Sự kiện hot
10 năm trước

Sắc xuân trên chợ nổi ngã Năm

“Ghe chiếu Cà Mau cắm sào bên dòng kinh Ngã Bảy/ Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào …”. Nếu Cần Thơ có chợ nổi Ngã Bảy với bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” thì Sóc Trăng có chợ nổi Ngã Năm trên bến dưới tàu ghe nức tiếng khắp vùng.

Vì sao có địa danh Ngã Năm thân thuộc, đằm thắm tình người? Bởi con sông đổ nước về năm ngả: Một là Ngã Năm đi Long Mỹ (Hậu Giang); hai là đi Vĩnh Quới (Sóc Trăng); đi Phụng Hiệp (Hậu Giang); bốn là đi Phước Long (Bạc Liêu) và năm là đi Phú Lộc (Sóc Trăng). Chợ nổi Ngã Năm nằm ngay giữa khu vực giao điểm của con sông chia nước về năm ngả; gánh trên mình sắc biếc sông nước miền Tây.

Muốn về thăm chợ nổi Ngã Năm với muôn sắc màu Tết, chúng ta đi theo đường nào? Khi xe về tới Thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị- Sóc Trăng), chúng ta rẽ về bên phải theo tỉnh lộ 42 khoảng chừng 25 cây số là tới Ngã Năm và cùng xuống ghe thăm một vòng chợ nổi.

Theo lời các bậc cao niên kể lại, khoảng thế kỷ XVIII, vùng Ngã Năm này chỉ bạt ngàn lau, sậy; dừa nước dọc bờ sông mọc um tùm. Đường đi lại thông thương hầu như không có, chủ yếu chỉ có những con rạch nhỏ hình thành do thú rừng di chuyển mà thành dấu đường. Bốn bề mênh mông, bịt bùng cỏ hoang, rừng rậm muỗi mòng, đỉa vắt, cá tôm, và cá loài thú lớn như trâu, voi, heo rừng, lắm khi có cả cọp cùng sinh sống.

Cũng theo lời các vị cao niên, những người dân tứ xứ đầu tiên đến vùng này thường gặp những bầy trâu rừng đông đến cả ngàn con đi nườm nượp. Voi tượng đi lại ngênh ngang khắp chốn. Heo rừng đánh nhau với trâu, với cọp không phải là hiếm. Dấu vết chúng đi tạo thành dòng chảy của nước. Mùa nước nổi vùng này trắng xoá một màu như biển cả mênh mông.

Đến đầu thế kỷ XX, tiện việc cho các điền chủ vận chuyển lúa gạo và cũng để rút nước từ những cánh đồng cò bay thẳng cánh, lấy đất cho tá điền mướn cấy lúa, người Pháp cho đào Kênh Xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, chạy dài từ Ngả Bảy đến tận Cà Mau. Có con kênh ấy, nước đồng rút cạn, đất đai màu mỡ cho những vụ mùa bội thu. Năm ngả sông cũng từ đó mà hình thành như đã nói ở trên.

Địa danh Ngã Năm hình thành, chợ Ngã Năm cũng có sau đó không lâu khi cư dân khắp nơi về tụ hội.

Chợ Ngã Năm trước nay được xem như một chợ đầu mối trên sông chuyên bán sỉ các loại nông sản trong vùng. Từ những hoa màu trồng ở vườn nhà như mướp, bầu bí, dưa leo, mía, khóm, khoai củ các loại, đến các loại rau rừng mọc hoang được nhổ về như năng, choại, rau dừa, rau ngổ, bông súng, điển điển… đều được mang ra chợ bán. Mùa Tết dưa hấu và hoa cúc vạn thọ vàng rực cả năm ngả sông. Các loài hoa khác cũng đua nhau khoe sắc, tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền lung linh, huyền ảo và có một cái gì đó rất đỗi cổ xưa làm rưng rưng lòng người khi xuân về Tết đến.

Tuyến đường sông từ Ngã Năm sang Long Mỹ (Hậu Giang), ghe thương hồ đậu san sát. Hàng hoá từ Ngã Năm đi các vùng lận cận và từ các vùng Cà Mau, Bạc Liêu, Phụng Hiệp… quay về đây phục vụ lại cho bà con.

Chợ nổi Ngã Năm đã trở thành một nét văn hoá kinh tế thương hồ của cha ông tồn tại hơn một thế kỷ qua.

Đã là dân thương hồ rày đây mai đó, trả giá mua bán sòng phẳng xong đường ai nấy đi không lùm xùm dây dưa nên đâu có chuyện mếch lòng! Cảnh sông nước lênh đênh nay chìm mai nổi nên tình người ở chợ đã trở thành bản sắc riêng của chợ nổi như nhiều người thường nói là chợ nghĩa, chợ tình.

Những ngày tháng Chạp, chợ Tết diễn ra trên sông nước vô cùng nhộn nhịp, tươi vui, đầy sắc màu tô đậm thêm bản sắc của vùng quê sông nước. Nào bánh tét từng đòn tròn lẳn, mỡ màng; nào bánh ú, bánh ít và cùng nhiều thứ bánh khác đua nhau mời gọi khách ghé thăm ghe. Các loại trái cây bán trong ba ngày chợ Tết dùng để trang trí bàn thờ cúng đều đầy đủ. Đó là mãng cầu (Cầu), dừa (Vừa), đu đủ (Đủ), xoài (Xài). Phải chăng người dân vùng sông nước cầu mong cho một năm no đủ, yên lành …

Ở chợ nổi Ngã Năm này, thời xa xưa luôn hiện lên hình ảnh những người phụ nữ miệt vườn, miệt ruộng nhịp nhàng khua mái chèo trên những chiếc xuồng ba lá, hay lớn hơn là chiếc ghe tam bản ra chợ mua sỉ hàng từ những ghe chài rồi chèo đi len lỏi khắp kênh rạch để bán lại cho bà con. Cũng từ cuộc sống lao động đó, thân hình người con gái vùng quê sông nước thường rất thon thả, dịu dàng.

Những chiếc “xuồng hàng” có khi cũng được chở bằng “ghe”, chứ không hẳn chở bằng “xuồng”. Gọi là xuồng hàng, dân trong vùng muốn nói đến những người bán hoa quả tươi sống trên sông. Còn danh từ “ghe hàng” dùng để chỉ những người buôn bán lớn hơn, hàng hoá phần lớn là sản phẩm công nghiệp như dầu ăn, xà bông, bột ngọt, đường, nước mắm...

Ngày nay, kinh tế phát triển nên các xuồng ghe đi lại thường gắn máy đuôi tôm. Hình ảnh những chiếc áo ba ba lả lướt cùng hai mái chèo đẩy xuồng, ghe tiến lên giữa dòng nước ngược đã dần dần vắng bóng!

Ở chợ nổi lại có những chiếc xuồng nhỏ chèo len lỏi bán hàng cho các chủ ghe. Từ thức ăn như bún nước lèo, bánh tằm, bánh khọt, nước đá cà phê, đến thịt heo cá lóc. Nghĩa là những chủ ghe vừa bán hàng, vừa có từ cây kim sợi chỉ đến mì gói, kem đánh răng, … phục vụ tận nơi ghe! Họ không phải lên bờ đi lại từ nơi này qua nơi khác. Không khí mua bán càng thêm tấp nập nhộn nhịp, kẻ mua người bán hết sức đa dạng và thường ngày tất cả đều diễn ra trên mặt sông nước.

Khi chiều về, việc buôn bán đã ngơi tay, vì chợ chỉ tấp nập từ 3 – 4 giờ sáng đến trưa. Trừ ngày Tết chợ bán cả đêm, còn thì cũng rảnh rỗi. Và năm ba chủ ghe, đậu gần nhau cùng sang mui ghe của ai đó “chén chú chén anh”, lai rai vài xị đế để ngủ cho ngon! Những câu hò điệu hát, những bài ca vọng cổ ngọt ngào cất vang cả vùng sông nước xôn xao sóng vỗ.

Đêm chợ Tết đến, đứng trên bờ nhìn xuống, chợ nổi lung linh với đủ loại màu sắc của ánh đèn. Ngày thường, chợ nổi chỉ bán đến 8 – 9 giờ, sau đó mọi người nghỉ ngơi để lấy sức … dậy tiếp tục công việc từ 3 – 4 giờ sáng hôm sau. Tất cả mọi sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên những chiếc ghe ấy. Ghe hết hàng lại xuôi ngược lên Ngã Bảy hoặc xuống Bạc Liêu, Gành Hào, có khi lên tận vùng Châu Đốc, Long Xuyên hay Cao Lãnh, Gò Công …

Cứ thế, ngày thường chợ đã nhộn nhịp; ngày Tết lại càng tấp nập xuồng ghe xuôi ngược nhiều hơn. Đâu đây văng vẳng một câu hò sải dài trên sóng nước. Rồi tiếng hò ơ đáp lại, nghe xao xuyến lòng người.

Rồi chợ vãn dần cho đến tận trưa ba mươi Tết, mọi ghe xuồng hối hả, sải những sải chèo mạnh mẽ, theo con nước về quê để kịp cúng cơm chiều ba mươi. Chợ Tết và sắc màu Tết đã theo mỗi con người toả về muôn ngả. Biết bao niềm vui khi Tết đến, mang về bao hy vọng cho một năm mới tốt lành.

Trong mỗi mái ấm gia đình, họ quây quần bên nhau, cùng ôn lại một năm dài xuôi ngược vất vả làm ăn trên sông nước. Ly rượu vơi dần và nỗi nhớ vun đầy thêm. Họ ôn lại những nghĩa tình sông nước, những bạn xuồng, bạn ghe tứ xứ; giờ này đã về vui cùng tổ ấm hay vẫn còn lênh đênh dặm dài về quê Mẹ ?

Có dịp nào về Sóc Trăng trong những ngày giáp Tết, mời bạn về chợ nổi Ngã Năm để hiếu thêm vẻ đẹp của vùng quê, vẻ đẹp của con người vùng sông nước Cửu Long…

Thạch Bình

Từ khóa: