Sự kiện hot
7 năm trước

Quy hoạch Sơn Trà và giá thuốc làm nóng phiên chất vấn sáng 14/6

Quy hoạch Sơn Trà và giá thuốc ở Việt Nam là những vấn đề lớn được quan tâm trong phiên chất vấn Quốc hội sáng 14/6.

Chính phủ không để Đà Nẵng tự quyết quy hoạch Sơn Trà

Sáng 14/6, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục điều hành phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hoá - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL).

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao đổi làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến Quy hoạch khu du lịch Quốc gia Sơn Trà do kết thúc phiên làm việc chiều qua, một số đại biểu băn khoăn về vai trò của Chính phủ đối với quy hoạch này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ không để Đà Nẵng được quyết định quy hoạch Sơn Trà. Nếu để Đà Nẵng tự quyết thì hôm nay không có câu chuyện quy hoạch hay bàn luận về vấn đề có 300 phòng hay 1600 phòng.

Ông Vũ Đức Đam cho hay Chính phủ muốn Đà Nẵng chủ động hợn trong việc tiếp thu ý kiến về Sơn Trà. Còn ý kiến của tất cả các bên, cuối cùng Thủ tướng sẽ quyết định.

"Kể cả trong trường hợp chúng ta không phát triển du lịch ở Sơn Trà nữa thì cuối cùng Thủ tướng cũng quyết định", Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng cho biết thêm việc để Đà Nẵng chủ động hơn có hai lý do.

Thứ nhất, phải có sự đồng thuận của chính quyền, đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng. "Chúng ta đều yêu mến Sơn Trà và nhân dân Đà Nẵng cũng yêu mến Sơn Trà, nhân dân Đà Nẵng cũng đầy đủ trí tuệ để đóng góp cho quy hoạch của Sơn Trà", ông nói.

Thứ hai, trước đây khi chưa có quy hoạch thì Đà Nẵng cấp phép. Bây giờ có kế hoạch khác thì Đà Nẵng phải làm việc với các nhà đầu tư. Chúng ta giữ quy mô ở mức nào, 300 phòng như đại biểu Nghĩa nói hay bao nhiêu thì Đà Nẵng vẫn phải làm việc với chủ đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng, khi chính quyền Đà Nẵng vào cuộc sẽ có giải pháp tạo sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước.

Ông Đam khẳng định, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết vấn đề này trên tinh thần phát triển bền vững. Những yếu tố nào về bền vững chưa chắc chắn bây giờ sẽ để lại, vì muốn thực hiện bền vững phải có kinh nghiệm, quyết tâm và suất đầu tư lớn hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn sáng 14/6. Ảnh: Quochoi.

"Giá thuốc Việt Nam không cao"

Sau Bộ trưởng Nông nghiệp và VH-TT-DL, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là người tiếp theo trả lời chất vấn của Quốc hội khoá 14.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phượng liệu giá thuốc Việt Nam có cao hơn thế giới, Bộ trưởng Tiến khẳng định với các văn bản quản lý Chính phủ và Bộ ban hành thời gian qua thì thị trường thuốc Việt Nam giá ổn định, không tăng cao. Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra đánh giá độc lập là thuốc biệt dược và một số loại thuốc khác ở Việt Nam thấp hơn 10% so với trung bình 6 nước ASEAN…

Bộ trưởng Tiến khẳng định với các văn bản quản lý mà Chính phủ và Bộ đã ban hành thời gian qua thì đã giúp ổn định thị trường thuốc VN, không tăng cao; về chỉ số giá tiêu dùng của các mặt hàng thiết yếu thì giá thuốc chỉ đứng thứ 9-10, nghĩa là không tăng đột biến. Ngoài ra, theo bà, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra đánh giá độc lập là thuốc biệt dược và một số loại thuốc khác ở Việt Nam thấp hơn 10% so với trung bình 6 nước ASEAN…

Theo báo cáo trả lời chất vấn về quản lý giá thuốc, Bộ Y Tế cho biết trong thời gian qua đã triển khai quản lý công tác mua sắm thuốc đối với các khu vực bệnh viện công lập. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc để thực hiện Luật đấu thầu và nhằm tăng cường sự công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế.

Đồng thời, các Bộ cũng đã giải quyết các khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu thuốc. Với các giải pháp quản lý giá thuốc chặt chẽ, về cơ bản tình hình thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn.

Liên quan tới chênh lệch giá tại các bệnh viện, Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) chất vấn: "Báo cáo kiểm toán cho thấy nhiều thiết bị đắp chiếu, mới dùng đã hỏng. Giá vật tư giữa các bệnh viện khác nhau, thậm chí chênh lệch giá đến gần 7 lần. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào?"

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận tình trạng có máy đắp chiếu do ở nhiều máy phải đợi bảo trì nước ngoài đến. Một số thiết bị sử dụng chưa hiệu quả. Tuy nhiên Việt Nam là nước sử dụng công suất khá lớn. Do đó, đáng ra các nhà quản lý phải mua nhiều máy hơn và tốt hơn nữa.

"Về báo cáo kiểm toán chỉ ra chênh lệch giá cao gấp 6-7 lần, tôi nghĩ rằng, kiểm toán có quyền kết luận. Tuy nhiên, các bệnh viện cơ sở y tế không đồng thuận. Trang thiết bị y tế đa dạng về mẫu mã, cách đóng gói, cách sử dụng. Ví dụ cùng loại kim tiêm cánh bướm nhưng Bệnh viện Việt Đức mua 6.000 - 7.000 đồng. Nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy mua với giá cao gấp 7 lần do loại này có khoá, van, đầu vát hơn tránh đau cho người ghép tạng. Dù cùng hãng, cùng mẫu mã, cùng tên gọi nhưng giá cả và công năng sử dụng khác biệt", Bộ trưởng Tiến trả lời.

Tô Đức

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: