Sự kiện hot
10 năm trước

Tái cơ cấu ngành lúa gạo, hướng đi nào bền vững?

Hiện nay áp lực của vấn đề an ninh lương thực không còn đè nặng lên vai người dân và các nhà quản lý nữa. Vì vậy điều cần quan tâm hiện nay đối với ngành hàng này là làm thế nào để nâng cao chất lượng, nâng tầm thương hiệu hạt gạo Việt Nam…


Làm gì để phát huy được thế mạnh vựa lúa lớn nhất cả nước

Tìm lại giá trị thực cho hạt gạo Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích canh tác lúa từ 1,6-1,8 triệu ha, có gần 2 triệu hộ sản xuất lúa, diện tích trung bình/hộ chỉ là 0.87 ha/hộ. Thời gian qua, gạo vùng ĐBSCL chủ yếu xuất khẩu (chiếm 90% sản lượng cả nước). Tình hình cơ giới hoá sản xuất vẫn khó khăn nhất ở khâu sau thu hoạch (gặt, sấy và bảo quản lúa). Cơ cấu gieo trồng là 45% giống cho lượng gạo thấp (IR 50404, OM 576), 35% giống cho chất lượng gạo trung bình và chỉ 20% giống cho chất lượng gạo cao cấp. Điều mà tồn tại nhiều năm nay đó là thương lái luôn tham gia phân phối lưu thông vào 90% sản lượng gạo, ở ĐBSCL khiến cho lợi nhuận của người nông dân bị cắt xén chưa thể đảm bảo 30% lãi dù Chính phủ đã thực hiện chính sách mua tạm trữ khi giá xuống thấp.

Vùng ĐBSCL hiện đang tồn tại 3 vùng sinh thái khác nhau, nên việc canh tác tại các vùng này cũng cần tính toán và định rõ quy chế để phân bổ hạn ngạch xuất khẩu cũng cần phải thay đổi theo mức độ sản lượng ở mỗi vùng. Chính phủ và các tỉnh, thành phố cũng phải quy định rõ phương thức hợp đồng sản xuất và thương mại lúa gạo. Trong đó ưu tiên 2 loại hình là Hợp đồng bao tiêu sản phẩm và Hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm, hạn chế hình thức là mua bán tại chỗ và nông dân làm thuê cho doanh nghiệp.

Tại hội thảo tái cơ cấu ngành lúa gạo vùng ĐBSCL diễn ra tại Cần Thơ mới đây, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đã dự báo xuất khẩu lúa gạo năm 2014-2015 của Thái Lan sẽ tăng trưởng mạnh nhằm giành lại vị trí số 1 thế giới, trong khi đó xuất khẩu Việt Nam và Mỹ chỉ tăng trưởng nhẹ, Ấn Độ giảm. Trong khi đó xuất khẩu gạo của ta sang Trung Quốc vẫn tăng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhập khẩu của các thị trường truyền thống là Philippines, Malaysia, Indonesia không ổn định. Trong nước, tỷ trọng xuất khẩu theo hợp đồng tập trung Chính phủ có xu hướng giảm.

Cũng tại hội thảo này ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã đại diện cho các tỉnh thành ĐBSCL nói về cái khó của tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL: “Ngoài khó khăn về thị trường tiêu thụ và những thay đổi thất thường của khí hậu thì ngành lúa gạo ở ĐBSCL đang vướng ở chỗ chính sách tạm trữ. Vấn đề này còn chưa hoàn thiện về việc phân bổ thời vụ, tiềm măng của từng tỉnh và số lượng doanh nghiệp tham gia, dẫn đến khâu tiêu thụ rất khó khăn. Ngoài ra, ở các cánh đồng mẫu lớn (CĐML), doanh nghiệp đầu tư vào chưa cao, năng lực hợp tác xã và hệ thống cung ứng dịch vụ nông nghiệp cũng còn hạn chế.”


Hạt gạo đang đè nặng lên vai người nông dân

Nhiều giải pháp để tái cơ cấu

Cũng tại hội thảo tái cơ cấu ngành lúa gạo vùng ĐBSCL, ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Cây lương thực, thực phẩm – Cục Trồng trọt – Bộ NNPTNT nhấn mạnh: Chúng ta cần tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng gia tăng giá trị, sử dụng có hiệu quả hơn đất canh tác lúa. Để làm được điều này, trước hết cần cải thiện cơ cấu giống lúa chất lượng cao được thị trường thế giới chấp nhận. Bên cạnh đó phải tập trung cải tiến kỹ thuật canh tác theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng theo các hình thức GIP để thỏa mãn yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính.

Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn: Các chính sách để tái cơ cấu ngành lúa gạo ĐBSCL bao gồm: Đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo với nông dân và vùng nguyên liệu; tập trung hỗ trợ cho vùng chuyên canh phục vụ xuất khẩu; ứng dụng khoa học công nghệ và kĩ thuật tiên tiến để tăng năng suất và giá trị của ngành hàng lúa gạo; thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp; phát triển thị trường xuất khẩu mới như Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông; tăng sản lượng gạo chất lượng cao xuất khẩu; đầu tư xây dựng thương hiệu; giảm xuất khẩu tiểu ngạch, tăng xuất chính ngạch. Kiến nghị Chính phủ ưu tiên kinh phí xây dựng và hoàn thiện các công trình thủy lợi đầu mối lớn để vận chuyển nông sản tiêu thụ dễ dàng. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực hợp tác xã, kêu gọi đầu tư và vốn tín dụng cho doanh nghiệp từ nguồn vốn nước ngoài. Tiếp tục thực hiện Quyết định 62/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg trong Cánh đồng liên kết và Hỗ trợ cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Một hai năm trở lại đây, TP. Cần Thơ đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích trồng lúa vụ hè thu sang trồng màu và chuyển sang nuôi trồng thủy sản trong vụ thu đông, ông Phạm Văn Quỳnh – Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ nhấn mạnh: Tái cơ cấu ngành lúa gạo suy cho cùng là nhằm nâng cao giá trị gia tăng, và cải thiện thu nhập cho người nông dân. Vì vậy, việc giảm bao nhiêu diện tích lúa, tăng bao nhiêu diện tích màu sẽ phụ thuộc rất lớn vào sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể như ở Thới Lai, Vĩnh Thạnh, chúng tôi đã chuyển đổi một số đất lúa sang trồng màu và thủy sản. Đây là cách để giảm bớt sản lượng lúa trong thời kỳ tiêu thụ khó khăn, đồng thời mở rộng lợi thế của từng vùng đối với nhiều loại nông sản khác…

Các chuyên gia cho rằng, tái cơ cấu ngành lúa gạo phải nhìn từ tổng quan, nghiên cứu chuỗi liên kết, đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có chính sách quản lý, điều hành chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Trước hết, cần có sự liên kết vùng, chứ không thể mạnh ai nấy làm, phải phân tích thị trường, tổ chức sản xuất hợp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức lại “đường đi” của lúa…

TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng về lâu dài nếu lúa gạo tiếp tục lệ thuộc vào một thị trường là vấn đề rất khó. Do vậy cần xúc tiến thương mại nhiều thị trường khác nhau dù phải đối diện cạnh tranh gay gắt. Thị trường châu Phi bỏ ngỏ rất lớn, Bắc Mỹ và Tây Âu người Việt ở đó kiếm gạo ăn cũng khó. Nếu mở rộng thị trường được thì chuyện tiêu thụ 6-7 triệu tấn không phải là khó. Còn nếu quá lệ thuộc vào một thị trường nhạy cảm sẽ khó lường hết khó khăn, từ đó sẽ xảy ra ứ đọng gây khó khăn cho nông dân”.

Nói gì thì nói, việc định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo vùng ĐBSCL, vẫn luôn phải đảm bảo được các tiêu chí đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và canh tác bền vững...

Thanh Giang
theo Xây dựng

Từ khóa: