Sự kiện hot
12 năm trước

Quảng Nam: Hàng trăm ngôi nhà sắp trôi sông

Sau lũ, hơn 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu ở thôn Phước Yên, xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam đang đối mặt với sạt lở bờ sông.

Sau lũ, hơn 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu ở thôn Phước Yên, xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam đang đối mặt với sạt lở bờ sông.

Hàng ngày, dòng sông "ngoạm" vào đất liền vài mét đất.

Người dân đang đối mặt với sạt lở từng ngày

Đứng bên cạnh ngôi nhà mới xây hồi đầu năm, ông Nguyễn Quang Năm lo lắng: Trước, trong và sau mưa lũ, nước sông chảy cuộn, ăn sâu vào đất liền, chúng tôi sợ lắm. "Trước đây tôi xây nhà cách bờ sông vài chục mét, bây giờ nhà chỉ cách bờ sông chừng 10m. Hàng đêm ra bờ sông thấy sạt lở ầm ầm. Tôi không biết làm sao, đi cũng không được, mà ở thì lo" - Ông Năm nói.

Cũng như ông Năm, nhà của bà Nguyễn Thị Mua đang đối mặt với nguy cơ trôi sông khi nhà cách dòng sông chừng 12m. "Đợt mưa lũ vừa qua cả nhà tôi chẳng có ai ngủ được. Ban đêm nghe sông sạt lở ầm ầm, đứng trong nhà mà vẫn thấy chấn động. Gia đình tôi đang tìm nơi khác định cư mà chưa tìm được, đành phải chấp nhận sống liều thôi" - Bà Mua nói.

Theo người dân cho biết, chưa năm nào bờ sông sạt lở lớn như năm nay. Có ngày dòng sông "ăn" sâu vào hàng mét đất với chiều dài hơn 1.000m. Nhiều hộ dân có điều kiện đã dọn đi nơi khác. Những gia đình kinh tế eo hẹp đành đánh đu với số phận, sống chung với sạt lở. "Bây giờ mong các ngành chức năng nhanh chóng xây bờ kè vững chắc cho người dân chúng tôi yên tâm sinh sống và sản xuất. Nếu không được bảo vệ thì chỉ một mùa lũ nữa thì cả làng trôi sông" - Bà Mua than thở.

Được biết, hàng năm trên địa bàn huyện Đại Lộc có khoảng 50ha đất bị mất do tình trạng sạt lở, nhất là những xã ven sông. Tốc độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Hiện trên địa bàn huyện mới chỉ có 5km được kè, khoảng 14km bị sạt lở nặng chưa được kè trên tổng số 50km bờ sông chảy qua địa bàn huyện.

Trong lúc đang chờ dự án kè vững chắc, chính quyền nơi đây khuyến cáo người dân nên cảnh giác với sạt lở, nếu có nguy hiểm khẩn cấp thì báo nhanh với địa phương để có phương án hỗ trợ và di dời tạm. Đặc biệt, không nên xây mới nhà cửa những đoạn có nguy cơ sạt lở cao.

Ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - cho biết, huyện đã đề nghị UBND tỉnh khẩn cấp có phương án đối phó với sạt lở. Tiếp đó, huyện sẽ lập dự án để báo cáo với tỉnh, Trung ương xin xây kè vững chắc, việc này cần kinh phí rất lớn.

Đức Hoàng
Theo Giadinh

Từ khóa: