Sự kiện hot
7 năm trước

Rủi ro khi sở hữu kỳ nghỉ ALMA

Nhiều người đang ngậm trái đắng vì bỏ hàng trăm triệu đồng sở hữu kỳ nghỉ của Công ty TNHH Khu Du Lịch Vịnh Thiên Đường (ALMA).

 Khốn khổ vì mua kỳ nghỉ trăm triệu

Ngày 27/6/2017, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương có công văn yêu cầu ALMA tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, cung cấp đầu mối liên hệ cho khách hàng ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với công ty và báo cáo về Cục trước ngày 9/7/2017.

Trước đó, đã có nhiều người bức xúc lên tiếng tố cáo cách ứng xử của ALMA đối với khách hàng ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ tại ALMA.

Được biết, khu nghỉ dưỡng ALMA được xây dựng tại Bãi Dài - TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

Thông tin từ ALMA xác nhận, tháng 4/2017 dự án mới được cấp giấy phép xây dựng nhưng đã ký hợp đồng mua bán dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ với khách hàng từ năm 2013.

Theo quảng cáo từ chủ đầu tư, dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ là mô hình nghỉ dưỡng mang lại quyền sở hữu không gian nghỉ dưỡng cho các gia đình vào mỗi kỳ nghỉ cố định hàng năm, trong đó, người sử dụng sẽ sở hữu một hoặc vài tuần nghỉ trong một khu nghỉ dưỡng kéo dài suốt đời dự án.

Một điểm đặc sắc của loại hình này chính là khả năng trao đổi kỳ nghỉ giữa những người sở hữu với nhau.

Dự án ALMA tại TP. Nha Trang chỉ là bãi đất trơ trọi sau 4 năm xây dựng.

Đầu tháng 10/2016, chị N.V.K (ngụ Q.1, TP. HCM) được nhân viên bán hàng tại ALMA mời mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ. Trong suốt quãng thời gian môi giới, nhân viên của ALMA luôn tỏ ra gấp gáp, hối thúc chị V.K nhanh chóng ký hợp đồng, thực hiện nghĩa vụ tài chính để được hưởng ưu đãi.Nghe lời quảng cáo này, nhiều người đang ngậm trái đắng vì nỡ ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ tại ALMA.

Cụ thể, giá trị hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ 1 tuần mỗi năm, trong 40 năm  từ 140.000 – 168.000 USD ( tương đương từ 317 triệu đồng – 380 triệu đồng).

Theo quy định của ALMA, chị V.K phải đóng đủ 30% thì mới được hưởng các ưu đãi. Tuy nhiên, sau khi đóng tiền, chị V.K mới tìm hiểu thì trong hợp đồng không bao gồm chi phí đi lại, ăn uống trong kỳ nghỉ.

"Khoản tiền hàng trăm triệu đồng khi ký chỉ là tiền phòng trong kỳ nghỉ. Nếu tính bài toán kinh tế thì đây là số tiền quá đắt chỉ để thuê chỗ ngủ mà lại còn bị phụ thuộc vào bên khác. Không những thế, hàng năm khách hàng còn phải đóng cho ALMA khoản phí duy trì hợp đồng" - chị V.K kể.

Khi thắc mắc về những khoản phí vô lý này, chị V.K chỉ nhận được câu trả lời chung chung từ ALMA.

Chấp nhận đầu tư sai lầm, chị V.K đề nghị ALMA được nhượng lại kỳ nghỉ mình đã mua cho người khác để thu lại 50% chi phí nhưng không được ALMA chấp nhận.

Theo tìm hiểu của PV, hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" mà ALMA ký với khách hàng có thời hạn 40 năm.

Trong đó, có cả những khách hàng đã ngoài 70 tuổi vẫn được nhân viên của ALMA tiếp cận, chào bán kỳ nghỉ. Nhiều khách hàng còn tố cáo ALMA "ngâm" giấy chứng nhận quyền sở hữu kỳ nghỉ, không bàn giao cho khách hàng khi 2 bên đã ký hợp đồng.

Hợp đồng trái luật?

Nói về dịch vụ "sở hữu kỳ nghỉ" của ALMA, ông Phạm Thế Thắng - Phó giám đốc một công ty môi giới BĐS ở TP. Hà Nội khẳng định: "Đây không phải là bất động sản!".

Theo ông Thắng, dịch vụ "sở hữu kỳ nghỉ" về bản chất giống như thuê phòng dài hạn trong một khoảng thời gian cố định.

"Một hợp đồng dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ có thời hạn 40 năm, khách được nghỉ 1 tuần/năm có giá trị khoảng 400 triệu đồng thì giá phòng tương đương trong khoảng 1 triệu đồng/ngày đêm" - ông Thắng đặt phép tính.

Ông Thắng phân tích thêm: "Việc trao đổi kỳ nghỉ chỉ thực sự thành hiện thực khi dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm này chữa thể khẳng định chắc chăn ALMA bao giờ xây dựng xong vì đã chậm tiến độ nhiều năm nay".

Còn Luật sư Phạm Văn Nguyên - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đặt ra câu hỏi về giá trị pháp lý hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" của ALMA:

"Hiện tại, Việt Nam chưa cho phép hình thức mua bán kỳ nghỉ.  Cụm từ "sở hữu kỳ nghỉ" cũng chưa được ngành Công thương chứng thực. Vậy hợp đồng ALMA ký với khách hàng có hợp pháp?".

Ông Nguyên cho biết, nếu hợp đồng này không hợp pháp thì khách hàng có thể sẽ mất trắng số tiền đã đóng theo hợp đồng. Cơ quan công an cũng có thể điều tra yếu tố hình sự xung quanh việc ALMA ký kết hợp đồng với khách hàng.

Còn trong trường hợp hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" của ALMA hợp pháp, khách hàng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đặt bút ký vì tính rủi ro rất cao. "Sở hữu kỳ nghỉ là người tiêu dùng bỏ tiền thật để mua giá trị ảo. Không ai biết trước được 40 năm tới sẽ xảy ra điều gì với mình, khi đó kỳ nghỉ mình sở hữu sẽ như thế nào?" - ông Nguyên nói.

Chủ đầu tư ALMA bị phạt 30 triệu đồng vì chậm tiến độ

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa vừa tiến hành kiểm tra và xử phạt 30 triệu đồng đối với dự án Alma vì dự án quá chậm tiến độ, vi phạm cam kết và giấy phép đầu tư đã được cấp.

Được biết, dự án ALMA gồm tòa nhà chính cao 14 tầng, nhà hàng cao 2 tầng, siêu thị cao 3 tầng, các công trình phụ trợ cao 1 tầng, cụm khách sạn cao 4 tầng, các công trình thể thao cao từ 1 đến 3 tầng, khu biệt thự nghỉ dưỡng cao 4 tầng, khu căn hộ du lịch cao 20 tầng. Tổng đầu tư của toàn bộ dự án khoảng 486 tỷ đồng.

Hiện nay tại dự án ALMA đã xây dựng nhà tạm phục vụ thi công và triển khai 419 cọc móng khối khách sạn trung tâm, thi công phần thô đến tầng 13, phần thân khối condotel và phần thô tầng 8 khối khách sạn trung tâm.

Tổng giá trị thực hiện của dự án đến nay đạt khoảng 180 tỷ đồng.


Tiến Hoàng
Theo báo Đất Việt

Từ khóa: