Sự kiện hot
13 năm trước

Phí quản lý 18.600 đồng/m2, dân Keangnam phản đối

Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam không chấp nhận mức phí quản lý 18.600 đồng/m2 tại cuộc thương lượng với Keangnam hôm 11/8.

Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam không chấp nhận mức phí quản lý 18.600 đồng/m2 tại cuộc thương lượng với Keangnam hôm 11/8.

Sau nhiều lần xin hoãn vì lý do bận việc, cuối cùng ông Ha Jong Suk - Chủ tịch công ty Keangnam Vina đã có buổi làm việc chính thức với ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam. Cuộc họp kéo dài từ 17h30 - 23h00 hôm thứ Năm (11/8) tại Văn phòng Chestnut, tầng 1 nhà B.

Tại buổi làm việc này, ông Ha đã tích cực tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp để cải thiện chất lượng dịch vụ tại Keangnam, nhưng tất cả những điểm quan trọng nhất để cư dân có thể chấp nhận mức phí quản lý cao bằng Golden West Lake đều bị dân Keangnam kiên quyết từ chối.

Tất cả tiện ích công cộng như phòng đọc, phòng bóng bàn, bi-a, sân tennis, bể bơi sẽ giữ nguyên và không được gia tăng, vì Keangnam không còn diện tích trống. Việc miễn phí hoàn toàn bể bơi và phòng tập không được xem xét mà Keangnam chỉ có thể áp dụng giá dịch vụ ưu đãi đối với cư dân của tòa nhà.

Vì cuộc thương lượng với Keangnam hôm 11/8, để gia tăng tiện ích cho khu chung cư và miễn phí các dịch vụ phòng tập, bể bơi đã không được như mong đợi, ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam đã chính thức từ chối mức phí quản lý 18.600 đồng/m2 mà Keangnam đưa ra.

Theo thông tin từ ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam cho biết: “Trong tình thế này, ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam sẽ liên kết với các khu chung cư khác để thúc đẩy thành phố Hà Nội ban hành mức giá trần cho phí quản lý. Hiện nay, Keangnam đang đưa ra bảng hạch toán chi phí với những chi phí hết sức vô lý và cao ngất trên trời trong đó phải kể đến chi phí thuê máy photocopy là 6 triệu/ tháng”.

Ban đại diện lâm thời dân cư đã gửi văn bản chính thức đề nghị Keangnam xem xét 2 vấn đề. Văn bản cũng được gửi đến Sở Tài chính và Sở xây dựng thành phố Hà Nội để có tính chất báo cáo.

Phí quản lý 18.600 đồng/m2, dân Keangnam phản đối
Chung cư Keangnam (Ảnh: Yên Quang)

Trong văn bản gửi đến Keangnam, ban đại diện lâm thời đề nghị 2 vấn đề gồm: Thứ nhất, đề nghị công ty Keangnam làm rõ chủ sở hữu của diện tích từ tầng 1 đến tầng 5 thuộc 2 tòa nhà chung cư A và B. Thứ hai, yêu cầu công ty Keangnam gửi ngay số tiền 2% trích trên tổng số tiền bán căn hộ và phần diện tích giữ lại của Công ty thuộc Tòa nhà A và nhà B vào ngân hàng để phục vụ cho công tác bảo trì phần sở hữu chung theo quy định của pháp luật.

Nguyên nhân của đề nghị thứ nhất, bà Trịnh Thúy Mai – Trưởng ban đại diện lâm thời cư dân cho hay: “Hiện nay trong cộng đồng cư dân Keangnam có một số cư dân có ý kiến rằng phần diện tích mặt bằng các tầng từ tầng 1 đến tầng 5 thuộc hai tòa nhà chung cư Keangnam (tòa A và tòa B) mà phía công ty Keangnam đã và đang thực hiện bán hoặc cho thuê dài hạn không thuộc sở hữu của công ty Keangnam mà là sở hữu chung của tất cả các cư dân đã mua căn hộ thuộc hai tòa A và B”.

Theo thông tin từ ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam, trong cuộc họp ngày 11/08/2011 với ban đại diện cư dân, Chủ tịch Keangnam Vina, ông Ha Jong Suk đã khẳng định rằng diện tích các mặt nêu trên trên là thuộc sở hữu của công ty Keangnam và công ty có quyền bán hoặc cho thuê. 

Để tránh hiểu lầm trong cư dân, ban đại diện cư dân đề nghị công ty Keangnam có văn bản chính thức giải trình, chứng minh và làm rõ sự việc trên bằng các bằng chứng văn bản pháp lý cụ thể có tính thuyết phục như: Các văn bản phê chuẩn của các cơ quan có thẩm quyền của Việt nam, văn bản, chứng từ chứng minh rằng chi phí xây dựng các diện tích thuộc mặt bằng từ tầng 1 đến tầng 5 thuộc hai tòa A và B nói trên (trừ phần sử dụng cho các khu tiện ích công cộng của cư dân) là không bao gồm trong chi phí xây dựng hình thành nên giá bán căn hộ cho cư dân.

Đối với vấn đề thứ hai, công văn nêu rõ, trong hợp đồng bán căn hộ Keangnam Hanoi Landmark Tower ký với cư dân tại điều 3 có nêu rõ: “ Việc thanh toán giá căn hộ sẽ do bên mua thực hiện đối với bên bán theo như Phụ lục 2 đính kèm theo hợp đồng này và theo Luật nhà ở”.

Ngoài ra, công văn cũng nêu rõ, điều 51 của nghị định Số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/06/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật nhà ở số 56/2005/QH ngày 29/11/2005, quy định về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu.

Nghị định Số 71/2010/NĐ-CP

Điều 51. Kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu

1. Kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được quy định như sau:

a) Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng bán căn hộ kể từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành thì chủ đầu tư có trách nhiệm nộp các khoản kinh phí sau đây:

- Đối với diện tích nhà bán phải nộp 2% tiền bán, khoản tiền này được tính vào tiền bán căn hộ hoặc diện tích khác mà người mua phải trả và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán;

- Đối với phần diện tích nhà mà chủ đầu tư giữ lại, không bán (không tính phần diện tích thuộc sử dụng chung) thì chủ đầu tư phải nộp 2% giá trị của phần diện tích đó; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó.

b)Khoản kinh phí quy định tại điểm a khoản này được trích trước thuế để nộp (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này) và được gửi vào ngân hàng thương mại do Ban quản trị nhà chung cư quản lý để phục vụ cho công tác bảo trì phần sở hữu chung theo quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư;

c) Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng bán căn hộ trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành mà chủ đầu tư chưa thu 2% tiền bán thì các chủ sở hữu căn hộ chung cư có trách nhiệm đóng góp khoản kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung. Kinh phí đóng góp chỉ được thu khi phát sinh công tác bảo trì và được xác định đối với từng công việc bảo trì cụ thể.

2. Trường hợp kinh phí bảo trì quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này không đủ để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu. Trong trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ mà kinh phí bảo trì quy định tại khoản 1 Điều này chưa sử dụng hết thì được sử dụng để hỗ trợ tái định cư khi xây dựng lại nhà chung cư hoặc đưa vào quỹ bảo trì nhà chung cư sau khi xâydựng lại.

Yên Quang
theo VTC new

Từ khóa: