Sự kiện hot
10 năm trước

Phó Thủ tướng:“Cần xem xét năng lực của chủ đầu tư thiết bị y tế”

Phát biểu chỉ đạo về vấn đề trang thiết bị y tế gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây tại các bệnh viện tuyến huyện ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Đức Đam khẳng định: "Nếu thực sự năng lực của các chủ đầu tư ở cấp Sở mà kém đến mức như vậy thì cần phải xem xét lại.”


Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ thướng đã nhấn mạnh như vậy ngay trong cuộc họp trực tuyến Sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 và định hướng kế hoạch năm 2015, do Bộ Y tế tổ chức sáng nay tại đầu cầu là 63 tỉnh thành.

Nhận định về việc sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc tại Hà Nội trong thời gian vừa qua, ông Đam khẳng định: “Điều quan trọng nhất tôi cho rằng là trách nhiệm của chủ đầu tư, nếu như thông tin đúng như các phương tiện truyền thông phản ánh thì quá nguy hiểm. Có thể anh không biết cái máy ruột của nó như thế nào thật, nhưng chả lẽ làm đến cấp chủ đầu tư ở cấp Sở không biết thiết bị y tế đó giá trên thị trường quốc tế khoảng 300 triệu mà đầu thầu với giá 600 triệu. Nếu thực sự năng lực kém đến mức như vậy thì cần phải xem xét, còn nếu không phải tại năng lực thì tôi đề nghị các tỉnh cần thực hiện nghiêm túc.”

Như sự việc máy móc thiết bị y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín, Phó Thủ tướng đề nghị các cần tỉnh cần chỉ đạo, thành lập các đoàn thanh tra để rà soát lại toàn bộ thiết bị y tế, Bộ Y tế cần thanh kiểm tra các bệnh viện, nếu cá biệt ở huyện đó, đúng bản chất sai phải xử ký nghiêm túc. Theo đó, sau một thời gian triển khai rà soát xong, cơ quan chức năng kiểm tra lại vẫn thấy có vấn đề thì các tỉnh phải chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: "Việc đầu thầu thiết bị y tế muốn làm đến đâu, nhân đây phải làm quyết liệt và rõ ràng. Những vụ việc báo chí phản ánh về ngành y tế không nên coi là việc của thiên hạ, việc ở đâu, không phải của mình, phải rà soát lại xem những phản ánh đó có thật hay không.”

Tại hội nghị, sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thống nhất với báo cáo của Bộ Y tế, bày tỏ sự trân trọng cố gắng của các bác sỹ đang ngày đêm công tác để cứu chữa người bệnh, tuy rằng còn việc này việc khác vẫn còn tồn tại khiến cho người dân chưa yên tâm. Thời gian qua, ngành y tế đã làm được nhiều việc, đánh giá kết quả hiện tại vẫn còn khó bởi vì có những việc chưa làm đến kết quả cuối cùng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có mấy đổi mới cần xem lại chính sách, nghị định, thông tư cho chính xác, như luật bảo hiểm y tế, luật dược, chuẩn bị tất cả các văn bản rà soát lại, khắc phục những điểm chưa phù hợp.


Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)


“Chẳng hạn như với bảo hiểm y tế cần xem xét lại vấn đề có hay không tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế như một loạt các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa và tình trạng này có phổ biến hay không? Nếu có tình trạng trên thì nguyên nhân là do đâu, tại văn bản hay tại quá trình thực hiện, nếu do văn bản thì cần chấn chỉnh văn bản.

Có hay không tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, sử dụng thuốc biệt dược, lạm dụng bảo hiểm y tế. Vấn đề trên được đặt ra và phải làm tích cực. Vấn đề có đó là cá biệt hay phổ biến và tại đâu, trách nhiệm thuộc về ai?," ông Đam cho hay.

Vấn đề cơ chế, Phó thủ tướng cho biết, vừa qua chính phủ đã bàn và đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về chuẩn bị ra nghị định về cơ chế hạch toán trong các cơ sở sự nghiệp công, có lộ trình nhưng phải làm kiên quyết, tiến tới cho các đơn vị sự nghiệp công được hạch toán tương tự như doanh nghiệp, tự chủ. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước tập trung vào những nơi, những địa bàn cần thiết, chính sách an sinh xã hội vào những nơi cần thiết.

Thứ ba, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cần đẩy mạnh, quy hoạch bộ máy, bệnh viện theo xu hướng mới, các bệnh viện công nhà nước chỉ bao cấp những chỗ thật sự cần bao cấp.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay trên thế giới quay lại dịch hạch, tả; bùng phát dịch ebola còn trong nước là bệnh viêm não nhật bản, sởi... Vì vậy, ngành y tế sẽ theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo các hoạt động giám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới và cả trong nước, xây dựng kế hoạch đáp ứng dịch khẩn cấp.

Vấn đề trang thiết bị, người đứng đầu ngành y tế thừa nhận: “Hiện có bất cập, xuất hiện gian lận thương mại, một số máy không rõ nguồn gốc, có thể máy cũ, tân trang. Nguyên nhân là do khâu đấu thầu, thẩm định, mua sắm, chưa đủ người để tiến hành hậu kiểm được hết. Thực chất Bộ Y tế hiện cấp phép trên giấy, nhiều doanh nghiệp có cách lách nếu không phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành.”

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế, tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế trong hoạt động khám chữa bệnh, mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế…

Qua đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm và khả năng thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngành y tế có khả năng hoàn thành 2 chỉ tiêu Quốc hội giao là: số giường bệnh trên 1 vạn dân: giao 22,5 ước đạt 23, chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 15,5%, ước đạt 15%.

Trong 18 chỉ tiêu Chính phủ giao, ước đạt 16/18 chỉ tiêu, có 2 chỉ tiêu khó có khả năng đạt là tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, giao 21%, ước đạt 22,9%; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giao 15%, ước đạt 15,1-15,2%.

Thùy Giang
theo Vietnam+

Từ khóa: