Sự kiện hot
11 năm trước

Suýt mất mạng vì thuốc “tân dược” vỉa hè

Dantin - Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội lại xuất hiện một đội ngũ đông đảo các “dược sỹ hè phố”.

Dantin - Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội lại xuất hiện một đội ngũ đông đảo các “dược sỹ hè phố”. Với những cái làn, rổ, thúng, mẹt… đựng, bày la liệt các loại thuốc “tân dược” không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, không rõ thành phần nguyên liệu, họ đi rao bán trên khắp các đường phố, bến xe, vườn hoa, công viên...

Tràn lan


Thuốc tân dược vỉa hè được khiến nhiều người suýt mất mạng.

Dạo một vòng qua một số đường phố, tuyến đường, bến xe… trên địa bàn Hà Nội không khó để bắt gặp những “quầy thuốc tân dược” di động (thuốc được đựng, bày trong những cái làn, thúng, rổ, mẹt…). Để “hút” người mua, chủ “quầy thuốc tân dược” này tự xưng là “dược sỹ đang làm trong các bệnh viện” và “thật thà” cho khách biết “ đây toàn là thuốc lấy trộm của bệnh viện”(?!). Có người lại tự phong cho mình là “thầy thuốc đông y gia truyền”. Một số người khác thì lại quảng cáo “Thuốc của thầy lang từ các vùng trung du miền núi phía bắc xuống Thủ đô làm việc thiện giúp dân”. Tất cả các vị “dược sỹ” hoặc “thầy thuốc đông y gia truyền” này đều rao: Thuốc gì cũng có hết, từ đông y, tây y đến “dân tộc y”, từ ta sản xuất đến “Tây nó viện trợ cho bệnh viện”. Và “Đủ các loại thuốc chữa đủ các loại bệnh từ đơn giản như sâu răng, hôi nách, tổ đỉa đến các loại bệnh phức tạp như đau dạ dày, hành tá tràng, viêm dây thần kinh và kể cả thuốc phục hồi cho người bị tai biến mạch máu não, vô sinh…”.

Đóng vai một người bị đau dạ dày lâu năm tôi tạt vào một “quầy thuốc tân dược”trên vỉa hè đường Hoàng Quốc Việt. Vị “dược sỹ” trạc tuổi 50, đầu chụp mũ, đeo khẩu trang che kín mặt nhanh nhảu chỉ vào tấm biển nhựa quảng cáo “ Bán thuốc gia truyền đặc trị các loại bệnh dạ dày, đại tràng, đau thần kinh…”, đon đả nói “ Em đến đúng thấy, gặp đúng thuốc đấy”. Chưa nghe xong tôi dãi bày bệnh tật thì vị “dược sỹ” đã lôi một đống thuốc ra khoe, từ những viên thuốc tây to như ngón tay cái, đến những loại thuốc bột đóng trong túi nilon, thậm chí còn có cả thuốc nước màu vàng đậm đóng trong chai nhựa. “Lấy thuốc của chị đi, thuốc gia truyền lấy từ dân tộc xuống đó. Nhiều người lấy khỏi lắm rồi, nếu em kiên trì uống thì khoảng chục gói là khỏi hẳn luôn, không bao giờ bị tái phát trở lại đâu” Vừa nói chị vừa lôi ra một túi bột màu nâu nhạt “Em dùng thử luôn đi, dễ uống mà lại rẻ nữa, một túi này chỉ có 120.000đ thôi”. Sau khi nếm thử một chút “thuốc dân tộc” này thấy có vị thơm thơm, ngọt ngọt giống như mùi cam thảo, tôi bèn lấy lý do “Thuốc này em đã từng dùng rồi, vẫn còn mấy gói...”

Điểm tiếp theo của chúng tôi khảo sát là bến xe Mỹ Đình. Vừa bước vào bến đã thấy một phụ nữ trung niên chạy đến bên mời chào mua thuốc chống say. Sau khi bán cho chúng tôi một vỉ bốn viên thuốc chống say có hình chiếc máy bay đang bay trên bầu trời, chị ta lại gợi mở tiếp: “Anh có hay bị đau đầu, đau lưng không, em có loại thuốc ngoại này hay lắm, vừa nhập bên nước ngoài về, thuốc này uống vào mấy liều là khỏi liền à…”. Bảo cho xem thuốc, thì chị ta hạ ngay cái thúng xuống, cất mấy tờ báo che bên trên, để lộ ra bốn cái lọ nhựa trong suốt đựng đủ loại thuốc viên, thuốc “con nhộng”.Tất cả các loại thuốc mà chị ta giới thiệu đều không hề có nhãn mác kèm theo.

Bán thuốc “đa không”

Sau khi mua mấy viên thuốc đau đầu của một người bán thuốc dạo tên Nhung trên đường Phạm Hùng, chúng tôi tế nhị hỏi chị có bằng cấp gì về chuyên ngành dược thì chị cho biết: “Tôi thì không có, nhưng em gái tôi nhập thuốc bảo hiểm trong bệnh viện, nó kiếm một ít về cho tôi, không dùng hết nên tôi đưa đi bán. Anh yên tâm đi, tôi cũng dùng thuốc này thường xuyên, bệnh thuyên giảm nhiều lắm”.

Ngoài chị Nhung ,khi hỏi một số người bán thuốc dạo khác chúng tôi đều nhận được câu trả lời “Thuốc này con tôi xách tay từ nước ngoài về, không có nhu cầu dùng đến nên đem bán lại”, hoặc “Nhà tôi không ai học y nhưng đây là bài thuốc gia truyền từ bao đời nay để lại, cha truyền con nối nên cứ yên tâm mà dùng”….

Ngoài việc người bán thuốc không có bằng cấp chuyên ngành dược thì các loại thuốc họ rao bán đều có một điểm chung: Không có tem, nhãn mác, không rõ thành phần dược liệu, không ghi thời gian sản xuất, thời hạn sử dụng. Thậm chí những điều tối thiếu như chỉ định, chống chỉ định, khuyến cáo về tác dụng phụ… đều không hề có.

Nhưng thay vào đó những vị “dược sỹ” dỏm này lại rất “tài” trong việc hướng dẫn người mua thuốc. Chỉ nhìn vào mấy viên thuốc vừa lấy trong thúng, trong rổ ra, đã “phán” ngay với người mua rằng một ngày uống mấy viên, uống vào trước hay sau khi ăn, cần kiêng khem những gì, thậm chí còn nói thao thao về dược tính của thuốc như một người bán thuốc chuyên nghiệp.

Khi hỏi về thành phần của thuốc thì những “dược sỹ” này rất giỏi lấp liếm. Chị L., một người bán thuốc đông y dạo ở đường Xuân Thủy lắc đầu quây quậy: “Thành phần thuốc là bí kiếp gia truyền nên không thế tiết lộ cho người ngoài biết được”. Cũng tương tự như vậy khi hỏi một số người bán thuốc dạo khác đều nhận được câu trả lời như “Thuốc được hái từ lá cây quý ở các vùng dân tộc” hay là “Thành phần ghi bằng chữ nước ngoài nhiều quá nên không nhớ”…

Suýt chết vì tân dược " dỏm"

Bằng hình thức bán thuốc di động, hằng ngày những dược sỹ “dỏm” này tung ra thị trường hàng trăm viên thuốc mà chính họ cũng không biết mình đang bán loại thuốc gì, chữa được bệnh gì (?!)

Anh Hồ Khá Luân một người dân ở phường Kim Mã, Quận Ba Đình (Hà Nội) suýt mất mạng vì thuốc tân dược vỉa hè cho biết: “Hôm trước tôi mua thuốc chữa sâu răng thì thấy khỏi, hôm sau gặp bà ấy ở đường Phạm Hùng gần bến xe Mỹ Đình, thấy bà ta quảng cáo thuốc dạ dày nhiều người uống khỏi lắm nên tôi mua một ít về uống xem thế nào. Sau khi uống được hai hôm thì tôi đau bụng quằn quại, thấy quặn thắt ở bụng, buồn nôn và chóng mặt phải đi bệnh viện cấp cứu. Bác sỹ chấn đoán là do tôi uống phải rễ một loại cây độc …”

Chị Mỹ Duyên, quê ở Hà Tĩnh, hiện đang thường trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ cho biết: “Hôm ấy tôi mới ở trong quê ra, vừa xuống xe đang đau đầu choáng váng, có người đến bảo bán thuốc đau đầu nên tôi mua mấy viên, nhưng chỉ uống có hai viên. Về đến nhà không những không đỡ đau mà còn đau nặng hơn, tôi phải vào bệnh viện cấp cứu.Bác sỹ bảo tôi bị dị ứng do dùng thuốc quá hạn và thuốc đó nằm trong danh mục thuốc bị cấm sử dụng….”

Sỹ Thành

Từ khóa: