Sự kiện hot
13 năm trước

Quyết định của BoJ giúp cho đồng USD vững giá

Tại thị trường Tokyo phiên 20/5, đồng USD vững giá so với đồng yen, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ của mình và giữ lãi suất ở mức đáy (0-0,1%).

Tại thị trường Tokyo phiên 20/5, đồng USD vững giá so với đồng yen, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ của mình và giữ lãi suất ở mức đáy (0-0,1%).
 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
 
Cụ thể, đồng USD tăng nhẹ từ mức 81,6 yên/USD trong phiên 19/5 tại New York lên 81,67 yen/USD. Còn đồng euro lên giá so với cả USD và yen, được giao dịch ở mức 1,4318 USD/euro và 116,96 yen/euro.

Đồng tiền xanh đang phải chịu sức ép lớn khi những thống kê kinh tế yếu ớt của Mỹ đã đánh đi thông điệp rằng sức phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn mong manh.

Nhà giao dịch cảm thấy có ít lý do để "ủng hộ" đồng USD khi hoạt động chế tạo của Mỹ sa sút, doanh số bán nhà trì trệ và lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục tăng.

Sumino Kamei, chuyên gia phân tích cao cấp của Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ nhận định: đồng USD đêm qua rơi vào tình trạng bán tháo trong bối cảnh "sức khỏe" của kinh tế Mỹ yếu hơn mong đợi của thị trường.

Trong phiên 20/5, đồng USD giảm giá so với đồng SGD (Singapore), rupiah (Indonesia), TWD (Đài Loan) và won (Hàn Quốc). Tuy nhiên, đồng USD lại mạnh lên so với đồng nội tệ của Thái Lan và Philippines.

Trong khi đó, tại phiên 19/5 ở New York, đồng USD đã mất thế so với đồng euro do một loạt thống kê buồn về kinh tế Mỹ.

Theo chuyên gia Kathy Lien thuộc GFT, những thống kê này cho thấy rất ít khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất khi ngân hàng này kết thúc chương trình nới lỏng định lượng./.

Trước đấy, ngày 20/5, BoJ đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và giữ nguyên lãi suất ở mức 0-0,1%.

Động thái này cho thấy BoJ vẫn tin tưởng về triển vọng phục hồi kinh tế vào cuối năm nay, bất chấp Nhật Bản đã bị đẩy vào tình trạng suy thoái sau trận động đất-sóng thần ngày 11/3.

Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài trong hai ngày, báo cáo của BoJ nêu rõ: "Kinh tế Nhật Bản vẫn đối mặt với sức ép sụt giảm mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chủ yếu do những ảnh hưởng của thảm họa động đất và sóng thần."

Trước tình hình đó, BoJ sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng, đồng thời duy trì quỹ mua tài sản trị giá 10.000 tỷ yen để thúc đẩy lòng tin của các nhà đầu tư và kéo thấp lãi suất trong dài hạn.

Kinh tế "đất nước Mặt Trời mọc" trong quý I/2011 đã sụt giảm 0,9% so với quý IV/2010, và đánh dấu quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm. Như vậy, Nhật Bản đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật.

Chính phủ Nhật Bản dự báo triển vọng kinh tế quý II này có thể còn tồi tệ hơn do những vấn đề về chuỗi cung ứng, cùng nguy cơ thiếu điện trầm trọng sau thảm họa động đất-sóng thần và sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản có thể phục hồi vừa phải từ nửa cuối tài khóa 2011 khi hoạt động sản xuất phục hồi.

Sau thảm họa động đất, BoJ đã bơm hàng chục nghìn tỷ yen vào hệ thống ngân hàng, nâng quy mô quỹ mua tài sản lên 10.000 tỷ, đồng thời xây dựng chương trình hỗ trợ các ngân hàng tại khu vực động đất trị giá 1.000 tỷ yen, để đảm bảo các thể chế tài chính này đủ vốn duy trì hoạt động và phục vụ công cuộc tái thiết đất nước.
 

Hương Giang-Việt Khoa (Vietnam+)

Từ khóa: