Sự kiện hot
4 năm trước

Phẫn nộ với phát biểu kỳ thị cha mẹ đơn thân và gia đình nghèo: Sự lạnh lùng, vô cảm?

Một phụ huynh được cho là giáo viên khi trình bày quan điểm về việc chọn người vào ban phụ huynh trường thể hiện sự kỳ thị với các cha mẹ đơn thân và gia đình nghèo đang gây ra sự phẫn nộ.

Vị phụ huynh cũng là giáo viên gây phẫn nộ với phát biểu kỳ thị cha mẹ đơn thân và gia đình nghèo. Ảnh cắt từ clip.
Vị phụ huynh cũng là giáo viên gây phẫn nộ với phát biểu kỳ thị cha mẹ đơn thân và gia đình nghèo. Ảnh cắt từ clip.

Trong cuộc họp ban phụ huynh tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) diễn ra mới đây, vị phụ huynh này đã có những phát biểu gây sốc khi được cho là có tính kỳ thị cha mẹ đơn thân và những phụ huynh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Những câu nói, những quan niệm như: "Chúng ta nên chọn những người có kinh tế và thời gian nuôi dạy con tốt, chăm lo gia đình đầm ấm hạnh phúc để làm hình ảnh tốt cho con của mình trước đã.

Chúng ta không nên bầu những người có gia đình khiếm khuyết, vợ không có chồng hoặc chồng không có vợ... những người như thế tôi nghĩ chưa đủ tư cách để tham gia Ban phụ huynh.

Hãy chọn gia đình gương mẫu, có văn hóa, có tri thức và tôi kính mong Ban giám hiệu ở đây xem xét về trích lục của bố mẹ, gia đình như thế nào thì hãy để trong Ban phụ huynh được. Chứ còn lệch bố lệch mẹ thì không ổn một chút nào".

Phần phát biểu này nhanh chóng gây ra sự phẫn nộ trong cha mẹ học sinh vì có tính kỳ thị các cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn cũng như cha mẹ đơn thân. 

Được biết, đây là lời phát biểu của  một cô  giáo của một trường THCS ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Mặt khác, sau phần phát biểu này, vị phụ huynh này cũng được bầu là tân hội trưởng hội cha mẹ học sinh của Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội).

Quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng, nếu phụ huynh đó không biết phân biệt đúng sai đã là không thể chấp nhận được, đằng này lại là cô giáo thì đúng là càng không thể hiểu nổi.

Cũng theo TS Tùng Lâm, đáng ra, khi người ta nhận thức sai thì cô phải phân tích cho các phụ huynh hiểu chứ cô giáo lại nêu quan điểm thiếu nhân văn, thiếu văn hóa như vậy thì chúng ta phải lên án.

“Cô giáo đã đưa ra quan điểm sai mà còn được bầu làm hội trưởng hội cha mẹ học sinh của trường thì cần xem xét lại. Việc bầu cô giáo ấy là quyền của mọi người nhưng đây phải xem lại quan điểm của các phụ huynh khác. Điều này cũng cần thay đổi”- TS Lâm nêu quan điểm.

Sự lạnh lùng, vô cảm?

TS Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên của trường THPT Chu Văn An, Tây Hồ) cho rằng, rất tiếc vị phụ huynh đó cũng lại là giáo viên, nghĩa là cô không chỉ có kiến thức chuyên môn, cô còn có năng lực sư phạm, để dạy chữ, dạy người...

Cô Tuyết cũng cho rằng, cô cũng là người mẹ, với những mong muốn tốt đẹp nhất cho con mình... Ở vai trò nào, cô cũng là người dạy dỗ, giáo dục... và một trong những phương tiện giáo dục tốt nhất của người mẹ hoặc người thầy luôn là sự gương mẫu - nhân cách của thầy cô, của cha mẹ sẽ là tấm gương cho học trò, cho con cái! Sau khi nghe những lời quyết liệt, lạnh lùng, nghiệt ngã cô nói trong clip, các con sẽ học được điều gì ở cô đây?

“Các con sẽ làm theo những lời khuyên không được kiểm chứng của cô về sự tử tế, tình yêu thương, sự cảm thông chia sẻ... hay làm theo clip cô nói rất nhiệt tình, quyết đoán trong cuộc họp phụ huynh.

Sự vô cảm thờ ơ với những số phận thiệt thòi, bất hạnh đã là độc ác - sự độc ác, nhẫn tâm sẽ nhân gấp bội lần khi cô lập ngôn với những triết lí, những chiêm nghiệm đáng sợ như vậy về hạnh phúc, những quan niệm:”Hãy để người ta đi lo hạnh phúc của người ta, của bản thân người ta đi đã, và khi người ta chưa hạnh phúc thì không bao giờ con người ta được hạnh phúc...những người như thế chưa đủ tư cách thì không thể nằm trong BPH”!

“Câu nói này không chỉ cho thấy sự lạnh lùng vô cảm, độc ác mà còn bộc lộ năng lực trí tuệ ít ỏi cùng vốn trải nghiệm ít ỏi của cô nữa: ai dám khẳng định “khi người ta chưa hạnh phúc thì không bao giờ con người ta được hạnh phúc”? Ai dám lấy sự hạnh phúc hay bất hạnh làm tiêu chí định giá “tư cách” của con người? Nhận định những cha/ mẹ đơn thân là bất hạnh và ngược lại liệu có thông minh và từng trải?”- cô Tuyết nói.

Mặt khác, cô Tuyết cũng cho rằng, một cô giáo như vậy được bầu vào Ban phụ huynh cũng đưa tới nhiều suy nghĩ cho những người quan sát: Họ đồng tình hay họ thờ ơ? Họ không nhận ra vấn đề về sự kém cỏi trong cả nhân cách, trí tuệ hay họ nghĩ: không việc gì tới mình? Hay, đáng sợ nhất, họ thầm nghĩ: ít nhất, mình cũng không phải những đối tượng bất hạnh kia?

“Việc cô giáo xúc phạm những phụ huynh bất hạnh, khó khăn hơn rất cần thái độ nghiêm khắc của cộng đồng, như cách neo giữ lương tri lại bên bờ tử tế”- Cô Tuyết nhấn mạnh.

Đỗ Hợp

Theo Tiền phong

Từ khóa: