Sự kiện hot
11 năm trước

Sim S-Fone giá 250 triệu dù mạng nguy cơ xóa sổ

Sim 09.56.56.56.56 của S-Fone vẫn được niêm yết với giá lên tới gần 250 triệu đồng dù nhà mạng này thường xuyên mất liên lạc.

Sim 09.56.56.56.56 của S-Fone vẫn được niêm yết với giá lên tới gần 250 triệu đồng dù nhà mạng này thường xuyên mất liên lạc.

"Thuê bao quý khách vừa gọi đang tạm khóa..." là thông báo mà hầu hết các khách hàng nhận được khi liên lạc với các số điện thoại của S-Fone. Tuy nhiên, điều đó không làm giảm giá sim đẹp của nhà mạng này, khi nhiều trang mạng vẫn rao bán những chiếc sim ngũ quý, phát lộc... của S-Fone ở mức hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Trên các trang mạng mua bán sim số đẹp như tongkhosim, simsodep, simso…, nhiều chiếc sim S-Fone được liệt vào loại số taxi, lặp-ghép, số tứ quý-tam hoa được rao bán với giá trên 100 triệu đồng.  Ngoài sim 09.56.56.56.56 được bán giá 243 triệu đồng, 2 số sim 0959.66.77.88, 0953.888.999 có giá niêm yết là 133 triệu đồng.


Giá sim đẹp vẫn "ngất ngưởng" ở mức trăm triệu dù các số điện thoại đã kích hoạt của mạng này đang trong tình trạng không liên lạc được.

Chủ một website mua bán sim đẹp trên mạng cho biết, sim S-Fone vẫn giữ nguyên giá đó kể từ thời điểm nhà mạng này vướng vào hàng loạt tin đồn ngừng dịch vụ, sập mạng, mất liên lạc. "Những sim đẹp kiểu tương tự của Viettel, MobiFone hay VinaPhone chắc chắn sẽ có giá gấp vài lần, thay vì mức dưới 20 triệu như sim S-Fone. Khủng hoảng thì mới có giá đó, chứ trước đây sim S-Fone cũng có cái giá trăm triệu", chủ website này cho biết.

Theo vị này, giá sim S-Fone không thay đổi suốt nhiều tháng nay là do không có cầu về mặt hàng này. "Dù ế thế nào chăng nữa, sim cũng không thể giống như hàng hóa bình thường được. Giữ một chiếc sim đẹp, dân kinh doanh đã mất tiền mua qua nhiều khâu trung gian, giá bị đẩy lên nhiều lần, chưa kể tiền duy trì chiếc sim đó, nên chuyện giảm giá là rất khó. Đó là còn chưa kể đến việc có giảm giá bây giờ thì cũng chẳng có ai muốn mua".

Trong khi đó, anh Phạm Luân, chủ một cửa hàng sim tại đường Kim Mã, Hà Nội cho biết, trong kho sim đẹp hiện còn tồn rất nhiều sim S-Fone nhưng không thể bán được. "Tôi đang bị kẹt cả trăm chiếc sim S-Fone đủ loại, cả hàng đẹp lẫn hàng thường. Ngay khi S-Fone có dấu hiệu sập mạng, dù đã cố gắng giảm giá để chặn lỗ, nhưng sim vẫn không thể tiêu thụ được. Đã 5 tháng nay không có một chiếc sim S-Fone nào được hỏi mua cả”, chủ cửa hàng than thở.

Nhưng thay vì tìm cách trả lại công ty, chủ cửa hàng này vẫn cố gắng giữ lại để "chờ thời". "Tài nguyên số vốn không thể bỏ đi được nên S-Fone sẽ được hồi sinh theo một cách nào đó. Nếu không sáp nhập như EVN-Telecom thì cũng đổi tên, thay chủ như Beeline. Dù sao sim 10 số vẫn có giá hơn loại 11 số, bởi người dùng vẫn 'hắt hủi' loại sim này vì cho rằng đây là sim rác", người này dự đoán.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, cái kết của S-Fone vẫn còn đang phải chờ bởi công ty này vẫn chưa chính thức tuyên bố phá sản hay có động thái nào mới với thị trường. Riêng về quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền Thông, vị này nhấn mạnh rằng Bộ đã khẳng định không "cấp phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp nữa mà để thị trường tự quyết định. "Trong trường hợp S-Fone phá sản, đầu số sẽ được thu hồi và có thể tiến hành đấu giá cho các doanh nghiệp khác", vị này cho biết.

Hạ Minh
Theo Infonet

Từ khóa: