Sự kiện hot
10 năm trước

Quản giá điện, người thuê nhà vẫn “khóc”

Giá điện chủ nhà áp dụng cho đối tượng đi thuê nhà đang ở mức cao ngất ngưởng; trong khi các đối tượng đi thuê phần đa là công chức nghèo, lao động nghèo, sinh viên, học sinh… Đây là thực cảnh đang diễn ra tại các đô thị lớn và cơ quan quản lý đang ra tay xử lý, tuy nhiên người thiệt vẫn là khách đi thuê nhà.


Người thuê nhà trọ vẫn phải chịu giá điện cao hơn nhiều lần so với giá điện của nhà nước. Ảnh: Chí Cường.

Tù mù giá điện nhà cho thuê

Với hộ gia đình có sở hữu nhà, mặc dù có đầy đủ trang thiết bị có lượng tiêu hao điện năng lớn như tủ lạnh, điều hòa, bình nóng lạnh, bếp núc… thì bảng thanh toán tiền điện hàng tháng chưa phải là mối bận tâm hàng đầu. Chi phí này chỉ chiếm một mức nhỏ trong tổng chi/tháng của hộ gia đình. Tuy nhiên, đối với các hộ đi thuê, dù trang bị tối giản trang thiết bị tiêu hao điện nhưng chi phí tiền điện/tháng lại là mối… lo lớn.

Chị Phạm Thị Thanh Minh (Đô Lương, Nghệ An) đang thuê trọ tại Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Khi đi thuê nhà, ngoài giá nhà, giá nước thì giá điện luôn là yếu tố quyết định đối với cả bên thuê và bên cho thuê. Nhiều nơi giá nhà rẻ, giá điện “chát” thì chưa chắc đã có khách thuê so với hộ cho thuê nhà giá cao nhưng giá điện rẻ.

Mấy năm trước, giá điện mà chủ nhà “áp” cho hộ đi thuê giao động từ 2.500-3.000 đồng/số, nay mức giá đã chạm ngưỡng 4.500 đồng/số tùy địa điểm”. Chị Hằng, thuê trọ kế phòng chị Minh cho biết, thời sinh viên, vật dụng tiêu hao điện năng chỉ có vài cái bóng đèn, nồi cơm, siêu nước… nay lập gia đình phải gánh thêm tiền điện của tivi, tủ lạnh, điều hòa, nóng lạnh, lò vi sóng… nên tiền điện luôn là một khoản kha khá trong chi tiêu hàng tháng. Xóm trọ chị ở, mức giá điện mới được áp dụng từ sau Tết Nguyên đán là 4.000 đồng/số. Tiết kiệm hết mức thì mùa đông nhà chị cũng hết 200 số điện, tương đương với 800.000 đồng/tháng.

Theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH, hầu hết các khu vực nội thành Hà Nội và khu vực huyện Từ Liêm thì giá điện cho thuê trọ đang ở mức 4.000 đồng/số. Hy hữu mới có hộ áp giá 3.500 đồng/số. Cũng vì giá điện cao nên không ít người đi làm, nhóm sinh viên “hùn” tiền để thuê căn hộ nhằm mục đích được sử dụng giá điện đúng theo quy định của nhà nước.


Tiền điện luôn là mối lo của người đi thuê nhà vốn là lao động và sinh viên nghèo. Ảnh C. T

Sinh viên Nguyễn Mạnh Linh, thuê trọ tại phố Chùa Láng (Đống Đa) cho biết, em và nhóm bạn cùng quê Ninh Bình đã tụ họp lại để thuê nguyên căn hộ ở phố Chùa Láng. Tiền nhà cao nhưng chia cho nhiều người thì cũng tương tự mức thuê ở ngoài và quan trọng nhất là giá điện chỉ bằng một phần tư giá điện đi thuê ở ngoài.

Tại Hà Nội, mức giá điện với hộ cho thuê thấp chỉ tồn tại ở khu vực Đông Anh, Long Biên và các huyện ngoại thành, nơi đối tượng đi thuê phần lớn là công nhân nghèo. Lý giải về mức giá điện cao áp cho khách thuê, một chủ nhà cho thuê ở ngõ 79, Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy cho rằng: “Do có một đồng hồ dùng chung nên dù tính lũy kế thì phần số điện phải chịu giá cao rất lớn.

Tổng chi chia ra cho tổng số điện, cộng thêm điện chiếu sáng, bơm nước… thì cho ra giá điện cao”. Tuy nhiên, chủ nhà này cũng thừa nhận, cao nhưng chưa đến mức bằng với… giá đang áp cho khách thuê.

Nhiều điểm khó khả thi

Trước thực trạng trên, khi dư luận lên tiếng, cơ quan quản lý nhà nước đã ra tay bằng cách soạn ra dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện giá bán điện. Tuy nhiên, nội dung dự thảo này vẫn có những điểm bất khả thi khiến đối tượng yếu thế là người đi thuê vẫn phải gánh chịu sự thua thiệt. Trong quy định, đối tượng là sinh viên, người lao động đi thuê và chủ cho thuê đều nằm trong diện bị điều chỉnh.

Theo đó, trường hợp chủ nhà cho sinh viên và người lao động thuê nhà, bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình thì bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ đăng ký tạm trú. Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang.

Nghe qua tưởng người thuê sẽ được hưởng lợi nhưng phần lớn các giao dịch thuê và cho thuê đều đang trong quá trình thực hiện, bên cho thuê đang được hưởng lợi thì khi nhận được thông báo bên cho thuê có thực hiện hay không? Hay người đi thuê lại phải nghe điệp khúc: “Ở đây chỉ có vậy, thuê thì thuê, không thì thôi” vốn được bên cho thuê áp dụng khá phổ biến?

Với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) hoặc đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký kết HĐMBĐ có bảo lãnh thanh toán tiền điện của chủ nhà. Với quy định này, chị Ngô Mỹ Giang, thuê trọ tại Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) “vặn”: “Có chủ nhà nào dám đứng ra bảo lãnh thanh toán tiền điện hay không? Câu trả lời là rất hạn chế và dĩ nhiên quy định này sẽ rơi vào tình trạng “bất khả thi”. Người thuê lại gặp khó và để đỡ khổ, họ lại phải thuê trọ và không ký HĐMBĐ, chịu giá điện cao”.

Để xử lý tình trạng này, dự thảo quy định, trường hợp người thuê nhà không ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện thì chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.

Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện. Nhiều người đang thuê nhà được tham khảo về quy định này cho rằng, ai sẽ giám sát việc thực thi quy định này của chủ nhà và bên bán điện? Nếu chủ nhà “vi phạm” thì ai xử lý và mức xử lý sẽ như thế nào?

Dự thảo quy định bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình sổ đăng ký tạm trú hàng tháng, trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc thang từ 101-200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện.

Tuy nhiên, hiện nay, hóa đơn đều được hoàn thiện và chỉ đưa cho chủ nhà khi nhân viên đi thu tiền. Vậy với quy định mới này thì để tính toán cho ra con số hàng tháng liệu nhân viên nhà điện sẽ thu được mấy nhà/ngày khi vừa phải xác minh lại hàng tháng, vừa tính toán để cho ra con số đúng trên hóa đơn?

 Công Tâm
theo GĐ&XH

Từ khóa: