Sự kiện hot
11 năm trước

Sau sự cố úng ngập sông Nhuệ (Hà Nội): Cứ lấn hành lang, cả làng còn ngập

Sau khi cơn bão số 6 qua đi, việc sông Nhuệ phải xả nước vào nội đô khiến dư luận cảm thấy lạ. Nhưng đó là điều tất yếu, bởi mỗi lần nghe dự báo có mưa là người dân ven sông Nhuệ lại lo sốt vó...

Sau khi cơn bão số 6 qua đi, việc sông Nhuệ phải xả nước vào nội đô khiến dư luận cảm thấy lạ. Nhưng đó là điều tất yếu, bởi mỗi lần nghe dự báo có mưa là người dân ven sông Nhuệ lại lo sốt vó...


Nhà tạm, rác thải lấn ra sông Nhuệ. Ảnh: H.Phương.

Ngày càng ngập nặng

Thị sát dọc hệ thống sông Nhuệ từ cống Liên Mạc (huyện Từ Liêm) đến Phú Xuyên mới thấy, mỗi trận mưa trút xuống, sông Nhuệ lại oằn mình tiêu nước một cách vật vã. Sự úng ngập cục bộ đã làm đảo lộn cuộc sống người dân dọc cả tuyến sông. Đặc biệt phần chảy qua huyện Thanh Trì.

Xã Tả Thanh Oai nằm dọc theo bờ tả sông Nhuệ thuộc huyện Thanh Trì, xưa kia có tên là Kẻ Tó. Đây là xã lớn với trên 18.000 dân, chưa kể 5.000 người đến làm ăn tạm trú. 4 thôn của xã: Tả Thanh Oai, Nhân Hòa, Thượng Phúc, Siêu Quần và xóm dân cư Cầu Bươu. Mỗi thôn, xóm có cái khó, cái khổ riêng, nhưng khổ chung là cảnh ngập lụt mùa mưa.

Bà Nguyễn Thị Thái, chủ cửa hàng tạp hóa ở Tả Thanh Oai cho biết đã sống ở đây hơn 60 năm, có năm ngập nặng, năm ngập ít nhưng càng ngày mức độ ngập càng dày hơn. “Trước đây mưa to lắm, nước chỉ tràn lên đến thềm nhà. Vậy mà hôm trước mưa to 2 tiếng đồng hồ nước tràn vào nhà trên 30cm. Cả nhà hì hục cả đêm tát nước, dọn đồ muốn sụm cả lưng. Có lần nước ngập hỏng hết cả gạo và mì tôm, phải cho lợn hàng xóm. Sáng ra ngoài đường vẫn còn mênh mông nước không thể đi lại. Không những thế ở ngoài bãi cứ xôn xao khả năng vỡ đê. Lo ơi là lo”, bà Thái than thở.

Bà Thái còn cho biết thêm: “Mỗi lần mưa trút xuống, nước dềnh lên, ngập sâu đã đành, mang tiếng nằm cạnh sông nhưng nước rút rất chậm. Sau mỗi trận mưa lớn, các trục giao thông huyết mạch qua xã, nhất là trục đường ven sông Nhuệ đều thành sông, có những người đi đường bị sục xuống sông vì chẳng còn ranh giới giữa đường bộ và đường thủy”.

Sau những cơn mưa to ấy, cuộc sống của người dân ở đây bị xáo trộn hoàn toàn. Cách cửa hàng bà Thái không xa, anh Hồ Đức Bình đang chỉ đạo anh em trong cửa hàng khiêng những thùng giấy đã ngấm nước, rệu rã xếp gọn ở một góc nhà do bị ngập nước. Lúc thuê cửa hàng bán máy lọc nước ở đây, anh Bình đâu có biết cứ vào mùa mưa nước dâng cao thế này, để mà chọn chỗ cao. “Sau một đêm mưa, sáng đến thấy đồ trong nhà nổi lềnh bềnh, thậm chí có cá chui cả vào nhà”, anh Bình cho biết.

Người dân ở xóm Cầu Bươu, Tả Thanh Oai than phiền rằng mỗi lần mưa, nước sông với đủ thứ phế thải trên đời trôi dạt cả vào nhà. “Xác chuột chết trôi nổi là thường, thậm chí còn có cả xác chó mèo chết, rác thải tập kết ở ven sông đã bốc mùi được nước đẩy vào tận nhà. Bẩn nhưng biết làm sao được”, bà Thái nói.


Kè tạm ngăn nước sông Nhuệ ở khu vực Tả Thanh Oai.

“Gậy ông đập lưng ông”

Theo bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ, năng lực tiêu nước của sông Nhuệ chỉ được thiết kế ở mức 9l/s/ha, nhưng nay đã lên tới gần 20l/s/ha. Vì vậy, việc không đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát trong mùa mưa lũ là lẽ thường. Cũng theo bà Hạnh, trong khi năng lực tiêu tăng lên thì tốc độ đầu tư cho hạ tầng trên hệ thống sông Nhuệ lại chưa tương xứng như: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, dự án cụm công trình đầu mối Liên Mạc đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn đang chờ…

Cứ đến mùa mưa bão, sông Nhuệ lại oằn mình tiêu nước cho toàn bộ khu vực phía Tây Hà Nội đổ về. Vì sao càng ngày con sông này càng trở nên quá tải?

Xã Tả Thanh Oai có gần 10km đường đê giáp với sông Nhuệ, trong đó trục đường chính mang tên phố Tả Thanh Oai chạy song song với con sông. Theo quan sát của chúng tôi, đây là đoạn sông Nhuệ bị lấn chiếm nghiêm trọng với nhiều ngôi nhà tạm, nhà cấp 4 mọc san sát. Bên cạnh đó là hàng kilomet rác thải tập kết bừa bãi lấn ra lòng sông. Do khu vực hai bên bờ sông Nhuệ vẫn chưa được kè lát, vì vậy nhiều hộ dân đã đóng cọc, đổ đất lấn chiếm lòng sông, hành lang bờ sông Nhuệ với mục đích làm nhà tạm để ở, dựng kiốt kinh doanh, bãi tập kết vật liệu xây dựng… Lòng sông đã bị chèn ép một cách quá đáng.

Không chỉ riêng khu vực Tả Thanh Oai chịu ngập lụt. Trong đợt mưa bão số 6 vừa qua, trên địa bàn huyện Thanh Trì có gần 200m đê trong tình trạng rò rỉ và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Trong đó, khoảng 40m sạt lở nặng, ăn sâu vào thân đê từ 60-70cm thuộc địa bàn xã Đại Áng. Hiện, toàn bộ đoạn đê sạt lở đã được xã Đại Áng xử lý, gia cố bằng cọc tre, phên nứa. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phương án đối phó, chứ chưa thể nói là phòng chống về lâu, về dài được.

Theo thống kê của Tổng công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ, trên địa bàn Hà Nội có tới hơn 5.000 vụ vi phạm hành lang đê điều. Trong đó, phần lớn là số vụ vi phạm xây dựng nhà cấp 3, cấp 4, xưởng lều lán với diện tích lấn chiếm lên tới gần 120.000m2 đất không hợp pháp, chưa kể tới những công trình, nhà cửa đã tồn tại do lịch sử để lại. Điều đáng nói là vi phạm cũ chưa giải tỏa được, trong khi đó vi phạm mới đã mọc lên.

Sông Nhuệ là một trong những trục tiêu thoát nước chính của Hà Nội. Sau sự cố phải thoát nước ngược vừa rồi nước sông Nhuệ cũng đã rút đi, cuộc sống người dân ven sông đã trở lại bình thường. Nhưng hai bờ sông vẫn còn đó những nhà tạm, bãi rác. Bài học ai cũng thấy được, nhưng giải quyết nó thì dường như vẫn còn là bài toán khó cho các cơ quan chức năng. Vì vậy, mỗi lần trời xám xịt, sự lo lắng về viễn cảnh rác từ sông Nhuệ  trôi đầy nhà lại hiển hiện đối với người dân nơi đây.

Hà Phương
theo GĐ&XH

Từ khóa: