Sự kiện hot
11 năm trước

Sức khỏe kinh tế VN 2013 qua lăng kính phong thủy

Năm Quý Tỵ là sự kết hợp của địa chi Tỵ với thiên can Quý. Về Ngũ hành, Quý thuộc hành thuỷ và Tỵ thuộc hành hoả, nên có sự xung khắc, dự liệu về một năm kinh tế xã hội đầy khó khăn và thử thách phía trước.

Năm Quý Tỵ là sự kết hợp của địa chi Tỵ với thiên can Quý. Về Ngũ hành, Quý thuộc hành thuỷ và Tỵ thuộc hành hoả, nên có sự xung khắc, dự liệu về một năm kinh tế xã hội đầy khó khăn và thử thách phía trước.

Chuyên gia phong thủy, KTS Phạm Cương - Giám đốc khối phong thủy Công ty Nhà Xuân - một người có uy tín trong giới Lý học đã có những dự đoán về kinh tế, xã hội năm 2012 với những câu chuyện nợ nần, phá sản, cắt giảm nhân sự...  

Mối liên hệ khủng hoảng với phong thủy

Với số đông người dân, phong thủy được xem là những ứng dụng trong đời sống cùng với kiến trúc và xây dựng. Nhưng thực tế, nhiều chuyên gia vẫn sử dụng phong thủy để dự báo về những vấn đề liên quan đến kinh tế, tài chính. Là người có những dự báo khá chính xác về kinh tế, ông dựa vào đâu để có những dự đoán trên?  

Trong dự báo về những vấn đề kinh tế mang tầm vĩ mô, tôi thường dựa vào lý thuyết Âm dương ngũ hành là chủ đạo đồng thời nghiên cứu sự ảnh hưởng năng lượng của Cửu tinh đối với địa bàn trái đất, từ đó biết các năng lượng Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ sẽ diễn biến ra sao. Các mặt năng lượng này trên thực tế có sự liên hệ với các lĩnh vực của nền kinh tế. Ví dụ, hành thổ có thể liên quan đến bất động sản, hành kim liên quan đến ngành tài chính, tiền tệ hoặc vàng, chứng khoán ở hành mộc và hành hoả...

Ngoài ra, tuỳ từng địa phương cụ thể, từ những biến đổi cục bộ về hình thái cấu trúc đô thị cũng sẽ nói lên rất nhiều điều. Giống như một ngôi nhà nhỏ bố cục không tốt sẽ ảnh hưởng đến tài lộc của gia chủ. Một đô thị bố trí không ra gì, phạm phong thuỷ thì dân cư khu vực đó khó ấm no yên ổn được.


Chuyên gia phong thủy, KTS Phạm Cương

Còn mối liên hệ giữa khủng hoảng kinh tế và môn phong thuỷ, thưa ông?  

Phong thuỷ có những câu “hình nào khí nấy” hay “Sơn quản nhân đinh thuỷ quản tài”, thuỷ lưu trong phong thủy tượng trưng cho tiền tài, dòng chảy trong giao thông cũng như dòng chảy sông hồ đó là hai phần trong phong thủy là hư thủy và thực thủy. Khi mà dòng thủy lưu bế tắc, tài chính khó có thể thịnh vượng. Đó sẽ là một trong những tiêu chí báo hiệu nền tài chính không tốt gây hại tới nền kinh tế nói chung.

Tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay có nhiều nét tương đồng với Thái Lan trong những năm cuối thế kỉ trước. Về khía cạnh phong thủy địa lý, sự bùng nổ của bất động sản một cách không kiểm soát, sự gia tăng dân số của các siêu đô thị mà không đáp ứng được nhu cầu giao thông của người dân, thành phố Hà Nội hay TP.HCM có những năm tháng triền miên tắc đường rất giống với thủ đô Băng Cốc trước đây. 

Nếu coi đất nước Việt Nam là một cơ thể thì thủ đô Hà Nội có thể coi là trái tim hoặc cái đầu của một cơ thể. Đường sá, sông ngòi chảy bên trong lòng thủ đô được coi như huyết mạch tạo nên sức sống trong cơ thể đó. Trái tim, cái đầu, cơ thể đó có mạnh hay yếu phụ thuộc vào sự luân chuyển hay bế tắc của khí huyết. Bản thân các dòng chảy, các luồng giao thông được phong thủy coi như phần “hư thủy” nói lên rất nhiều điều về vấn đề kinh tế tài chính.

Các ngân hàng lớn vị trí tọa lạc chưa chuẩn?

Với những yếu tố như giao thông tắc nghẽn liệu có thể xác quyết tới sự thịnh suy của nền kinh tế? Nói như vậy có áp đặt quá không, thưa ông?

Đó chỉ là một trong những tiền đề. Ngoài ra cũng có thể nhìn nhận đánh giá phong thủy của một số ngân hàng lớn để biết được sức khoẻ nền kinh tế.

Qua thực tế nghiên cứu về một số ngân hàng lớn tôi thấy vị trí tọa lạc đều chưa chuẩn, đặt ở những nơi năng lượng xấu hoặc kém năng lượng (theo phong thủy là bị suy khí) nên khi xây dựng sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Cụ thể hơn, khu đất dành để xây dựng những ngân hàng lớn như chân cầu Thăng Long, khu vực ngã tư Thái Hà, Láng Hạ đều chưa ổn về phong thủy. Nếu xây lên cũng khó thịnh vượng và khi vận hành dễ truc trặc như trường hợp toà nhà Keangnam vậy. Đương nhiên lí do thực tế khiến khó xây dựng có thể do thiếu tiền hoặc những vấn đề khác, tuy nhiên người ta trông về phần ngọn mà có thể suy đoán phần nào đó về phần gốc đang bất ổn sẽ kéo theo những kết quả, những hệ luỵ như vậy.

Ông có nói đến sức khoẻ của ngân hàng của nền kinh tế vậy hiện trạng theo phong thuỷ sức khoẻ của nền kinh tế đang ở giai đoạn nào?

Nhìn tình trạng giao thông ở Hà Nội ta sẽ dễ hình dung về kinh tế. Nhìn chung kinh tế đang ở thời kì giữa và cuối của khó khăn, vừa mới vượt qua được điểm chốt nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Thời gian gần đây, chúng ta đã tốn nhiều công sức để giải quyết bài toán giao thông đô thị ở Hà Nội với nhiều phương án, có những phương án thành công nhưng hầu hết không mang lại hiệu quả. Về cơ bản, nó cũng tương đồng với việc giải bài toán kinh tế còn nhiều bế tắc hiện nay. 

Theo quan điểm của ông, phong thuỷ cần làm gì để thúc đẩy nền kinh tế hoặc hoá giải những bất ổn của khủng hoảng?

Những chia sẻ trên của tôi nhằm chứng minh những khía cạnh xấu về phong thủy sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Biết được nguyên nhân rồi sẽ có hướng giải quyết. Những bế tắc trong giao thông chúng ta cần giải quyết ở một tầm nhìn xa hơn là bài toán quy hoạch và quan trọng nhất là thực hiện cho tốt quy hoạch đã đề ra. 

Hiện nay phương án giao thông Hà Nội đã có nhưng cách thức tốt như phân luồng giao thông các nút giao không đồng mức. Theo tôi là một điểm tốt cho phong thuỷ. Tuy nhiên việc xây cầu cạn cho giao thông ở đâu cũng cần phải tính toán kỹ càng nếu không sẽ ảnh hưởng đến cục diện chung. Nhất là việc xây cầu tại những nơi gần công trình trọng điểm những toà nhà quan trọng với quốc gia. Chẳng hạn như cây cầu cạn gần toà nhà của PVN là một tính toán chưa chuẩn về phong thủy. Xây như vậy tốt về giao thông nhưng lại ảnh hưởng tới toà nhà, mà phong thuỷ một toà nhà của tập đoàn lớn không tốt sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của cả nền kinh tế.

Đấy là những vấn đề liên quan đến giao thông hay “hư thủy” trong phong thủy. Còn về “thực thủy” là những con sông, mạch nước thì thế nào?

Cách đây ba bốn chục năm, hệ thống sông, kênh rạch ở Singapore cũng rất không ổn, xấu xí, nhem nhuốc tương đồng với nền kinh tế của họ chưa có gì đặc sắc, không hơn được Sài Gòn. Nhưng sau đó họ đã cải tạo triệt để, kênh rạch sạch sẽ văn minh, bộ mặt đô thị tốt lên trông thấy và kinh tế cũng phát triển thật thần kì. 

Với Hà Nội, chỉ quan tâm đến sông Hồng chưa đủ, nên quan tâm hơn nữa tới sông Tô Lịch. Điều này không chỉ nhìn thấy cái trước mắt là được lợi cho quang cảnh con sông trong nội đô, nhà cửa hai bên có được không khí trong lành, mà điều này tôi tin chắc làm phong thủy Thủ đô ta tốt hơn góp phần thúc đẩy, giải quyết các bế tắc về kinh tế.

Ngoài ra ở một chiến lược xa hơn về kinh tế chúng ta hiện chưa có chiến lược hoạch định các khu vực về một trung tâm tài chính. Chúng ta hiện đã quy hoạch trung tâm hành chính quốc gia, các khu công nghiệp các khu trường đại học nhưng quy hoạch trung tâm tài chính tại Hà Nội lại chưa được tiến hành một cách nghiêm túc và triệt để. Theo tôi, một khi các định chế tài chính ở gần nhau ở vị trí tốt nữa thì sức mạnh cộng hưởng mới thật đáng kể, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Vậy nhìn một cách tổng thể, bức tranh kinh tế năm Quý Tỵ sẽ diễn biến như thế nào?

Năm Quý Tỵ là sự kết hợp của địa chi Tỵ với thiên can Quý. Về Ngũ hành, Quý thuộc hành thuỷ và Tỵ thuộc hành hoả. Như vậy, thiên can và địa chi có sự xung khắc. Điều này cho ta dự liệu về một năm mà tình hình kinh tế xã hội đầy khó khăn và thử thách phía trước. Nhưng theo tôi, những khó khăn trong năm tới sẽ là những nút cuối cùng trong bức tranh khó khăn chung của thế giới để hướng tới năm 2014 thịnh vượng và sáng sủa hơn.

Xét về vị trí địa lý, các quốc gia trải dài từ nam ra bắc sẽ được tốt hơn những quốc gia trải dài từ đông sang tây. Ở Việt Nam, theo tôi phía nam và miền trung sẽ là những nơi có kinh tế bớt khó khăn hơn cả và trở thành đầu tàu kéo chúng ta vượt qua khủng hoảng trong những năm tới.

Năm mới, chúng ta sẽ có những dòng vốn ngoại làm lực đỡ cho nền kinh tế. Năm 2012 là một năm chúng ta đã có những quyết sách mạnh tay để cơ cấu nền tài chính. Năm 2013 tôi hi vọng chính sách này sẽ tiếp tục thực thi, mạnh mẽ hơn rõ nét hơn để tạo một điểm tựa, một môi trường lành mạnh cho nền tài chính cũng như kinh tế Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Thiên Văn
theo Kiến thức

Từ khóa: