lớn gia tăng, nới room khối ngoại tiếp tục diễn biến tích cực, các công cụ tài chính mới được đưa vào như phái sinh, chứng quyền, chu kỳ thanh toán T+0.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ vào danh mục cân nhắc được nâng hạng trong kỳ review năm 2019 của MSCI. Trong kịch bản khả quan, Việt Nam sẽ được nâng hạng lên emerging market (thị trường mới nổi) năm 2020. Do đó thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi từ nay cho đến khi được nâng hạng.

Minh Anh
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: