Sự kiện hot
7 năm trước

Sinh thường hay sinh mổ: Hãy "nhường" chỉ định cho bác sĩ

Nên sinh mổ hay sinh thường là câu hỏi băn khoăn của nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là những người sinh con lần đầu tiên.

Tuy nhiên có thể khẳng định, tỷ lệ sinh mổ ở Việt Nam ngày càng cao, và đang có xu hướng tăng nhanh hơn các nước trên thế giới. Nguyên nhân của vấn đề này là gì và phương pháp nào mang lại lợi ích nhiều hơn cho bà mẹ và thai nhi?

Việc sinh mổ đang bị lạm dụng

Với sự tiến bộ của y học, nhiều sản phụ đã hạn chế được cơn đau của quá trình "vượt cạn", cũng như hạn chế được một số tai biến có thể gặp phải trong quá trình sinh nở của sản phụ có tiền sử mắc bệnh tim, cao huyết áp, xương chậu nhỏ hay thai nhi lớn.

Tuy nhiên trong những năm gần đây xu hướng mổ lấy thai đang bị lạm dụng ở nhiều nước như Mexico, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Trung Quốc và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ sinh mổ ở các nước chỉ nên từ 10-15% trên tổng số ca sinh. Nhưng số liệu thống kê cho thấy nước ta có tỉ lệ các ca sinh mổ trung bình là 40%. Ở nhiều địa phương, con số này còn lên đến 60%.


Sản phụ nằm chờ sinh tại bệnh viện

Nguyên nhân khiến các sản phụ lựa chọn phương pháp sinh mổ thay thế cho sinh thường được cho là do sợ đau đớn khi vượt cạn, sợ tổn thương vùng nhạy cảm, tổn thương đáy chậu và không ít người sinh mổ vì muốn lựa chọn giờ đẹp, ngày tốt.

Trong từng trường hợp, sinh mổ có thể là phương pháp an toàn, nhưng khi bị lạm dụng, phương pháp này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe của cả trẻ và mẹ.

"Chỉ định sinh mổ hay sinh thường hãy nhường cho bác sĩ..."

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc - Nguyên trưởng khoa Sản, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: "Trước kia, khi ra được phương pháp sinh mổ đã giải quyết đáng kể cho những trường hợp đẻ khó và đem lại niềm hạnh phúc cho các bà mẹ. Tuy nhiên để có cuộc sinh thường một cách suôn sẻ và đạt được mục đích của chúng ta thì người bác sĩ quản lý thai nghén phải biết tiên lượng cuộc đẻ. Và điều đó phụ thuộc vào sức khỏe của mẹ, sức khỏe và trọng lượng của bé, ngôi thai của bé... và các phần phụ kèm theo có cho phép cuộc đẻ có thể diễn ra bình thường được hay không?".

Trong khi đó, sinh mổ lại có những chỉ định riêng, vi dụ như chỉ định về người mẹ, chỉ định về bệnh lý của người mẹ, sự bất thường của phôi thai, chỉ định sự bất thường của nhau thai.

Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Nếu như sinh thường thì điều quyết định cho cuộc sinh thường đó phải có sự tiên lượng của bác sĩ. Đó là, sức khỏe của sản phụ có được hay không? Thai nhi có thuận lợi cho đi đường dưới hay không? Phần phụ của thai có ảnh hưởng gì đến quá trình sinh thường hay không?...

Tuy nhiên sản phụ khi sinh thường đòi hỏi phải có sự tập huấn trước, về cách thở, cách thư giãn trong quá trình chuyển dạ và cuộc chuyển dạ của một cuộc sinh thường đối với con so kéo dài khoảng 9-16 tiếng; đối với con dạ khoảng 9-12 tiếng. Sản phụ phải chấp nhận, nhưng cũng rất chủ động vì sau cuộc sinh thường đó là một quá trình hoàn toàn sinh lý. Sản phụ có thể nghe được tiếng khóc của con ngay, có thể chăm sóc được bé ngay và có thể đi được trong phòng ngay.

Với sinh mổ, sản phụ có thể mổ trong tình trạng cấp cứu hoặc mổ chủ động theo yêu cầu. Khi sinh mổ phải mất ít nhất 2 tiếng để nằm bất động, để theo dõi những chảy máu trong quá trình mổ có nguy cơ gì không và những tai biến xung quanh đó. Giống như tránh một cuộc đau đẻ để đổi sinh mổ gây tê không đau; nhưng sau đó phải đổi cái đau vết mổ, và sự co hồi của tử cung có sẹo mổ.


Hệ miễn dịch ở trẻ sinh tự nhiên phát triển tốt hơn trẻ sinh mổ.

Bác sĩ Ngọc cho hay: "Bao giờ chúng ta cũng thấy quá trình sinh lý thì cũng diễn biến rất sinh lý. Bởi vì khi đẻ thường thì chuyển dạ chúng ta mới đẻ. Còn sinh mổ, chúng ta có quyền chọn ngày, ngoại trừ những trường hợp cấp cứu có thể phải mổ vào bất kì lúc nào".

Tuy nhiên, trong việc lựa chọn ngày mổ khi thai chưa đủ độ lớn thì có thể vô tình đưa con ra quá sớm, cũng gây ra những gian nan là bé có thể chưa độc lập được với môi trường mới.

Trong khi đó sinh thường, bé có cuộc "tập dượt" khi đi từ tử cung ra khỏi người mẹ giúp bé có sự tiếp xúc mới.

Trong các nghiên cứu, những trẻ sinh mổ thường dễ bị bệnh hô hấp và bệnh thần kinh nhiều hơn gấp 3 lần so với trẻ sinh thường. Cũng như tỉ lệ tử vong đối với trẻ sinh mổ thì cũng cao hơn đối với trẻ sinh thường.

Bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo, quá trình sinh ngả âm đạo là hiện tượng sinh lý tự nhiên của phụ nữ mang thai khi đến ngày thai nhi đủ tháng chuyển dạ, vì vậy không có lý do gì không theo hiện tượng sinh lý. Sinh mổ là một phẫu thuật ngoại khoa được chỉ định một khi quá trình chuyển dạ sinh không thể sinh được đường ngả âm đạo hoặc có vấn đề đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi mà phải chấm dứt thai kỳ sớm. Do đó không nên yêu cầu mổ hoặc chọn ngày tốt để mổ một khi không có một bất kỳ lý do nào làm ảnh hưởng đến chuyển dạ sinh thường của người mẹ.

Và theo chuyên gia... "Chỉ định sinh mổ hay sinh thường hãy nhường cho bác sĩ".

theo Công lý

Từ khóa: