Sự kiện hot
6 năm trước

Thái Nguyên: Kỳ lạ thương vụ xoay vòng mua bán

Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hùng Phát là 1 trong 2 đơn vị bán CTNH cho Công ty XNK Dương Phạm. Sau khi hơn 233 tấn CTNH này bị bắt giữ, Dương Phạm lại thuê Hùng Phát đem "con đẻ" về nhà để.. xử lý!

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã thông tin trước đó, ngày 9/1, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Dương Phạm (gọi tắt là Công ty Dương Phạm) bị lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên bắt quả tang hành vi vận chuyển, tập kết 266.160kg chất thải, trong đó có hơn 233 tấn là chất thải nguy hại (CTNH). Sau đó, Công ty Dương Phạm đã bị UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định xử phạt hơn 1 tỷ đồng và yêu cầu xử lý theo quy định toàn bộ số chất thải nói trên.

Tuy nhiên, vì không có đủ năng lực xử lý chất thải nguy hại nên Công ty Dương Phạm buộc phải thuê lại một công ty khác có năng lực, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý CTNH. Cũng từ đây mà nhiều dấu hiệu bất thường trong thương vụ vận chuyển CTNH hình thành.

"Thương vụ bạc tỷ" giữa MTĐT Hùng Phát và XNK Dương Phạm

Khoảng 21h, ngày 16/8/2018, Công ty TNHH XNK Dương Phạm (trụ sở tại Đại Từ, Thái Nguyên) đã chuyển giao toàn bộ 266,160kg chất thải trong đó có hơn 233 tấn CTNH cho Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hùng Phát - đơn vị có chức năng xử lý CTNH (trụ sở tại Quế Võ, Bắc Ninh) để xử lý theo quy định. Số chất thải này trước đó đã tập kết 8 tháng tại diện tích đất của ông Đoàn Doãn Thiết, thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương.

Hai công ty trên đã phối hợp dọn sạch CTNH trên mặt bằng khu vực lập kết dưới sự giám sát của UBND huyện Phú Lương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Môi trường PC49, UBND thị trấn Giang Tiên và Trưởng tiểu khu Giang Tân.

Tại khu đất tập kết hơn 233 tấn CTNH có 2 hố lớn, được đào sâu chừng 2m.

Thế nhưng lạ ở chỗ, Công ty Hùng Phát lại chính là “cha đẻ” của hàng trăm tấn chất thải nguy hại bị bắt giữ. Trong 10 xe tải vận chuyển chất thải của Công ty Dương Phạm bị lực lượng chức năng bắt giữ thì có 8/10 xe là CTNH, trong đó 4 xe là tiếp nhận từ Công ty Hùng Phát, 5 xe từ Công ty An Sinh.

Hàng trăm tấn chất thải đã có cuộc hành trình kỳ lạ đi từ Bắc Ninh (công ty Hùng Phát) tới Phú Lương (nơi công ty Dương Phạm tập kết), gần 8 tháng sau khi bị phát hiện, số chất thải nguy hại này lại “quay đầu” từ Phú Lương về Bắc Ninh.

Trước sự việc này PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thế Giang – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên và ông Lê Xuân Phương – Thanh tra viên, Thanh tra Sở TNMT. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Giang thông tin: “Công ty Dương Phạm mua lại số chất thải của Công ty Hùng Phát và Công ty An Sinh, sau đó tập kết tại khu đất ở thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương. Có thể họ mua lại để đem bán chứ không phải để xử lý vì công ty Dương Phạm không có năng lực xử lý CTNH. Cuộc mua bán giữa các công ty này đều có hóa đơn chứng từ đầy đủ”.

Trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.

Ký hợp đồng với chủ nguồn thải CTNH, sau đó không xử lý mà đem bán lại cho một đơn vị khác không có năng lực, mục đích cuối cùng của thương vụ mua bán này chắc hẳn không phải để xử lý số chất thải trên. Vậy cuộc mua bán bất chấp quy định pháp luật của Hùng Phát và Dương Phạm đang nhắm vào điều gì nếu không phải vụ lợi cho doanh nghiệp?

“Việc mua bán giữa hai công ty này đang được Cảnh sát Môi trường PC49, Công an tỉnh Thái Nguyên điều tra, làm rõ” – Phó giám đốc Sở TNMT Thái Nguyên tiếp tục chia sẻ.

Cũng trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Hoàng Duy Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho rằng: “Việc UBND huyện đồng ý cho công ty Dương Phạm thay đổi đơn vị vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại là Công ty Hùng Phát là chuyện không khó hiểu.

Hiện trường còn lại của khu đất tại Giang Tiên.

Những khối màu xám dễ bóp vụn, có mùi hơi tanh xuất hiện nhiều ở hiện trường là gì?

Trước đó, Công ty Dương Phạm ký hợp đồng với Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Kho vận Phú Hưng tại Hải Phòng để xử lý và vận chuyển nhưng do công ty này không thực hiện đúng hợp đồng dẫn đến chậm tiến độ. Vì thế, xét đề xuất của Công ty Dương Phạm, xét hồ sơ năng lực của Công ty Hùng Phát thì UBND huyện không có lý do gì để từ chối và không đồng ý cho họ tiến hành vận chuyển. Thậm chí, khi họ đầy đủ hồ sơ, nếu chúng tôi không đồng ý thì họ có quyền phản bác tại sao, khi ấy huyện chẳng đưa ra được lý do nào cả” – ông Hưng cho hay.

Ông Phạm Hữu Hoàn – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lương cũng thông tin: “Mọi hoạt động của các đơn vị trong vụ việc này đều được huyện làm theo đúng quy trình và có báo cáo đầy đủ tới cấp trên”.

233 tấn CTNH tiếp tục cuộc hành trình

Sau khi vụ việc nghiêm trọng trên diễn ra, dư luận vẫn nóng lên vì những hoài nghi trong quy trình xử lý và số phận cuối cùng của chất thải nguy hại. Về việc này, Báo cáo số 247/BC-UBND của UBND huyện Phú Lương gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở TNMT và Công an tỉnh đã nêu rõ.

Theo đó, Công ty XNK Dương Phạm đã bàn giao toàn bộ 266.160kg chất thải cho Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hùng Phát vận chuyển đi xử lý với tổng số 32 xe đều nằm trong Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép theo quy định.

Việc vận chuyển phải được giám sát chặt chẽ, 32 xe trong danh sách (bên phải) phải nằm trong Giấy phép xử lý CTNH do Bộ TN&MT cấp (bên trái).

Công ty Dương Phạm phải theo dõi tiến độ xử lý CTNH của Công ty Hùng Phát. Sau khi xử lý xong toàn bộ, công ty phải có báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản với UBND huyện Phú Lương, Sở TNMT, Công an tỉnh Thái Nguyên (kèm theo chứng từ CTNH)

Còn Công ty Hùng Phát phải có báo cáo hàng tuần về tiến độ xử lý đối với khối lượng chất thải nguy hại nói trên với các cơ quan, ban ngành.

Trước đây, hai công ty này diễn ra hoạt động mua bán CTNH, nay, hai công ty lại tiến hành kí hợp đồng vận chuyển xử lý chính số CTNH đó. Nhưng lần này, Dương Phạm lại trong vai người đi thuê Hùng Phát xử lý chính chất thải mà Hùng Phát đã bán.

Cho tới thời điểm này, Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hùng Phát vẫn chưa hề bị “nhắc tên” khi tham gia “tẩu tán” hàng trăm tấn CTNH, theo lời đại diện Sở TNMT thì việc này vẫn đang được lực lượng PC49 tiến hành điều tra.

Ngay từ đầu Hùng Phát đã không xử lý CTNH theo đúng nhiệm vụ của mình mà lại vẽ ra một thương vụ mới từ những thứ đáng ra phải tiêu hủy. Liệu rằng đây có phải bản hợp đồng mua bán CTNH duy nhất của Công ty Hùng Phát, hay còn nhiều thương vụ khác mà cơ quan chức năng chưa hề biết tới?

Trong một diễn biến khác, Công ty An Sinh cũng là đơn vị góp số lượng không nhỏ chất thải để Công ty Dương Phạm vận chuyển, tập kết sai quy định. Uẩn khúc đằng sau những bản hợp đồng mua bán của các công ty trên là gì?

PHAN NGÂN - TRIỆU HỒ
Theo Môi trường Đô thị

Từ khóa: