Sự kiện hot
6 năm trước

Startup không nên nghĩ đến việc 'ăn xổi'

Theo ông Nguyễn Trung Chính Chủ tịch CMC, khi một người định khởi nghiệp, nếu chỉ suy nghĩ ngắn hạn, 'ăn xổi' thì rất khó thành công. Startup phải 'yêu và chung thủy' với đứa con tinh thần của mình thì mới có khả năng thuyết phục người khác.

Startup trong lĩnh vực công nghệ (Ảnh minh hoạ)

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội nào cho startup Việt?” do ICTnews.vn tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC đã giải đáp nhiều câu hỏi của các sinh viên muốn khởi nghiệp. Ông đã đưa ra lời khuyên cho các starup công nghệ có xu hướng làm sản phẩm ngắn hạn chỉ 1-2 năm, rồi tìm nhà đầu tư để bán lại. Ông Nguyễn Trung Chính cho rằng, xu hướng đầu tư trong vòng 1-2 năm rồi bán lại chỉ là của một startup ngắn hạn. Về dài hạn, đối với các startup có tinh thần doanh chủ thường họ sẽ gắn bó cả đời với đứa con tinh thần của mình. Thực tế có thể nhìn thấy nhiều tấm gương như Bill Gate, Steve Job, Jack Ma là những người rất thành công. Khi một người định khởi nghiệp, nếu chỉ suy nghĩ ngắn hạn, “ăn xổi” thì rất khó thành công. Người đó phải 'yêu và chung thủy" với đứa con tinh thần của mình thì mới có khả năng thuyết phục người khác.

Với một sinh viên công nghệ muốn khởi nghiệp, ông Nguyễn Trung Chính cho hay, thứ nhất startup phải tự đánh giá mình có khả năng khởi nghiệp hay không. Kế đó là đã có ý tưởng sáng tạo không. Ý tưởng phải thật sự xuất sắc và mới. Còn nếu chưa có thì tốt nhất nên tìm một công việc phù hợp để vừa làm vừa học hỏi. Chuẩn bị cho các cơ hội của mình trong tương lai. Không ai có thể đưa ra lời khuyên đúng cho mình bằng chính mình.

Ông Nguyễn Trung Chính tư vấn cho startup muốn nhận hỗ trợ từ Trung tâm sáng tạo CMC theo thủ tục rất đơn giản. Đó là, startup gửi hồ sơ thông tin công ty và cá nhân, giới thiệu tóm tắt ý tưởng đến Trung tâm Sáng tạo CMC, tầng 19 tòa nhà CMC, 11 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Hoặc Quỹ Sáng tạo CMC, tầng 17 tòa nhà CMC, 11 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội CMC sẽ nghiên cứu và có thư phản hồi, hiện có rất nhiều startup đã liên lạc và làm việc với CMC.

Bên cạnh những chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, ông Nguyễn Trung Chính cũng chia sẻ thông tin về sự chuẩn bị của CMC đối với Cách mạng 4.0, nền tảng của Cách mạng 4.0 là kinh tế số, trong đó việc chia sẻ, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (Big Data/AI), CMC đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng truyền dẫn, cung cấp khả năng kết nối dữ liệu tốc độ cao. CMC được đánh giá là nhà cung cấp hạ tầng kết nối xuyên ASEAN đầu tiên tại Việt Nam. CMC còn có kế hoạch đầu tư mở rộng Data Center giai đoạn 3, giai đoạn 4 cả ở Hà Nội và TP.HCM.

Bên cạnh đó, CMC cung cấp dịch vụ nền tảng điện toán đám mây (cloud Service), CMC là công ty có dịch vụ điện toán đám mây dùng riêng (Private Cloud). CMC có phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về Big Data/AI. CMC đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain vào các dịch vụ tài chính, ngân hàng tại Việt Nam.

Theo ông Chính, CMCN 4.0 tạo ra rất nhiều cơ hội dựa trên nền tảng công nghệ, tri thức, kinh tế số đem lại lợi ích to lớn cho toàn thế giới. CMCN 4.0 tạo ra cơ hội nhiều hơn thách thức.

Việt Nam đang ở thời điểm dân số vàng và trẻ, CMCN 4.0 là cơ hội cho những người trẻ do học tiếp cận công nghệ tốt hơn. Việt Nam có thách thức là nước đi sau các nước công nghiệp phát triển, nhưng lại có lợi thế là tận dụng những ưu việt của nước đi trước, bên cạnh đó khả năng hội nhập của người Việt tương đối tốt, sáng tạo tốt, thích nghi với những cái mới.

Với CMCN 4.0, ai có khả năng đáp ứng tốt sẽ có cơ hội rất lớn, nhất là đối với ngành CNTT. Nền tảng của CMCN 4.0 sử dụng CNTT rất nhiều, các doanh nghiệp CNTT không chỉ có cơ hội cung cấp dịch vụ cho thị trường 100 triệu dân mà còn có cơ hội tiếp cận với thị trường 7 tỷ người. Quan trọng là sản phẩm, dịch vụ có khả năng đáp ứng được nhu cầu của thị trường hay không. Các doanh nghiệp Việt Nam cần biến thách thức thành cơ hội mới, tạo ra những sản phẩm mới, có tính sáng tạo cao.

Khôi Nguyên
Theo Ictnews

Từ khóa: