Sự kiện hot
5 năm trước

Rối loạn xét tuyển cao đẳng, trung cấp, liên kết, liên thông

Các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đua nhau xét tuyển, liên kết đào tạo, liên thông loạn xị ngậu. Học Đại học chưa bao giờ dễ như thế!

Loạn xét tuyển Cao đẳng, trung cấp, liên kết đào tạo, liên thông

Nhiều trường trung cấp, cao đẳng, đại học xét tuyển cả khối học sinh trung học cơ sở. 

Sau một thời gian đào tạo bát nháo cấp những tấm bằng đỏ chóe. Cái mác Đại học có lẽ chưa bao giờ bị xuống giá như hiện nay.


Trường Trung cấp Y – Dược Cộng đồng Hà Nội đang chơi chiêu “rắn đóng giả lươn”

Viện Khoa học Giáo dục và Đào tạo trực thuộc Công ty Cổ phần Đào tạo và Tư vấn Đầu tư Hà Nội thông báo xét tuyển Cao đẳng, Đại học chính quy:

Trong thông báo: Thí sinh tham gia xét tuyển vào hệ Cao đẳng sẽ được cấp bằng Cao đẳng, có cơ hội được liên thông lên Đại học, cơ hội việc làm cao.

Gọi điện đến đường dây tuyển sinh, tư vấn viên cho biết: 

“Đối với thí sinh chỉ cần có học bạ là có đủ điều kiện để tham gia xét tuyển tại trường.

Bạn yên tâm cơ sở đào tạo, trang thiết bị đảm bảo ra trường có bằng đỏ của Bộ”.

Khi hỏi bằng do trường nào cấp thì người này lặng im không nói gì.

Bên cạnh việc xét tuyển Cao đẳng, Đại học được quảng cáo là hệ chính quy, cơ sở này còn nổi tiếng với việc cung cấp các chứng chỉ hành nghề spa, thẩm mỹ viện – quản lý kinh doanh thẩm mỹ, nối mi...

Trường Trung cấp Future Việt Nam dựa vào đâu để tổ chức các lớp thi và cấp chứng chỉ theo khung năng lực châu Âu (Ảnh:N.D)

Thí sinh chỉ cần nộp học phí tham gia khóa đào tạo ngắn hạn từ 1,5 – 3 tháng là có thể được cấp chứng chỉ. 

Loại chứng chỉ này được dùng trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, các thẩm mỹ viện và spa.

Điều đáng nói bên trung tâm cũng cam kết một dịch vụ đóng tiền là có chứng chỉ. 

Quan trọng hơn chứng chỉ này được quảng cáo là chứng chỉ thật do Bộ Lao động thương binh và xã hội cấp được phép lưu hành toàn quốc.

Ngoài ra trung tâm còn có dịch vụ lấy chứng chỉ nhanh mà không cần phải học. 

Nguy hiểm thay những loại chứng chỉ được cấp phép bừa bãi lại được sử dụng trong các lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Không có trụ sở chính, trường Trung cấp Y - Dược Cộng đồng Hà Nội vẫn tổ chức tuyển sinh rầm rộ (Ảnh: N.D)

Hậu quả sẽ như thế nào nếu người dùng chứng chỉ không có kiến thức sẽ rất nguy hiểm?

Một trường hợp khác: Trường trung cấp Future Việt Nam thuộc quản lý của Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh bị phản ánh không cần thi, chỉ có tiền là được cấp chứng chỉ.

Theo đó trên trang web của trường trung cấp Future Việt Nam liên tục tuyển sinh các lớp học và cấp chứng chỉ cho một số ngành nghề như chăm sóc sức khỏe, y tế, cơ khí, xây dựng...

Trường này còn quảng cáo rất hoành tráng tổ chức các thi và cấp các loại chứng chỉ tin học theo thông tư 03, chứng chỉ tiếng anh trình độ B, C của Bộ, chứng chỉ Tiếng Anh A2, B1, B2 khung châu Âu.

Không những vậy trường còn cam kết: thời gian ôn thi ngắn nhất, hiệu quả cao nhất, có chứng chỉ nhanh nhất.

Câu hỏi đặt ra: Dựa vào đầu mà trường trung cấp Future Việt Nam dám đứng ra tổ chức thi A2, B11, B2 khung châu Âu trong khi hiện nay chỉ có 8 trường Đại học tại Việt Nam được cấp phép thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực châu Âu.

Trường cứ quảng cáo cho “sướng miệng” còn thì sinh nộp tiền vào đôi khi mất tiền oan cho những tờ chứng chỉ vô giá trị.

Chất lượng của việc đào tạo tại một số trường Trung cấp bị đặt dấu hỏi (Ảnh:N.D)

Không chỉ có các trường trung cấp đang tuyển sinh một cách bát nháo, nhiều trường cao đẳng, đại học cũng tham gia vào thị trường này.

Lấy ví dụ trường Đại học Việt Hung, trong thông báo tuyển sinh cử tuyển cả học sinh trung học cơ sở. 

Nhưng khi tìm hiểu ra mới biết trường Việt Hung tuyển sinh học sinh cấp 2 cho trường Trung cấp Y Dược Cộng đồng Hà Nội.

Hình thức liên kết đào tạo giữa các trường Trung cấp và các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay khá phổ biến. 

Trường Trung cấp cần danh tiếng cũng như uy tín của các trường Đại học để câu tuyển sinh. Trong khi đó các trường Đại học cũng được hưởng lợi từ sự liên kết này.

Ngoài ra nhiều trường hiện nay liên kết đào tạo và liên thông không đúng chuyên ngành. 

Lấy ví dụ trường Đại học Công nghiệp Việt Hung liên kết đào tạo và liên thông với trường Trung cấp Y – Dược Cộng đồng Hà Nội.

Cấp phép kiểu này có chết không cơ chứ!

Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Một trường không có trụ sở chính, cơ sở vật chất kém chất lượng mà lại đi đào tạo ngành liên quan đến y tế thì có chết người không cơ chứ?

Đây là trường hợp của trường Trung cấp Y- Dược Cộng đồng Hà Nội. Một trường khác mới đây cũng bị Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phanh phui hoạt động đào tạo kém chất lượng đó là trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam bị tố cơ sở đào tạo không đáp ứng, chất lượng kém.


Cao đẳng công nghệ Y- Dược Việt Nam có cái gì đâu mà chiêu sinh rầm rộ?

Viện Khoa học Giáo dục và Đào tạo chúng tôi phản ánh ở trên cũng là một trong những cơ sở cấp chứng chỉ liên quan đến các ngành nghề chăm sóc sức khỏe.

Điều này thực sự rất đáng lo ngại? Bởi các trường trung cấp, viện, trường cao đẳng, đại học đào tạo sinh viên thế này sau khi ra trường liệu có đáp ứng đủ chuyên môn và nghiệp vụ.

Vai trò của các cơ quan quản lý ở đâu? Nên nhớ Trường Trung cấp Y- Dược Cộng đồng Hà Nội mặc dù không có trụ sở chính, cơ sở vật chất kém chất lượng nhưng lại được Sở Lao động Thương binh và Xã Hội thành phố Hà Nội cấp giấy phép hoạt động.

Trường trung cấp Future Việt Nam cũng do Sở  Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh quản lý.

Trên tấm biển của trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam cũng ghi dòng chữ rất rõ, rất nổi bật: Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.

Chứng chỉ của Viện Khoa học Giáo dục và Đào tạo được quảng cáo là phôi thật do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp.

Chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao trường Cao đẳng, Trung cấp không có trụ sở chính là vẫn được cấp phép? 

Nên nhớ đây là những ngôi trường có thật, đào tạo thật nhưng một cái trụ sở chính, cơ sở đào tạo không phải là hạt đỗ, hạt gạo dấu trong gấu áo mà có thể dấu được.

Không có trụ sở chính, trường Trung cấp Y - Dược Cộng đồng Việt Nam vẫn được Sở cấp phép hoạt động (Ảnh: N.D)

Thế nhưng những ngôi trường này vẫn ngang nhiên tuyển sinh, tồn tại.

Trong quá trình tư vấn cho phụ huynh, một tư vấn viên của Trường Trung cấp Y – Dược Cộng đồng Hà Nội vô tình tiết lộ:

“Như mọi năm trường tuyển ồ ạt nhiều lắm. Nhưng năm nay văn bản chỉ đạo từ trên xuống nói chỉ tiêu tuyển sinh bị hạn chế.

Lý do là họ sợ trường tuyển vô tội vạ. Ngân sách nhà nước vẫn rót cho trường vì học sinh sẽ được miễn học phí”.

Xâu chuỗi những sự kiện này chúng tôi đặt nghi vấn: Có hay không việc tuyển sinh ồ ạt, bất chất hoạt động đào tạo kém chất lượng để để hưởng ngân sách và vặt tiền của phụ huynh học sinh?

Đơn cử trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam có diện tích và quy mô rất khiêm tốn, chất lượng cơ sở vật chất tồi tàn nhưng trường vẫn thu gần 5 triệu đồng/ học kỳ. 

Mức học phí cao không đi đôi với chất lượng (Ảnh:N.D)

Mức học phí tương đối cao nhưng sinh viên lại không được thụ hưởng những gì tốt nhất.

Trở lại câu chuyện, chúng tôi đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy học của những trường bát nháo như trên. 

Thật đáng lo ngại nếu hàng năm với chất lượng đào tạo như thế lại liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của con người? Như thế có chết không cơ chứ!

Nam Dương
Theo Giaoduc.net

Từ khóa: